Khám phá 10 phong tục kỳ lạ nhất trên thế giới
VOV.VN - Có rất nhiều kiểu phong tục, tập quán được gìn giữ trên thế giới, tuy nhiên 10 tập tục dưới đây dường như khác biệt và kỳ lạ hơn cả.
Anh: Chào hỏi chim ác là để tránh xui xẻo
Ở Anh, người ta tin rằng nhìn thấy một con chim ác là ở một mình sẽ là điều xui xẻo vì chúng thường di chuyển theo đàn. Vì thế, người ta thường chào chim ác là và một số người thậm chí còn nói với nó để xua đuổi mọi điều xui xẻo. Người Anh tin rằng, bằng cách tỏ ra thân thiện với những loài chim lớn thì mọi điều xui xẻo tiềm ẩn sẽ được xua đuổi vì lòng tốt của chúng. Dù không chắc liệu một con chim ác là ở một mình có phải là xui xẻo hay không, nhưng cũng tốt khi cố gắng để tử tế hơn với động vật.
Trung Quốc: Chồng cõng vợ đi trên than nóng
Phong tục chồng cõng vợ và đi trên than đang cháy có ở một số dân tộc tại Trung Quốc. Mọi người tin rằng, nếu tục lệ này được thực hiện trước khi hai vợ chồng bắt đầu cuộc sống hôn nhân thì người vợ sẽ được may mắn khi vượt cạn, lúc chuyển dạ sẽ bớt đau hơn. Số khác tin rằng truyền thống này sẽ đảm bảo cho một cuộc hôn nhân không căng thẳng và thành công cho các cặp vợ chồng mới cưới.
Đức: Đập vỡ đồ sứ để đem lại may mắn
Tuy nhiên, không phải bất kỳ loại đồ sứ nào hay đập bất cứ lúc nào cũng được. Việc đập vỡ đồ sứ để cầu may phải do gia đình, bạn bè của một cặp đôi mới cưới làm. Khi cặp đôi kết hôn, gia đình và bạn bè thân nhất của họ đập vỡ đồ sứ và để cặp đôi dọn dẹp sau đó.
Ý nghĩa ẩn sau truyền thống này là để đảm bảo rằng cặp đôi có thể làm việc cùng nhau, giúp gắn kết họ lại với nhau và thể hiện rằng, dù cuộc sống có bộn bề khó khăn thì họ có thể cùng nhau dọn dẹp chúng. Theo một cách nào đó, đây là một truyền thống ngọt ngào, mặc dù hơi ồn ào và lộn xộn.
Brazil: Cho loài kiến đạn đốt trong lễ trưởng thành
Đây là truyền thống của bộ Satere-Mawe sống trong rừng nhiệt đới Amazon. Người ta tin rằng, để trở thành đàn ông, một cậu bé phải trải qua nỗi đau đớn tột cùng mà không rơi một giọt nước mắt. Và để làm được điều này, những cậu bé bước vào tuổi 12 phải đeo chiếc bao tay làm bằng lá rừng, bên trong có đầy kiến đạn rồi để cho kiến đốt.
Kiến đạn có nọc độc khá mạnh, vết đốt của nó có thể gây ra đau đớn ví như bị đạn bắn. Các cậu bé phải chứng minh rằng mình có thể chịu những cơn đau này mà không khóc, nếu vượt qua nghi lễ này sẽ được công nhận là trưởng thành.
Tây Ban Nha: Nhảy qua trẻ sơ sinh để xua đuổi ma quỷ
Truyền thống này diễn ra ở ngôi làng Castrillo de Murcia thuộc thành phố Sasamón, được gọi là lễ hội El Colacho. Người ta sẽ mặc trang phục màu đỏ và vàng, đeo mặt nạ và nhảy qua những đứa trẻ mới được sinh ra trong vòng một năm trước đó, được đặt nằm cẩn thận trên một tấm nệm trải trên mặt đất.
Mặc dù việc này có vẻ không an toàn nhưng mọi người tin rằng làm cách này sẽ khiến ma quỷ tránh xa trẻ con. Sau cú nhảy, người ta sẽ rắc cánh hoa hồng xung quanh các em bé. Truyền thống này có từ những năm 1600, vẫn được duy trì cho đến ngày nay.
Indonesia: Tang lễ diễn ra nhiều năm sau khi chết
Ở nhiều nước, tang lễ được tổ chức trong một khoảng thời gian ngắn sau khi ai đó qua đời. Nhưng ở miền đông Indonesia, đám tang của một người Toraja đôi khi được tổ chức nhiều năm sau khi chết. Lý do chính là đám tang là sự kiện lớn trong cuộc đời con người, có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần và đôi khi một gia đình phải mất rất nhiều thời gian mới tiết kiệm đủ tiền để chi trả.
Thời gian từ khi một người Toraja chết đến khi được tổ chức tang lễ, họ vẫn được giữ trong nhà của gia đình thay vì trong nhà xác. Họ được coi là đang ốm hoặc đang ngủ hơn là người đã qua đời và thậm chí được chăm sóc, nằm nghỉ và cho ăn một cách tượng trưng.
Ghana: Người chết được chôn cất trong quan tài kỳ lạ
Ý tưởng đằng sau những chiếc quan tài này là để người chết được yên nghỉ mãi mãi trong một chiếc quan tài tượng trưng cho điều họ đam mê hoặc những gì họ đạt được. Ví dụ, một ngư dân có thể được an nghỉ trong một chiếc quan tài hình con cá khổng lổ. Một doanh nhân có thể an nghỉ trong một chiếc quan tài hình ô tô Mercedes.
Tây Tạng: Tục "thiên táng”
“Thiên táng” hay còn gọi là "điểu táng" là tục mai táng phổ biến trong các cộng đồng Phật giáo Kim cương thừa của Mông Cổ và Tây Tạng. Sau khi một người mất, thi thể của họ bị cắt thành nhiều mảnh và để trên một đỉnh núi để kền kền đến rỉa xác. Niềm tin đằng sau truyền thống này đó là cơ thể sẽ trở thành một chiếc bình rỗng sau khi chết và phải được trở lại trái đất, trong khi linh hồn tiếp tục di chuyển.
Tục lệ này có từ lâu và vẫn là phương pháp an táng phổ biến nhất ở Tây Tạng ngày nay. Một số nơi cũng có tục phơi bày xác chết thay vì chôn cất hay hỏa táng, như nhóm người Zoroastrian – một nhóm tôn giáo hiện nay chủ yếu tồn tại ở Ấn Độ.
Madagascar: Nhảy múa cùng người chết
Theo nghi lễ Famadihana truyền thống, thi thể người đã mất được khai quật từ 5 - 7 năm một lần để tổ chức lễ kỷ niệm. Trong nghi lễ, thi thể được tưới rượu hoặc nước hoa và các thành viên trong gia đình sẽ nhảy múa với họ trong khi một ban nhạc biểu diễn.
Đây cùng là dịp để cập nhật thông tin với người chết và mong được phù hộ. Quan trọng hơn, trong nghi lễ Famadihana, mọi người cùng tưởng nhớ người đã khuất và kể chuyện để luôn giữ những ký ức về họ.
New Orleans: Tổ chức đám tang với ban nhạc Jazz
Theo truyền thống này, một ban nhạc sẽ đi kèm với đám tang của người đã khuất. Ý nghĩa của việc này là ngoài tiếc thương cho sự ra đi của người đã khuất thì vẫn có thể chúc mừng về cuộc sống của họ, thông qua âm nhạc.
Đám tang thường bắt đầu tại nhà thờ hoặc nhà tang lễ, sau đó diễu hành đến tận nghĩa trang. Khi cuộc diễu hành bắt đầu, mọi người bắt đầu nhảy và giai điệu âm nhạc dần dần trở nên lạc quan hơn. Những người qua đường cũng được khuyến khích cùng tham gia vào điệu nhảy./.