Liên minh di sản Hạ Long với Cát Bà: Thiếu vai trò nhạc trưởng
VOV.VN - Mục tiêu mà liên minh Hạ Long – Cát Bà hướng tới là Tái đề cử di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long mở rộng ra Cát Bà vẫn chưa hoàn thành.
Liên minh Hạ Long - Cát Bà là dự án được điều phối và thực hiện bởi tổ chức phi chính phủ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) do cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Hơn 5 năm triển khai dự án, IUCN đã xây dựng được cơ chế hợp tác giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn, bảo vệ di sản Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà. Tuy nhiên mục tiêu cao nhất mà liên minh Hạ Long – Cát Bà hướng tới là Tái đề cử di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long mở rộng ra Cát Bà vẫn chưa được hoàn thành.
Vịnh Hạ Long. |
Sau hơn 5 năm khởi động, kết quả lớn nhất mà Dự án Liên minh Hạ Long, Cát Bà đạt được là từng bước thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường.
Từ những gợi ý, đề xuất của Ban điều hành dự án, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng những giải pháp có tính ứng dụng cao nhằm giảm thiểu tác động tới môi trường nước như việc xử lý nước thải trên vịnh, thu gom rác thải rắn, cấm sử dụng phao xốp làm vật liệu nổi...
Bà Nguyễn Thị Bích Hiền, thành viên Quản lý dự án IUCN Việt Nam cho biết, chính quyền đang tích cực để có những giải pháp, cải thiện chất lượng nước, tổ chức các chiến dịch truyền thông.
“Chúng tôi nhận được sự hợp tác từ phía các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn nhỏ nhưng họ cũng muốn được hướng dẫn trong việc giảm thiểu chất thải nhựa dùng một lần, chất thải ra môi trường... Đây là những bước tiến rõ nhất được tác động từ dự án trong những năm vừa qua.”- bà Nguyễn Thị Bích Hiền cho biết.
Bảo vệ môi trường Di sản từ những việc làm nhỏ nhất là những kết quả dễ nhận thấy, tuy nhiên mục tiêu lớn nhất của dự án là tái đề cử Vịnh Hạ Long mở rộng sang Cát Bà đệ trình UNESCO lại chưa có được những tiến triển như kỳ vọng. Điều gì khiến mục tiêu lớn nhất của dự án chưa được thực hiện?
Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Ban quản lý Vịnh Hạ Long chia sẻ, hồ sơ mở rộng Vịnh Hạ Long sang Cát Bà mới dừng ở việc soạn thảo hồ sơ khoa học... Đối với một di sản thiên nhiên thế giới, để được công nhận cần chứng minh được tính chân thật và toàn vẹn với USNESCO.
Việc cần làm để tiếp nối những nỗ lực của dự án nhất là việc thống nhất ý chí, quyết tâm tái đề cử Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long nối dài sang Quần đảo Cát Bà. |
“Hiện thành phố Hải Phòng là đơn vị chủ trì xây dựng hồ sơ và đang dự thảo văn bản, khi hoàn thành chuyển sang bên tỉnh Quảng Ninh để bổ sung các ý kiến, chúng tôi sẽ kết hợp với Hải Phòng giải quyết các phần việc tiếp theo.”- ông Phạm Đình Huỳnh cho biết.
Chưa thể ngồi lại với nhau để xây dựng một quy hoạch, cơ chế chung nên việc quản lý điều hành trên vùng vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và vịnh biển Cát Bà (Hải Phòng) vẫn là mạnh ai nấy làm. Đơn cử như việc gần đây, Ban quản lý Vịnh Hạ Long đã cấm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần trên vịnh Hạ Long, nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng doanh nghiệp và khách du lịch. Tuy nhiên các chính sách tương tự nhằm bảo vệ môi trường chưa được phía ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà quan tâm, ban hành.
PGS-TS Phạm Trung Lương, Nguyên phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam cho rằng: Một số các chính sách như việc nâng cao chất lượng quản lý đội tàu, việc đánh giá “sức tải” của Vịnh Hạ Long hay khu dự trữ sinh quyển Cát Bà vẫn được độc lập triển khai, thậm chí chưa có tour kết nối du lịch giữa hai danh thắng này thì chưa thể tính tới câu chuyện hợp tác lâu dài.
“Liên kết phát triển du lịch nhiều điểm đến của Việt Nam hiện đang mang tính hình thức chưa có thật chất và đặc biệt là chưa có thể chế vùng. Đặc biệt trong câu chuyện liên kết Hạ Long – Cát Bà ai là nhạc trưởng, cứ nêu ra như thế nhưng việc ai nấy làm thì câu chuyện mãi chỉ dừng ở đây. Hai bên phải nhìn thấy lợi ích chung và cùng cần nhau để phát triển. Để thể hiện mong muốn ấy, phải có quy hoạch chung Cát Bà – Hạ Long, sau đó 2 địa phương ngồi lại với các chuyên gia, nhà khoa học để bàn xem liên kết như thế nào cho hiệu quả, thực chất”- PGS Phạm Trung Lương cho biết.
Rõ ràng, không thể kéo dài tình trạng liên minh nhưng chưa liên thông! Điều cần nhất bây giờ là 2 bên cùng chung tay xây dựng hồ sơ kỹ thuật thuyết phục về cơ chế và chính sách chung để quản lý di sản, sớm hoàn thành hồ sơ đệ trình UNESCO. Ông Jake Brunner, quyền trưởng đại diện văn phòng IUCN tại Việt Nam cho biết để làm được việc này, nỗ lực của các tổ chức phi chính phủ là chưa đủ.
“Chúng tôi chỉ là một trong nhiều tiếng nói giúp đỡ trong việc hối thúc chính quyền đưa ra những hành động mạnh mẽ và vững chắc trong vấn đề bảo vệ di sản. Chúng ta cần sự chung tay đồng lòng thực hiện các quy định của cả hai phía Hạ Long và Cát Bà. Đó là những thứ ngoài khả năng kiểm soát của IUCN vì chúng tôi có thể đưa ra giải pháp hoặc những khuyến cáo, nhưng mấu chốt vấn đề vẫn là chính phủ và các bộ ngành.”- ông Jake Brunner cho biết.
Thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh còn rất nhiều việc cần làm để tiếp nối những nỗ lực của dự án nhất là việc thống nhất ý chí, quyết tâm tái đề cử Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long nối dài sang Quần đảo Cát Bà. Ngạn ngữ có câu: Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng đồng bạn. Di sản không của riêng ai và Liên minh Hạ Long – Cát Bà chỉ có ý nghĩa khi cả Hải Phòng và Quảng Ninh có tư duy chung, hành động chung, hướng tới mục đích chung là bảo vệ di sản cho thế hệ mai sau./.
Hội nghị cấp cao lần thứ 7 Liên minh Hạ Long - Cát Bà