Khai mạc Năm Du lịch quốc gia: tạo xung lực mới cho ngành du lịch
VOV.VN - Năm Du lịch quốc gia cùng sự kết nối, hợp tác giữa các ngành, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp hứa hẹn sẽ mang lại những xung lực mới cho ngành du lịch. Đây là phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Ninh Bình 2021 diễn ra tối 20/4.
Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Ninh Bình 2021 với chủ đề “Hoa Lư - Cố đô ngàn năm” được tổ chức tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đây là sự kiện quan trọng, thể hiện nỗ lực vượt qua khó khăn để phục hồi, phát triển ngành du lịch cả nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng trước ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Cơ hội để người dân khám phá đất nước
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, lễ khai mạc năm nay diễn ra trong bối cảnh cả thế giới vẫn đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19, đã đẩy nền kinh tế thế giới vào cuộc khủng hoảng tồi tệ. Ngành du lịch thế giới là một trong những ngành bị ảnh hưởng lớn nhất và phải gánh chịu những thiệt hại hết sức nặng nề mà phải nhiều năm sau mới có thể trở lại như trước đại dịch.
Việt Nam có nguy cơ rất cao ngay từ khi bệnh dịch mới khởi phát. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống, sự hy sinh quên mình của các lực lượng chức năng và đặc biệt là sự tham gia của nhân dân, Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh, được thế giới đánh giá là một trong số ít những quốc gia chống dịch tốt nhất. Nhờ đó, mặc dù nền kinh tế nói chung và du lịch nói riêng đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách nhưng Việt Nam vẫn vững vàng và sẵn sàng cho cả những thách thức cũng như những cơ hội phía trước.
Điểm lại những thành tựu ấn tượng của du lịch Việt Nam trước dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ những khó khăn của ngành du lịch, doanh nghiệp và những hộ gia đình, cá nhân tham gia làm du lịch đã và đang đứng trước muôn vàn khó khăn, do không còn du khách quốc tế và du khách trong nước cũng giảm sâu đột ngột mỗi khi có ca bệnh trong cộng đồng. “Nhưng trên tất cả, toàn ngành vẫn hết sức nỗ lực để duy trì các nguồn lực du lịch mà nếu buông xuôi thì phải mất nhiều năm mới khôi phục lại được. Đó không chỉ là lòng yêu nghề mà còn là trách nhiệm với ngành, trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trong thời điểm Việt Nam chưa thể mở cửa đón khách quốc tế thì đây là dịp tốt để mọi người khám phá thêm những nét đẹp về thiên nhiên, văn hóa của Tổ quốc mình; để cùng bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; để cùng thưởng thức những dịch vụ cao cấp mà trong điều kiện bình thường phần nhiều là những người có thu nhập cao, người ngoại quốc mới có điều kiện kinh tế để chi trả.
Đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn
Ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, Năm Du lịch quốc gia 2021 là chuỗi các hoạt động xuyên suốt cả năm với 38 hoạt động được tổ chức tại Ninh Bình và 104 hoạt động hưởng ứng của các tỉnh, thành phố nhằm khích lệ và thúc đẩy ngành du lịch cả nước có thêm động lực vượt qua khó khăn, phục hồi, phát triển, chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế trong trạng thái “bình thường mới”; xây dựng hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Tỉnh Ninh Bình kỳ vọng, Năm Du lịch Quốc gia 2021 là cơ hội để khẳng định vị thế, hình ảnh du lịch Ninh Bình trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới; thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” - vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định tập trung cải thiện môi trường đầu tư, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển dịch vụ du lịch theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Hồng và của cả nước.
Ninh Bình đang nỗ lực đầu tư phát triển du lịch theo hướng đa dạng hóa gắn với nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, tập trung vào một số loại hình như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, thể thao… Được biết, địa phương đang làm mới lại sản phẩm, dịch vụ, khai thác giá trị văn hóa, lịch sử của cố đô Hoa Lư để nâng cao hàm lượng văn hóa trong các tour du lịch. Năm 2021, một số sản phẩm mới sẽ được đưa vào phục vụ khách du lịch như tham quan trung tâm bảo tồn gấu, du lịch thiền tại chùa Bái Đính; sản phẩm chèo thuyền kayak tại Di sản Tràng An...
Tăng cường kết nối, tạo xung lực để phục hồi du lịch
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành du lịch tiếp tục nỗ lực, sáng tạo, thực hiện các mục tiêu, giải pháp cụ thể đã nêu rõ trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị cũng như Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam tới năm 2030.
Trước tiên, ngành du lịch cần cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước bằng các chính sách cụ thể để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, các hộ gia đình và mọi người dân tham gia đầu tư phát triển du lịch và các ngành dịch vụ liên quan tới du lịch. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay Bộ VHTT&DL cùng các bộ, ngành liên quan cần phối hợp với các hiệp hội để đề xuất các chính sách hỗ trợ thiết thực, phù hợp để ngành du lịch bớt được phần nào khó khăn do đại dịch. Cùng với đó là việc chủ động chuẩn bị để có thể đón lại du khách quốc tế một cách an toàn, hiệu quả khi điều kiện cho phép.
Tiếp đó, trong bối cảnh cả thế giới đang đứng trước thời cơ do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem lại, ngành du lịch cần triển khai những giải pháp quyết liệt để thực hiện chuyển đổi số du lịch ở tất cả các khâu một cách đồng bộ. Mọi việc từ thị thực, đặt chỗ, mua vé, thanh toán... tới phiên dịch đều có thể thông qua điện thoại di động để hỗ trợ du khách một cách thuận tiện.
Ngoài ra cần tiếp tục chú trọng hơn nữa tới việc xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn hóa, văn minh. Cần kết hợp chặt chẽ, phối hợp đồng bộ giữa các chương trình, đề án nhằm một mặt gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Dân tộc, của từng địa phương, mặt khác xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại, hợp với xu thế.
"Tất cả những điều trên và nhiều điều khác nữa đều rất cần sự kết nối, hợp tác chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương, các hiệp hội, các doanh nghiệp. Thời gian vừa qua, các hoạt động kết nối này đã ngày càng được chú trọng và được tổ chức ngày càng thiết thực, hiệu quả. Ngay trong dịp lễ khai mạc ở Ninh Bình năm nay chúng ta vui mừng nhận thấy nhiều hoạt động kết nối đã và đang được triển khai nhộn nhịp hứa hẹn mang lại những xung lực mới cho ngành du lịch" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu./.