Khủng hoảng du lịch Ai Cập và nỗ lực phục hồi

Bộ Du lịch nước này cho biết cuộc khủng hoảng đã gây thiệt hại khoảng 300 triệu USD mỗi ngày từ ngành du lịch

Du lịch là ngành chịu ảnh hưởng và thiệt hại lớn do tác động của các cuộc biểu tình ở Ai Cập vừa qua. Hàng triệu lao động trong ngành đang bị thất nghiệp. Các cơ quan quản lý du lịch, các công ty lữ hành Ai Cập và các bạn trẻ đang phát động một chiến dịch kêu gọi khách du lịch quay trở lại.

Người dân Ai Cập dường như đã thấy rõ tác động lớn của cuộc khủng hoảng chính trị và an ninh ở nước này tới ngành du lịch. Các điểm thăm quan ở Cairo và các thành phố khác kể từ sau ngày 25/1 vừa qua rất thưa thớt. Rất nhiều tour du lịch đã bị huỷ và nhiều tuyến hàng không bị ngừng. Hầu hết các khách sạn ở các khu nghỉ mát ở Sarm El Sheikh, Huganda, Luxor, Aswan hay các khu du lịch biển ở Biển Đỏ còn rất nhiều phòng trống….

Bộ du lịch nước này cho biết cuộc khủng hoảng đã tác động lớn tới kinh tế quốc gia, trong đó thiệt hại khoảng 300 triệu USD mỗi ngày từ ngành du lịch, chưa kể ảnh hưởng tới hàng triệu người phải ngừng làm việc và kiếm sống trong ngành du lịch giàu tiềm năng này.

Vắng khách

Tại khu quần thể Kim tự tháp Giza, hàng trăm cửa hàng quanh đây phải đóng cửa. Hàng nghìn người lao động, hướng dẫn viên du lịch ở khu vực này đang không có việc làm. Anh Adin một người chuyên cho thuê cưỡi lạc đà ở Kim Tự Tháp Giza nói: “Những ngày này không có khách du lịch tới đây. Chỉ có một số ít khách địa phương và gia đình tới thăm Kim Tự Tháp. Rất rất ít khách quốc tế. Trước khủng hoảng tôi có thể kiếm 50-60 pound mỗi ngày nhưng giờ thì 1 poud cũng khó. Tôi mang lạc đà tới đây buổi sáng rồi lại trở về vào buổi chiều mà không có khách. Cuộc sống của gia đình tôi và việc học của con tôi bị ảnh hưởng rất nhiều”.

Các khu du lịch chỉ có lác đác người qua lại

Con phố trước cửa chính vào Kim Tự Tháp trước đây tấp nập người xe và khách thăm quan giờ chỉ còn lác đác vài người qua lại. Phần lớn các cửa hàng giải khát, cửa hàng bán đồ lưu niệm đều đóng cửa. Cũng giống như anh Adin, anh Ahmed Salah chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm trước cửa Kim Tự Tháp vẫn mở cửa hàng từ sáng tới chiều tối nhưng không có một khách nào tới mua thậm chí là ghé qua. Không như các cửa hàng khác, anh Salah vẫn hy vọng khách du lịch sớm trở lại và anh mở cửa hàng để chờ đón điều đó. Anh Salah tâm sự: “Tôi vẫn mở cửa hàng như bình thường nhưng không có du khách nghé qua. Tôi thấy rất buồn. Tôi muốn công việc trở lại như trước. Tôi muốn khách du lịch quay trở lại. Ai Cập an toàn và đã trở lại bình thường. Khách du lịch không có gì phải lo lắng khi tới thăm Ai Cập”.

Dù các hoạt động đang được phục hồi, cuộc sống của người dân đã trở lại bình thường nhưng các khu du lịch vẫn e ngại và rất ít khách tới thăm. Kim Tự Tháp Giza giờ chỉ đón khoảng hơn 100 khách tới thăm mỗi ngày đa phần là khách nội địa. Anh Mustafa một du khách thăm quan ở đây cho biết: “Tôi và bạn gái tới thăm Kim Tự Tháp với lá cờ Tổ quốc. Tôi biết cuộc khủng hoảng vừa qua khiến khách du lịch e ngại tới Ai Cập. Có một vài khách thăm quan, cũng có khách nước ngoài. Ai Cập giờ đã ổn rồi, an ninh, yên bình. Tôi tới thăm đây cũng để nói với du khách rằng hãy trở lại Kim Tự Tháp, trở lại Ai Cập”.

Nỗ lực kêu gọi du khách trở lại

Khủng hoảng du lịch gây thất thu lớn cho Ai Cập và tác động tới cuộc sống, công việc của hàng triệu người lao động. Đó là lý do mà các nhà kinh doanh du lịch, cơ quan quan lý du lịch, các chủ khách sạn và bạn trẻ Ai Cập đang nỗ lực cùng nhau kêu gọi khách du lịch trở lại như trước.

Người lao động thất nghiệp

Trong cuộc tuần hành ngày 18/2 ở trung tâm thủ đô, một loạt các bạn trẻ đã đưa ra các logo “Ai Cập chào đón khách du lịch”, “chúng tôi muốn các bạn trở lại”, hay “Ai Cập an toàn cho du khách”, “trở lại du lịch vùng đất hoà bình”… Họ đã kêu gọi mọi người thay đổi biểu ngữ “muốn thay đổi chế độ”  bằng biểu ngữ “kêu gọi khách du lịch trở lại”. Họ đã thực hiện chiến dịch truyền thông, tăng cường liên lạc với các công ty lữ hành lớn để thúc đẩy phát triển du lịch. Bộ Du lịch nước này cho biết chương trình quảng bá du lịch đã sẵn sàng.

Anh Ashraf Shihi, Giám đốc một công ty du lịch cho biết, các công ty du lịch sẽ kêu gọi và tổ chức một buổi vào ngày thứ 6 tới hoặc đầu tháng ba. Mục đích của buổi này để nói với tất cả mọi người Ai Cập chào đón du khách với sự ổn định. Ai Cập trước đó luôn được biết đến là đất nước du lịch mến khách, thân thiện và an toàn. Nhiều người cũng đã cho rằng Quảng trường tự do Tahrir cũng sẽ là một điểm thăm quan du lịch sau cuộc cách mạng, biểu tình vừa qua.

Cửa hàng bán đồ lưu niệm trước cửa Kim Tự Tháp vẫn mở cửa hàng từ sáng tới chiều tối nhưng không có một khách nào tới mua thậm chí là ghé qua

Trong hai ngày qua, một số điểm thăm quan đã bắt đầu mở lại như Bảo tàng quốc gia gần quảng trường Tahrir. Cùng thời điểm này, một số chuyến bay tới các điểm du lịch ở Ai Cập cũng được mở lại.

Đức đã bỏ lệnh cấm khách du lịch nước này tới Huganda, Sarm El Sheikh và Cairo, cũng như các thành phố khác ở Ai Cập sau cuộc khủng hoảng chính trị vừa qua. Một số du khách Đức bắt đầu quay trở lại. Đức là nước châu Âu có số khách du lịch lớn đến Ai Cập mỗi năm. Chính phủ Anh cũng mới dỡ bỏ lệnh cấm công dân của mình đi du lịch đến thành phố Luxor. Tuy nhiên, vẫn còn Italia, Nga và nhiều nước châu Âu chưa dỡ bỏ lệnh cấm đi du lịch tới Ai Cập. Nhiều công ty du lịch của Nga cho biết một số lượng lớn khách du lịch muốn đi nghỉ và thăm Ai Cập. Khu du lịch và nghỉ dưỡng Sarm El Sheikh và Huganda là hai điểm thú hút một số lượng lớn khách du lịch từ Italia và Nga mỗi ngày.

Dù một số chuyến bay, một số tour đã được phục hồi nhưng các nhà kinh doanh du lịch ở Ai Cập cho rằng, chính quyền cần đưa ra thông báo chính thức cho tất cả các nước, các công ty lữ hành quốc tế trong đó khẳng định Ai Cập an toàn và không có bất kỳ mối nguy hiểm nào trên đường phố hoặc các điểm thu hút khách du lịch.

Chủ tịch phòng du lịch Ai Cập Ahmed Al Nahas cho biết, du lịch bị ảnh hưởng nặng nhất trong cuộc khủng hoảng vừa qua. Ông Nahas nhận định, nếu tình hình ổn định trở lại thì Ai Cập có thể thu hút 15 triệu rưỡi tới 16 triệu khách du lịch như năm 2010 và du lịch Ai Cập sẽ trở lại như trước vào tháng 3 tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên