Tiếp tục học tập, nỗ lực làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Năm 2008, Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chọn 24 đơn vị chỉ đạo điểm, từ đó rút kinh nghiệm  và nhân rộng ra cả nước. Dấu hiệu đáng mừng nhất là ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên, nhân dân làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Ở 24 địa phương, đơn vị xuất hiện nhiều kinh nghiệm quý. Đối với tỉnh Nghệ An, các khối ngành đã đặt ra những yêu cầu cụ thể, nhấn mạnh trọng tâm làm theo tấm gương đạo đức của Bác, như khối nông thôn nhấn mạnh “cần, kiệm”; khối hành chính nhấn mạnh “liêm, chính”; khối sự nghiệp nhấn mạnh “yêu thương con người”… Nghệ An cũng phát động mỗi Sở, ban, ngành của tỉnh thực hiện lời dạy “vì dân” của Bác, góp tiền, góp sức giúp một xã nghèo của tỉnh vượt qua đói nghèo. Ông Nguyễn Thế Trung, UVTƯ Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nói: “Chúng tôi xác định lấy hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống người dân làm thước đo chủ yếu của kết quả Cuộc vận động…”.

Nhiều địa phương, đơn vị xác định phải chọn khâu đột phá để chỉ đạo điểm làm theo tấm gương đạo đức của Bác, đó là nâng cao trách nhiệm trong công việc và ý thức công dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên trước nhân dân, cụ thể hóa trong lĩnh vực cải cách hành chính. Văn phòng Trung ương Đảng chú trọng nâng cao công tác tham mưu, tổng hợp giúp Trung ương chỉ đạo kịp thời các vấn đề quan trọng của đất nước. Tỉnh uỷ Thái Bình chú trọng tới việc phát hiện, phản ánh, biểu dương gương tập thể, cá nhân có chuyển biến trong Cuộc vận động, công khai các tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên để nhân dân giám sát. TP. Hồ Chí Minh chú trọng các đơn vị có nhiều yếu kém để chỉ đạo điểm, từ đó vực dậy phong trào. Khẩu hiệu chung của thành phố năm 2008 là “Tiếp tục học tập, nỗ lực làm theo”, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong hành động của mỗi tổ chức cơ sở Đảng và từng cán bộ đảng viên. Ông Phan Xuân Biên, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, nói: “Chúng tôi quan niệm làm điểm không phải là làm thí điểm, mà chính là phải có kết quả trước thì phong trào mới lan tỏa được”.

Qua chỉ đạo điểm tại 24 đơn vị, cũng còn một số tồn tại cần được khắc phục, rút kinh nghiệm kịp thời. Con số hơn 200 tập thể và cá nhân điển hình vừa qua là chưa nhiều so với thực tế sinh động của Cuộc vận động đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên khắp cả nước. Tại Hội nghị sơ kết chỉ đạo điểm Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được tổ chức mới đây, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chỉ rõ 7 vấn đề cần lưu ý khi triển khai thực hiện Cuộc vận động trong thời gian tới: Một là, phải tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về ý nghĩa, tầm quan trọng, tác dụng to lớn của Cuộc vận động; Hai là, phải xây dựng chương trình, kế hoạch và hướng dẫn thực hiện Cuộc vận động một cách cụ thể, sát hợp với từng địa phương, đơn vị; Ba là, phải xây dựng được chuẩn mực đạo đức phù hợp với từng loại hình công việc, từng loại đối tượng; Bốn là, kết hợp khéo léo, nhuần nhuyễn việc thực hiện Cuộc vận động với các phong trào và nhiệm vụ chính trị của các ngành, địa phương, đơn vị; Năm là, coi trọng công tác chỉ đạo điểm, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện; Sáu là, tránh tâm lý nôn nóng, chủ quan, khắc phục tư tưởng cầm chừng, hoài nghi; Bảy là, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Mục tiêu cao nhất của cuộc vận động là cán bộ, đảng viên và nhân dân làm theo lời Bác.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nêu rõ: “Phải coi trọng hơn nữa yêu cầu làm theo. Nên giữa học và làm gắn bó với nhau, học đâu thể hiện đến đấy, mươi việc chưa làm được thì làm từng việc một, để những việc làm ngày càng tốt lên, mặt tốt tăng lên, mặt xấu giảm đi, để xã hội lành mạnh hơn...”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên