Hãy một lần đến với A Pa Chải
Niềm xúc cảm xen lẫn tự hào khi được chạm vào cột mốc số 0 với tấm Quốc huy mang dòng chữ “Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”
Nằm ở toạ độ 22 độ 26 phút vĩ độ Bắc và 103 độ 01 phút kinh độ Đông, ngã 3 biên giới A Pa Chải là địa danh miền núi xa nhất phía Tây Bắc đất nước, nơi có cột mốc số 0, phân chia danh giới giữa 3 nước Việt Nam-Trung Quốc-Lào.
Dọc hành trình 260km từ tỉnh lỵ Điện Biên lên A Pa Chải, sự bồi hồi đến khó tả hiện hữu trong mỗi chúng tôi khi sắp được đến một địa danh thiêng liêng của Tổ quốc. Được sự giúp đỡ của các chiến sĩ biên phòng Đồn 317 A Pa Chải, đi bộ hơn 2 tiếng đồng hồ, cuối cùng đoàn cũng lên đến cột mốc số 0. Giữa đại ngàn bao la huyền bí, niềm xúc cảm xen lẫn tự hào về chủ quyền lãnh thổ cứ trào dâng trong mỗi chúng tôi khi được chạm, được ngắm cột mốc với tấm Quốc huy mang dòng chữ màu vàng nổi bật: “Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.
Một nhóm những bạn trẻ từ nhiều vùng miền của đất nước đến A Pa Chải cũng cùng chung cảm xúc ấy. Đỗ Thanh Tùng, hiện đang sinh sống ở Cần Thơ cho biết: Các bạn trong nhóm mỗi người một nơi và đều đã được nghe kể về A Pa Chải từ lâu, và ấp ủ ít nhất một lần được chinh phục đỉnh cao này. Vì thế các bạn đã hẹn nhau qua mạng, thống nhất lịch trình đến đây bằng xe máy. Quãng đường thật xa xôi vất vả, tính từ Hà Nội lên đây là 770km, nhưng khi lên được điểm mốc số 0, mọi mệt mỏi tan biến hết.
Ảnh: Vũ Thành Công |
Mặc áo mang sắc cờ đỏ sao vàng, tay cầm cờ Tổ quốc, không giấu được niềm tự hào của mình, Tùng tâm sự: “Tại sao chúng tôi đến A Pa Chải? Tôi nghĩ đơn giản thôi, có những người đã hy sinh cuộc sống của mình để canh giữ biên cương đất trời, A Pa Chải lại là vùng địa đầu của Tổ quốc. Đối với tôi, tại sao chúng ta không đến đó để cảm nhận về A Pa Chải, bởi nơi đây thực sự là điểm đến tự hào!”.
Lê Thị Hiên, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã được nghe kể nhiều về vùng ngã ba biên giới Tây Bắc của Tổ quốc trước khi đặt chân đến A Pa Chải, rằng cách đây chừng trên dưới chục năm, nơi đây thực sự là nơi “thâm sơn cùng cốc”, cách biệt với thế giới bên ngoài. Bây giờ đến bản Tá Miếu, đến A Pa Chải, Hiên đã thấy nhiều đổi thay, không giống như trong hình dung.
A Pa Chải đã có đường nhựa gần đến nơi. Đầu tư của Nhà nước, cùng với sự giúp đỡ có các anh bộ đội biên phòng 317 đứng chân trên địa bàn, cuộc sống của hơn 350 hộ dân người Hà Nhì của 11 bản thuộc 2 xã biên giới Sín Thầu và Sen Thượng cũng đã có nhiều đổi thay. Tự hào về chủ quyền biên giới đất nước, Hiên cũng như các bạn vô cùng khâm phục, chia sẻ với công việc vất vả, thầm lặng mà cao cả của những người lính biên phòng. Hiên cho biết: “Tôi rất tự hào được đến đây và thực sự khâm phục các anh bộ đội. Sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ chia sẻ trên diễn đàn hoặc trang cá nhân về A Pa Chải để mọi người cùng biết”.
Ảnh: Vũ Thành Công |
Từ khi ngã ba biên giới này có lối mở A Pa Chải - Long Phú thông thương với nước bạn Trung Quốc, cư dân 2 bên có nhiều điều kiện qua lại buôn bán hàng hoá, thăm thân, rồi khách du lịch lên với A Pa Chải nhiều hơn. Năm 2010, A Pa Chải đã đón gần 1.000 lượt khách du lịch. Những tháng đầu năm nay, khách lên với A Pa Chải rất đông, nhất là vào những ngày cuối tuần. Vì thế, bên cạnh nhiệm vụ quản lý bảo vệ đoạn biên giới gần 60km với nước bạn Lào và Trung Quốc, nhiệm vụ của các chiến sỹ biên phòng lại tăng thêm; làm sao vừa quản lý tốt an ninh biên giới, vừa tạo điều kiện cho khách du lịch, đặc biệt là các bạn trẻ thêm hiểu về A Pa Chải, có được cảm xúc thực về chủ quyền biên giới thiêng liêng.
Thượng uý Pờ Bạch Quân, Đồn phó Trinh sát, Đồn biên phòng 317 A Pa Chải cho biết: “Đơn vị luôn tạo điều kiện cho các đoàn đến thăm và lên khu vực cột mốc số 0. Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên quán triệt cho anh em cán bộ, chiến sỹ làm tốt công tác tuyên truyền cho các đoàn công tác, cũng như các đoàn thăm quan du lịch hiểu rõ quốc gia, quốc giới thiêng liêng, để mọi người chấp hành tốt nội quy, quy định biên giới”.
Hãy một lần đến với A Pa Chải, bạn sẽ được thưởng ngoạn cảm giác bồng bềnh phiêu lãng cùng những cánh rừng xanh trập trùng trong mây; tận hưởng cảm xúc khám phá dải đất biên cương xa xôi và niềm tự hào không kể xiết về chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc./.