"Nằng nặc" xin mở cửa, doanh nghiệp du lịch liệu đã sẵn sàng?
VOV.VN - Nhiều địa phương và doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng, mong mở cửa du lịch quốc tế “sớm ngày nào hay ngay đó”. Lúc này khách quốc tế sẽ là “nguồn nước mát” cho những doanh nghiệp du lịch “đói khát” trong thời gian dài vì đại dịch Covid-19.
Đã có phương án, hạ tầng và kinh nghiệm
Tính đến ngày 23/1, chương trình thí điểm đón khách quốc tế tại Việt Nam đã đón trên 8.500 khách, trong đó 27 trường hợp mắc COVID-19 (chiếm khoảng 0,31%). Bên cạnh những nơi đã sẵn sàng về cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm đón khách trong quá trình thí điểm, các địa phương mới được bổ sung như TP.HCM, Bình Định hoặc đang đề nghị như Hà Giang, Bình Thuận cũng đã có phương án sẵn sàng đón khách quốc tế.
Tại Khánh Hòa, 47 đơn vị đã được thẩm định để tham gia thí điểm đón khách du lịch quốc tế (gồm 26 cơ sở lưu trú du lịch thuộc khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh và khu vực biệt lập, 7 khu điểm du lịch, 4 cơ sở mua sắm, 5 đơn vị lữ hành vận chuyển và 5 cơ sở khác). Ngoài ra, Khánh Hòa có 43 khách sạn là cơ sở cách ly y tế tập trung với quy mô hơn 8.400 phòng; cùng 12 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh có khả năng thu dung, điều trị Covid-19 cho khách quốc tế và một số cơ sở lưu trú dành cho du khách là F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.
Bùi Thị Ngọc Hiếu – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết UBND TP.HCM đã ban hành Bộ Tiêu chí an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên lĩnh vực du lịch bao gồm quy định cho hoạt động lữ hành, cơ sở lưu trú và các khu điểm du lịch, điểm tham quan; trong đó có các hướng dẫn về đón khách quốc tế. “Người dân, các điểm đến và các doanh nghiệp du lịch đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tham gia và tổ chức các hoạt động du lịch mà vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, cũng như có nhiều kịch bản ứng phó với các tình huống có ca bệnh trong quá trình tổ chức hoạt động du lịch” – bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết.
Là địa phương chưa tham gia đón khách có hộ chiếu vaccine nhưng ngành du lịch Bình Thuận cũng đã rất chủ động chuẩn bị khôi phục du lịch quốc tế. Ông Bùi Thế Nhân – Giám đốc Sở VHTT&DL Bình Thuận cho biết khách quốc tế sẽ đi theo tour khép kín từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) hoặc sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) đến tham quan, nghỉ dưỡng tại khu vực Hàm Tiến – Mũi Né (TP. Phan Thiết). Bình Thuận sẽ tạo hành lang an toàn từ sân bay đến các cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch quốc tế. Hiện đã có hơn 100 cơ sở tại Bình Thuận đủ điều kiện đón khách theo tiêu chí an toàn phòng, chống dịch.
Doanh nghiệp, nguồn khách đều sẵn sàng
Ông Nguyễn Sơn Thủy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết hiện nay khoảng 20% - 30% cơ sở lưu trú tại địa phương đã khôi phục hoạt động và đón khách nội địa, cũng là bước đệm cần thiết để chuẩn bị đón khách quốc tế. Dù nhân lực du lịch đã tản mát sang nhiều ngành nghề khác, tuy nhiên chỉ làm tạm thời nên chắc chắn sẽ quay lại khi chính sách rõ ràng, du lịch khởi sắc.
"Hiện tại các thị trường chưa có tín hiệu tích cực, kế hoạch mở cửa cũng chưa rõ ràng nên các doanh nghiệp, khách sạn còn dè dặt. Tuy nhiên nếu chính sách mở cửa thông thoáng và mở rộng hơn, chắc chắn các doanh nghiệp du lịch Quảng Nam sẽ phục hồi rất nhanh" - ông Thủy nhận định.
Đại diện công ty Indochina Unique Tourist (Quảng Nam) cho biết đang lên kế hoạch đón khách từ Thái Lan nhân dịp kỳ nghỉ lễ hội Songkran vào tháng 4 tới. "Công ty đang tích cực trao đổi với đối tác, lên chương trình, sản phẩm và kế hoạch bay charter. Du khách Thái Lan hiện có nhu cầu rất lớn về du lịch nước ngoài, chúng tôi đã lập tour Đà Nẵng - Hội An - Huế để phục vụ phân khúc này. Chỉ cần Chính phủ có chỉ đạo mở cửa và thống nhất giữa các địa phương là triển khai được" - giám đốc công ty này cho biết.
Ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng khẳng định lúc này Đà Nẵng “thừa sức” đón khách quốc tế, vì rất nhiều khách sạn đã mở cửa, nhân lực và điểm đến đều đã sẵn sàng từ nhiều tháng nay. “Doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng đang chờ khách đến, không cần lo lắng về việc thiếu phòng hay thiếu lao động. Khi mới mở cửa sẽ ít có khách đoàn mà chủ yếu là khách lẻ, vì thị trường cần có thời gian để hấp thụ” – ông Dũng nói, đồng thời cho rằng nên mở cửa rộng rãi vào đầu tháng 3 hoặc đầu tháng 4, nếu đầu tháng 5 thì sẽ muộn và lỡ mất dòng khách Lào, Thái Lan đi nghỉ dịp Songkran.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Sơn Thủy nhận định: “Giai đoạn giữa tháng 4 tới là cao điểm khách Thái Lan vào Việt Nam, vì vậy chúng ta cần mở cửa sớm hơn, càng sớm càng tốt. Tốt nhất là đầu tháng 2 hoặc đầu tháng 3 vì cần một, hai tháng để chào bán, quảng bá, thử nghiệm… Giai đoạn 30/4 và 1/5 là quá trễ so với thế giới và khu vực, khiến Việt Nam xuất phát chậm và mất lợi thế cạnh tranh”.
Rất cần "nguồn nước mát"
Ông Trương Gia Bình - Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân cho rằng "không mở cửa bây giờ thì bỏ lỡ cơ hội ngàn năm", vì những dòng khách du lịch rất lớn đang không có nơi để đi, khi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn đóng cửa. Chỉ cần một điểm đến như Việt Nam mở cửa thì dòng chảy này được khai thông, chính là "nguồn nước mát" cho ngành du lịch. Ngoài ra, nếu không mở cửa thì nhiều doanh nghiệp rất khốn đốn, vì họ đã hết sức chịu đựng; trong đó rất nhiều máy bay, khách sạn, cửa hàng... không sống nổi nếu không có khách.
Ông Steve Wolstenholme, Chủ tịch kiêm CEO khu nghỉ dưỡng Hoiana (Quảng Nam) - đơn vị đón đoàn khách nước ngoài đầu tiên trở lại Quảng Nam hồi tháng 11/2021 cho biết việc đón khách quốc tế có ý nghĩa rất lớn đối với tình hình kinh doanh và phát triển của Hoiana. Khi du lịch quốc tế được mở tự do, Hoiana có thể hoạt động hết công suất, tạo công ăn việc làm cho hơn 3.000 nhân viên.
"Là cơ sở lưu trú đầu tiên đón đoàn khách quốc tế tới Việt Nam theo chương trình "hộ chiếu vaccine", Hoiana tự hào đã hoàn thành tốt thử thách này với sự hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể từ Chính phủ cùng các cơ quan địa phương như UBND tỉnh, Sở VHTT&DL và Sở Y tế tỉnh Quảng Nam. Mọi khách lưu trú quốc tế đều hài lòng với dịch vụ và trải nghiệm tại Hoiana và mong muốn có cơ hội sớm quay trở lại Việt Nam để khám phá và trải nghiệm. Chúng tôi luôn sẵn sàng khi du lịch quốc tế được mở cửa rộng rãi vào tháng 4/2022" - ông Steve Wolstenholme cho biết.
Tại Kiên Giang, trong giai đoạn 2016 - 2019 thì nguồn thu từ khách du lịch quốc tế đóng vai trò rất quan trọng, chiếm trên 62% tổng thu từ du lịch của tỉnh, mặc dù tỷ lệ khách quốc tế đến ít hơn nhiều so với khách du lịch nội địa (năm 2019 tỷ lệ khách quốc tế đến có lưu trú chỉ chiếm 6,8% so với khách nội địa). Chi tiêu của khách du lịch quốc tế đến Kiên Giang cũng khá cao (hơn 18 triệu đồng/khách/tour), gấp nhiều lần so với khách du lịch nội địa (chỉ 2,2 triệu đồng/khách/tour).
Đề xuất mở cửa du lịch quốc tế từ tháng 4/2022, ông Bùi Quốc Thái - Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho rằng không chỉ riêng tỉnh Kiên Giang mà các địa phương trong cả nước đều mong đợi mở cửa lại thị trường quốc tế, đồng thời phù hợp với tình hình du lịch thế giới. "Sự kiện đón những đoàn khách quốc tế đầu tiên từ các nước đến Phú Quốc được xem là mở đầu quan trọng của chương trình thí điểm đón khách quốc tế “hộ chiếu vaccine”, đánh dấu sự nỗ lực phục hồi và phát triển ngành du lịch tỉnh Kiên Giang nói riêng cũng như cả nước nói chung" - ông Bùi Quốc Thái nói./.