Lễ hội Thành Tuyên sẽ là sản phẩm du lịch mang thương hiệu cấp quốc gia
VOV.VN - Tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu xây dựng, phát triển lễ hội Thành Tuyên là sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có, mang thương hiệu cấp quốc gia vào năm 2025. Công tác tổ chức sẽ được đổi mới để tạo điểm nhấn, thu hút du khách.
Theo đề án "Phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí khu du lịch quốc gia; khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp. Danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình sẽ là trung tâm du lịch sinh thái - cộng đồng và du lịch khám phá có thương hiệu cấp quốc gia, tiến tới thương hiệu quốc tế.
Lễ hội Thành Tuyên sẽ được xây dựng, phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có, mang thương hiệu cấp quốc gia. Hàng năm, lễ hội Thành Tuyên được gắn với sự kiện văn hóa cấp khu vực hoặc quốc gia (như ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc, liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể, chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc”…); đồng thời đổi mới nội dung, cách thức tổ chức với các hoạt động trưng bày, diễn diễu mô hình và trình diễn văn hóa để tạo điểm nhấn, thu hút du khách.
Giai đoạn 2025 – 2030, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đón từ 3-5,5 triệu lượt khách du lịch; đóng góp cho GRDP từ 6% - 10%; tạo việc làm cho 25.000 - 35.000 lao động. Mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 làng văn hóa tiêu biểu gắn với phát triển du lịch; thiết kế 1-2 sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch; xây dựng 1 làng văn hóa dân tộc cấp tỉnh đồng bộ, bài bản, có bản sắc đặc trưng riêng.
Trong giai đoạn 2021 - 2025 khả năng còn ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nên Tuyên Quang tập trung thu hút thị trường khách nội địa và một số quốc gia kiểm soát, kiềm chế được dịch bệnh. Trong đó, Hà Nội sẽ là thị trường chủ đạo, chiếm tỷ trọng khoảng 40% tổng số khách du lịch của tỉnh; với tỷ lệ khách lưu trú chiếm khoảng 75% - 80%. Tiếp đó là các tỉnh, thành phố lân cận trong vùng (tỷ trọng 25%) và các thị trường xa từ miền Trung và miền Nam (tỷ trọng 15%). Tuyên Quang xác định thị trường nội tỉnh đóng vai trò quan trọng, chiếm khoảng 20% và dự báo lượng khách nghỉ cuối tuần sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Để thúc đẩy du lịch giai đoạn 2025 – 2030, tỉnh Tuyên Quang tiến hành lập hồ sơ khoa học Khu thiên nhiên Ba Bể (Bắc Kạn) - Na Hang (Tuyên Quang) trình UNESCO ghi danh là Di sản thế giới, góp phần tạo lập thương hiệu cho du lịch địa phương./.