Nâng cao chất lượng dịch vụ tại Mỹ Sơn để “giữ chân” du khách

VOV.VN - Điều mà chính quyền và ngành chức năng địa phương quan tâm là làm thế nào để “giữ chân” du khách ở lâu hơn với Mỹ Sơn.

Trong khi đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam đang “quá tải” về lượng khách đến tham quan thì Khu di tích Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên cũng được hưởng lợi rất nhiều về liên kết du lịch. Năm qua, Khu di tích này đón hơn 350.000 lượt khách đến tham quan, doanh thu gần 60 tỷ đồng. Điều mà chính quyền và ngành chức năng địa phương quan tâm là làm thế nào để “giữ chân” du khách ở lâu hơn với Mỹ Sơn.

Mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách đến tham quan Mỹ Sơn.

Sau thời gian dài kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng đầu tư xây dựng các dự án lưu trú, ăn uống giải trí xung quanh Khu đền tháp Mỹ Sơn, tạo thêm dịch vụ để khách “tiêu tiền” nhiều hơn khi đến tham quan, mới đây, Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Minh Phan mạnh dạn đầu tư cả trăm tỷ đồng xây dựng Khu khách sạn- nhà hàng Champa tại thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Quy mô dự án hơn 15.000 m2, gồm: khối khách sạn 3 tầng với 40 phòng; khối nhà hàng 2 tầng; khối villa, khu spa, khu bể bơi ngoài trời… Đây được xem như “đầu tư mạo hiểm”, vì hiện chưa có cuộc khảo sát về nhu cầu vui chơi, giải trí, lưu trú của du khách tại khu vực này.

Ông Phan Ngọc Minh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Minh Phan cho biết, Khu di tích Mỹ Sơn đón khoảng 300.000- 400.000 lượt khách đến tham quan mỗi năm nhưng hiện vẫn chưa có khu nghỉ dưỡng cũng như các dịch vụ ăn uống đẳng cấp, chính vì vậy mà doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư  vào đây.

“Khu vực xung quanh khu du lịch Mỹ Sơn chưa có dịch vụ gì nhiều, chúng tôi tập trung chính là phục vụ khách lưu trú khi đến Mỹ Sơn. Khách đi tham quan Mỹ Sơn thường khi tham quan Mỹ Sơn xong thì về Đà Nẵng với Hội An. Chúng tôi muốn tạo dấu ấn tại Mỹ Sơn, để vừa có điểm ăn uống, vừa có dịch vụ kèm theo để tăng cường thêm sức hút cho Mỹ Sơn”, ông Minh cho biết.

Cùng với việc đầu tư hạ tầng, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cũng tập trung nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ. Trong đó, loại hình du lịch xe điện và chụp hình lưu niệm qua vé được duy trì ổn định. Số lượng xe điện được tăng lên thành 20 chiếc, phục vụ cả ngàn lượt khách trong ngày. Dịch vụ biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm phục vụ du khách được nâng lên từ 2 suất vào mỗi buổi sáng thành 4 suất trong ngày. Đặc biệt có 2 suất biểu diễn bên ngoài khu tháp, tái hiện lại đời sống văn hóa của người Chăm.

Ông Kojima, du khách nhật Bản cảm nhận sau khi đến Mỹ Sơn: “Trước khi đến Khu đền tháp Mỹ Sơn tôi đã tìm hiểu trên cuốn sách hướng dẫn tiếng Nhật Bản. Quả thật, thắng cảnh ở đây rất đẹp. Ở đây, các loại hình phục vụ cũng được thực hiện rất chuyên nghiệp. Trong đó, nhất là loại hình biểu diễn nghệ thuật văn hóa Chăm thật độc đáo”.

Biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm phục vụ du khách.

Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, các loại hình biểu diễn tại đây bao gồm các tiết mục múa trống hội, múa Apsara, đội nước, cùng các tiết mục biểu diễn các nhạc cụ truyền thống kèn Saranai, trống Ginăng. Việc nâng cao các suất diễn cùng điều chỉnh lịch biểu diễn đem lại sự hài lòng cho du khách. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc hướng du lịch đến cộng đồng cũng như mời gọi đầu tư vào đây.

Ông Phan Hộ cho biết, Khu di tích Mỹ Sơn đã được quy hoạch hơn 1.150 héc-ta, chủ yếu nằm trong khu vực rừng phòng hộ nên không thể đầu tư xây dựng các công trình trong khu vực rừng phòng hộ. Do đó, địa phương đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch để thu hẹp diện tích rừng phòng hộ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào đây. Theo ông Phan Hộ, bên cạnh việc đầu tư các cơ sở lưu trú để “giữ chân” du khách cũng cần chú trọng các dịch vụ về đêm để du khách trải nghiệm.

“Cùng với quá trình xây dựng hệ thống lưu trú thì chúng ta phải xây dựng các chương trình hoạt động nghệ thuật, hoạt động văn hóa, ẩm thực ở khu vực này thì mới có thể đáp ứng cho du khách lưu trú ở lại. Chính vì chưa có những sản phẩm này cho nên du khách chưa lưu trú tại Mỹ Sơn.

Hiện nay chưa có sản phẩm nào đặc trưng vào ban đêm phục vụ cho du khách để có thể hấp dẫn du khách ở lại lưu trú trong khu vực Mỹ Sơn. Trong thời gian đến sẽ có các chương trình đi kèm với quá trình xây dựng hệ thống lưu trú, như vậy mới có thể có du khách ở lại Mỹ Sơn và thưởng thức các chương trình nghệ thuật cũng như các hoạt động văn hóa ở Mỹ Sơn”, ông Hộ cho biết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ: “Sơn Đoòng là kho báu vĩ đại của Việt Nam”
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ: “Sơn Đoòng là kho báu vĩ đại của Việt Nam”

VOV.VN - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Tom Malinowski đã có những chia sẻ đáng nhớ sau chuyến trải nghiệm thám hiểm hang Sơn Đoòng vừa qua.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ: “Sơn Đoòng là kho báu vĩ đại của Việt Nam”

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ: “Sơn Đoòng là kho báu vĩ đại của Việt Nam”

VOV.VN - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Tom Malinowski đã có những chia sẻ đáng nhớ sau chuyến trải nghiệm thám hiểm hang Sơn Đoòng vừa qua.

Di dời nhà biểu diễn nghệ thuật dân gian tại Mỹ Sơn
Di dời nhà biểu diễn nghệ thuật dân gian tại Mỹ Sơn

VOV.VN - Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đang lên kế hoạch di dời nhà biểu diễn nghệ thuật dân gian vì nằm ngay trong vùng di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

Di dời nhà biểu diễn nghệ thuật dân gian tại Mỹ Sơn

Di dời nhà biểu diễn nghệ thuật dân gian tại Mỹ Sơn

VOV.VN - Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đang lên kế hoạch di dời nhà biểu diễn nghệ thuật dân gian vì nằm ngay trong vùng di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

Khám phá Thánh địa Mỹ Sơn - di sản văn hóa thế giới
Khám phá Thánh địa Mỹ Sơn - di sản văn hóa thế giới

VOV.VN - Thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1999, là một trong những công trình được nhiều du khách yêu thích. 

Khám phá Thánh địa Mỹ Sơn - di sản văn hóa thế giới

Khám phá Thánh địa Mỹ Sơn - di sản văn hóa thế giới

VOV.VN - Thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1999, là một trong những công trình được nhiều du khách yêu thích.