Làm sao để thu hút khách Ấn Độ và Trung Đông đến Việt Nam?

VOV.VN - Ấn Độ và Trung Đông là thị trường có lượng khách rất lớn, đầy tiềm năng để khai thác và ngành du lịch Việt Nam cần nhiều chuyển đổi tích cực hơn để thu hút khách từ thị trường này.

Những thị trường còn nhiều dư địa để khai thác

Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam nhận định Trung Đông là một thị trường lớn, gồm 17 nước với gần 400 triệu dân. Đây là những quốc gia nổi tiếng về dầu khí, mạnh về tài chính, tầng lớp giàu có nhiều, nhu cầu đi du lịch lớn và khả năng chi tiêu cao. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du khách các nước Trung Đông chi tiêu nhiều hơn 6,5 lần so với mức bình quân của toàn cầu, 40% du khách cá nhân chi tiêu nhiều hơn 10.000 USD mỗi chuyến đi.

Còn Ấn Độ là nước đang có dân số hơn 1,3 tỉ người. Năm 2019, lượng khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam đạt 169.000 lượt, trong top 16 thị trường gửi khách cao nhất đến Việt Nam. Khách Ấn Độ đến Việt Nam tháng 7 năm 2022 này cũng đạt 11.700 lượt và là một trong những thị trường phục hồi nhanh nhất. Vì thế, Trung Đông và Ấn Độ được xác định là những thị trường cần chú trọng trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Ông Hà Văn Siêu khẳng định, trong khi các thị trường khách truyền thống trước đây của Việt Nam là Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc còn chưa phục hồi do ảnh hưởng của dịch bệnh và bất ổn chính trị thì Ấn Độ và Trung Đông là hướng khai thác mới của du lịch Việt Nam: “Ấn Độ thì có dung lượng thị trường lớn còn Trung Đông thì có cơ cấu khách hạng sang, cao cấp và đa dạng. Chúng ta cần phải thấu hiểu nhu cầu và định hình được những sản phẩm phù hợp, kể cả các yêu cầu đặc thù của khách ở thị trường này như về cầu nguyện, về ẩm thực Halal,... thì cũng phải khẩn trương được thiết kế trong các chuỗi dịch vụ”.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đến từ Ấn Độ và Trung Đông cho rằng Việt Nam có đầy đủ tiềm năng và lợi thế, cảnh quan đẹp, văn hóa thú vị, cơ sở lưu trú tốt để thu hút khách. Thế nhưng, rất ít người dân Ấn Độ và Trung Đông biết được những thông tin này. Ngành du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh truyền thông, quảng bá tại Ấn Độ và Trung Đông. Cụ thể như tích cực tham gia các hội chợ du lịch quốc tế tại Ấn Độ và Trung Đông, mời các doanh nghiệp lữ hành của các nước này đến tham dự hội chợ quảng bá, xúc tiến du lịch tại Việt Nam; phát sóng các video giới thiệu về du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình của các nước này; kết hợp với các travel blogger và KOL bản địa để quảng bá du lịch Việt Nam…

Nghiên cứu văn hóa để xây dựng sản phẩm, dịch vụ phù hợp

Một vấn đề được nhấn mạnh tại hội thảo là muốn thu hút và phục vụ tốt thị trường này thì phải nghiên cứu và hiểu rõ về văn hóa, tôn giáo, ẩm thực của khách. Người Ấn Độ giáo thì không ăn thịt bò, trong khi người theo đạo Hồi lại không sử dụng thịt heo và chỉ dùng thực phẩm được sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn Halal.

Ông Trương Trần Ngọc Hùng – Phó Ban tiếp thị và bán sản phẩm của Tổng công ty hàng không Việt Nam nói: “Ẩm thực là điều vô cùng quan trọng với khách Ấn Độ và khách đạo Hồi, do đó các hãng hàng không, các nhà hàng, khách sạn của Việt Nam muốn đón thị trường đó thì phải đặc biệt chú trọng công tác này. Chúng ta phải nắm được họ cần gì, muốn món ăn gì, khẩu vị như thế nào. Có thể phải tổ chức các cuộc khảo sát để nắm được nhu cầu đó thực hiện đúng như thực đơn mà họ yêu cầu”.

Ông Robert Hayek – Tổng giám đốc Công ty du lịch Q'Go đến từ Kuwait cho biết thêm, khách du lịch tại các quốc gia Trung Đông vùng Vịnh có thể phân làm 3 đối tượng: khách đi theo gia đình, khách trẻ và khách thượng lưu. Mỗi đối tượng khách này sẽ có những nhu cầu khác nhau. Do đó, Việt Nam cần tìm hiểu rõ nhu cầu từng phân khúc khách để cung ứng những sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp.

Một vấn đề khác cũng cần được chú trọng là xây dựng đội ngũ nhân lực du lịch đáp ứng thị trường này. Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho rằng: “Phải đào tạo cho các hướng dẫn viên biết được nền tảng văn hóa của các nước Trung Đông và Ấn Độ. Đồng thời phải có những bạn hướng dẫn viên biết tiếng Arab để phục vụ khách một cách tốt nhất”.

Ngoài ra, các đại biểu đến cũng đề nghị Việt Nam cần có chính sách cấp thị thực cởi mở, nhanh gọn và thuận tiện hơn cho khách Ấn Độ và Trung Đông. Khi những hạn chế, rào cản được tháo gỡ và có những chiến lược cụ thể trong việc quảng bá, xây dựng sản phẩm, dịch vụ thì Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của khách Ấn Độ và Trung Đông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên