Khám phá những vùng đất khô hạn nhất trên thế giới
VOV.VN - Có những nơi trên thế giới nhận được rất ít hoặc hoàn toàn không có mưa trong thời gian dài. Các nhà khoa học thậm chí còn so sánh một trong những nơi này với Hỏa tinh vì khí hậu khô hạn và có cả vi khuẩn quang hợp sống ở đó.
Sa mạc Atacama, Chile
Hầu hết các trạm thời tiết tại đây không nhận được lượng mưa đáng kể nào trong nhiều năm nay. Khu vực này khô cằn đến mức các ngọn núi hoàn toàn không có sông băng. Nơi đây khô hạn vì dòng hải lưu Humboldt đã ngăn cản dòng nước lạnh được chuyển tới từ Nam Cực, vốn là nguyên nhân của sự hình thành nên những đám mây mang mưa. Có một điều thú vị về sa mạc này đó là cứ 5 năm đến 10 năm lại có một trận mưa lịch sử xảy ra, tạo ra những bông hoa và thảm thực vật màu sắc rực rỡ trải dài khắp sa mạc. Sự kiện này chỉ kéo dài khoảng một tuần nhưng nó thực sự là một màn trình diễn đáng kinh ngạc của tự nhiên.
Pelican Point, Namibia
Nằm bên bờ biển, Pelican Point là một trong những địa điểm lướt sóng tuyệt vời nhưng trên thực tế, nó lại là một trong những nơi khô hạn nhất trên thế giới. Pelican Point chỉ nhận được lượng mưa khoảng 8,13 mm hàng năm, dường như là điều kiện thuận lợi để rất nhiều người đến đây chinh phục những con sóng lớn. Dù khô hạn nhưng khí hậu ở đây khá ôn hòa nhờ các dòng hải lưu lạnh ở gần vịnh.
Aoulef, Algeria
Aoulef là một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Adrar, được bao quanh bởi sa mạc mênh mông. Những cơn gió nóng từ các sa mạc xung quanh khiến nơi đây trở thành khu vực nóng và khô hạn nhất ở Algeria. Aoulef chỉ nhận được lượng mưa chưa tới 12,19mm mỗi năm nên khó có thể xoa dịu được cái nóng như thiêu đốt. Nhiệt độ trung bình hàng ngày trong suốt mùa hè là khoảng 50 độ C và bầu trời hầu như luôn quang đãng quanh năm. Rất may những cây cọ vẫn phát triển tốt tại đây, tạo ra những nơi tránh trú khỏi cái nóng của sa mạc.
Iquique, Chile
Iquique là thành phố ven biển nằm ở phía Bắc Chile và phía Tây sa mạc Atacama. Nó chỉ nhận được lượng mưa hàng năm chỉ 5mm, thường mưa vào tháng Một hoặc tháng Hai. Mặc dù là một trong những nơi khô hạn nhất trên thế giới nhưng Iquique thu hút rất nhiều du khách đến nghỉ dưỡng. Thành phố này có một số bãi biển giúp xua bớt sự khô hạn cũng như một loạt các khu nghỉ mát tuyệt vời. Du khách cũng bị hấp dẫn bởi trò chơi lướt sóng, mua sắm miễn thuế và sòng bạc bên bờ biển.
Luxor, Ai Cập
Luxor là một thành phố ở miền nam Ai Cập, trên bờ đông của sông Nile. Nó nổi tiếng là một trong những thành phố nóng nhất, khô nhất và nhiều nắng nhất trên thế giới với lượng mưa trung bình 0,862 mm mỗi năm. Thành phố này cũng có một số trận bão cát đáng sợ có thể kéo dài tới hai ngày, với sức gió lên tới 90 dặm/giờ.
Ngoài khí hậu khô ráo, thành phố còn có nhiều hiện vật cổ và được coi là bảo tàng ngoài trời vĩ đại nhất thế giới. Hàng năm, có hàng nghìn người đến đây để thăm thành phố Thebes của Ai Cập cổ đại, Thung lũng của các vị Vua và Thung lũng của các Nữ hoàng.
Ica, Peru
Thành phố Ica nằm ở miền nam Peru. Tiếp giáp với sa mạc Atacama, thành phố này chịu khí hậu khô hạn và lượng mưa khoảng 2,29 mm mỗi năm. Điều kỳ lạ vào năm 2007, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng hóa thạch của một loài chim cánh cụt từng sinh sống trong khu vực.
Khí hậu khô cằn cũng không làm mất đi sức hấp dẫn của thành phố này với khách du lịch. Trong thành phố có một bảo tàng tuyệt vời là nơi trưng bày các hiện vật thời tiền sử hay xác ướp từ thời tiền Colombo. Ốc đảo Huacachina nằm giữa các cồn cát cũng là một điểm rất thu hút khách du lịch.
Aswan, Ai Cập
Aswan là một trong những thành phố nóng nhất và khô hạn nhất ở Ai Cập, với nhiệt độ cao nhất thường xuyên trên 40 độ C. Lượng mưa trung bình hàng năm ở Aswan dưới 1mm và một số năm, thành phố hoàn toàn không có cơn mưa nào. Vị trí gần với chí tuyến càng khiến nơi đây có nhiệt độ cao và thời tiết khô hạn. Nhiều khi, thành phố còn hứng chịu những cơn gió rất mạnh có thể cuốn theo cát với vận tốc hơn 100 dặm/giờ.
Thung lũng khô McMurdo, châu Nam Cực
Khi nghe đến châu Nam Cực, người ta hiếm khi nghĩ đến bất cứ thứ gì khác ngoài băng và sông băng. Tuy nhiên, thung lũng khô McMurdo của châu Nam Cực lại là một trong những nơi khô cằn nhất trên trái đất. Thung lũng này là vùng không có băng lớn nhất trên lục địa. Sự hiện diện của những ngọn núi cao cũng ngăn sự hình thành băng ở thung lũng. Các nhà khoa học đã so sánh hệ sinh thái của thung lũng với hệ sinh thái của Hỏa tinh do khí hậu khô hạn và vi khuẩn quang hợp có thể được tìm thấy sống ở đó.
Wadi Halfa, Sudan
Thị trấn sa mạc oi bức này nằm ở phía Bắc của Sudan, bên bờ hồ Nubia gần biên giới Ai Cập. Khí hậu sa mạc nóng khiến cho thị trấn này là một trong những nơi có mức độ bốc hơi cao nhất thế giới, trong khi lượng mưa trung bình vô cùng ít ỏi, chỉ 2,45 mm mỗi năm. Mặc dù thị trấn này rất nóng và khô nhưng vẫn có dân số khoảng 15.000 người./.