Nhớ bạch dương, thăm nước Nga
VOV.VN -Ấm nóng những tấm lòng Nga - Việt, không thể tả hết bằng lời, không bút nào viết xuể.
Ai từng sống, học tập và làm việc tại nước Nga Xô-viết trước đây hay Liên bang Nga bây giờ đều có rất nhiều kỷ niệm không thể phai mờ. 4 năm với đa số chúng tôi ở Nga là 4 năm xa nhà, 4 năm đầu tiên của cuộc đời, cái gì cũng mới mẻ, bỡ ngỡ. Hôm nay trở lại nơi này thấy ấm nóng tấm lòng Nga - Việt, không thể tả bằng lời, không bút nào viết xuể.
Thăm Quảng trường Đỏ ở Moscow |
Kỷ niệm không quên trên đất Nga
Matxcơva, ôi chiều nắng thanh bình...
Nói về những kỷ niệm Nga thì chao ôi là nhiều. Chiều hôm ấy, xuống ga là khóc. Ôm chầm lấy nhau mà khóc. Khóc rồi cười. Cười rồi lại khóc. Mà nào đã hết, mỗi chặng đường xe chạy, các “nàng kiều” trong đoàn chúng tôi lại gào lên vì thấy lại cảnh cũ, người xưa.
Khi tới Slobodskoy, nơi 30 năm trước chúng tôi đã đến và làm việc theo hiệp định hợp tác quốc tế Nga - Việt, lại khóc, dĩ nhiên rồi. Khóc xong lại hi hí cười, ôm nhau thật chặt, sau rồi săn tìm kỷ niệm xưa...
Liên tục những chuyến đi, thăm lại thành phố, thăm người xưa cảnh cũ, thăm nhà máy cũ với những bà thợ cả, thăm các đa-tra (nhà vườn) của bạn bè, tổ chức ăn uống, gặp gỡ... Lúc đi chợ, khi vào siêu thị, chụp ảnh công viên, quay clip, í ới gọi nhau nghe và xem video để các bạn Nga nói chuyện với bạn bè đến từ Hà Nội, ồn ào đến chóng mặt, tưởng như bánh mì đen, vodka và súp củ cải đỏ, smetana hay nước Kvac là thứ mà mình vẫn thèm khát mấy chục năm nay vậy.
Đêm thứ nhất trên đất Nga là ở trên tàu. Đêm thứ hai tôi dành riêng cho người thân. Ông bạn già Rudakov nay thành ông chú với căn bệnh thoái hóa xương, đơn côi vì vợ mất, con gái lấy chồng xa. Chúng tôi bận rộn với những câu chuyện dài tháng năm, từ việc lần đầu tôi thấy ông cho cháu nhỏ 3 tháng tuổi bơi trong bồn nước, đến cái tủ lạnh mua đã lâu vừa mới hỏng, hay con rùa tuổi nhiều hơn tuổi ông... sang chuyện Perestroika và cả Putin nữa. Đêm không ngủ vì sợ thiếu thời gian. Nửa đêm tôi lấy cây lá lốt mang từ Việt Nam sang để trồng, hy vọng giúp ông có nước ngâm chân chữa bệnh.
Với nhiều người Việt, thân thương nhất là mùa thu vàng nước Nga, là những hàng cây bạch dương, là màu vàng, màu đỏ của những rừng lá phong, lá bạch dương, là thảm cỏ xanh với những vạt hoa vàng trong nắng chiều, là những dòng sông Nê-va, Von-ga thơ mộng. Ba mươi năm trôi qua, nhưng những ký ức tốt đẹp về mảnh đất Slobodskoy, về nhà máy lông thú Belka và những tình cảm nồng ấm của các bạn Nga ngày nào vẫn vẹn nguyên trong mỗi chúng tôi...
Hôm ở Slobodskoy, tôi đi dạo cùng Iura và Va-đim trong vạt rừng bên bờ sông Viatka. Sải bước trên bãi cát để ghi hình dòng Viatka, sao mà thanh vắng, tĩnh mịch và thơ mộng đến thế. Tuyệt thật. Sao những ngày xưa cũ cứ phải lo chuyện may-so với bàn là, nồi hầm thế nhỉ?!
Anh bạn Va-đim chở tôi về nhà vườn của mình để khoe bộ sưu tập văn hóa dân tộc Nga trưng bày trong nhà cùng bộ da và xương sọ của một chú gấu khổng lồ. Ở góc vườn là những cây nấm đang mọc, để nhắc lại việc mấy anh em chúng tôi ngày trước đi pic-nic vào rừng và hái nấm như thế nào. Sau tất cả là một đêm yên ả, tĩnh mịch, mượt dịu ở Slobodskoy. Nghe rất rõ từng tiếng giọt nước tí tách rơi...
Nồng hậu quan hệ Nga - Việt
Ấm nóng những tấm lòng Nga - Việt, không thể tả hết bằng lời, không bút nào viết xuể. Những ông, bà, anh, chị và bạn bè Nga, những người thợ cả, quản đốc phân xưởng và cô giáo Nga. Tất cả họ, những người Nga ngày ấy và bây giờ, đều rất đôn hậu, dễ mến, dễ gần, dễ thương đến kỳ lạ. Ông chú Genadi Ruđakov vào phòng ngủ lấy tặng tôi con matrioska còn nguyên nhãn mua từ năm 1993, sau khi mở gói chè Gruzin mua từ Ấn Độ. Cô giáo Natalia đôn hậu háo hức chờ đón các em gái người Việt từng ngày từng giờ, rồi chăm sóc kỹ lưỡng chúng tôi một bữa cơm gia đình với những món ăn thuần Nga dân dã. Anh bạn thân Iura Rojkov nghỉ việc cả tuần để bay từ Crimea về lo việc đón, đưa và tiễn chúng tôi.
Ngày mới sang Nga, các cô gái Việt tuổi đôi mươi mười tám thì nay đã là các bà, là mẹ chồng, mẹ vợ cả rồi. Vốn tiếng Nga rơi rớt, chỉ còn “đa” và “nhét” (có và không) hay sbasibo (cảm ơn). Gặp lại các “mợ” thợ cả ngày nào lại toe toét cười và ướt tóc khóc bên nhau. Biết tôi chỉ định vai trò làm MC cho cuộc gặp gỡ, Liu-đa hoạt bát hẳn lên mặc dù còn đang tối mặt, tối mũi ở nhà vườn và căn hộ riêng cùng các em gái Việt đàn đúm và gói bánh đa-nem.
Xúc động nhất là cuộc gặp gỡ và giao lưu giữa nhóm công dân Việt Nam với các bạn bè Nga ở Nhà máy Lông thú Belka, thành phố Slobodskoy (tỉnh Kirov, Liên bang Nga). Hai nhân vật đặc biệt trong ban giám đốc cũ của nhà máy là tổng giám đốc và kế toán trưởng đều có mặt.
Dù đang đi nghỉ xa nhà và mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng tổng giám đốc Chistousov vẫn thu xếp về đúng lịch hẹn. Các bà thợ cả của nhà máy, có người đang nghỉ hưu ở cách xa 50km cũng góp mặt. Tổng giám đốc Chistousov nhớ lại từ ngày đầu tiên đi Moscow đón các công dân trẻ Việt Nam về, kể lại cho chúng tôi nghe những khó khăn mà các cô gái Việt phải đối mặt vì thời tiết, khí hậu, vì bất đồng ngôn ngữ và hiểu biết nghề nghiệp, hay những thứ mà nhà quản lý phải đương đầu khi gánh vác thêm cuộc sống của mấy trăm người đến từ Việt Nam xa xôi...
Chỉ riêng việc mua gạo cho công dân Việt 10kg/người/tháng cũng phải dành nhiều thời gian mới làm được, chưa kể việc chăm sóc chị em khi ốm đau, nằm viện, hay tổ chức gửi hàng đường biển về Việt Nam.
Đêm trắng, thu vàng và tuyết băng
Cách Moscow 643km về phía Tây Bắc là thành phố Saint Petersburg được coi là “cửa ngõ vào châu Âu” với dân số gần 5 triệu người. Kỷ niệm ùa về khi chúng tôi đi trên đại lộ Nevsky, thăm Cung điện mùa Đông, Cung điện mùa Hè, nhưng có thể nói, thơ mộng nhất là câu chuyện về những đêm trắng.
Đêm trắng ở Saint Petersburg quyến rũ bởi khung cảnh lãng mạn của sông Neva và những cây cầu mở. Chuyện nhiều lắm, trong đó có nhắc tới tiểu thuyết “Năm đêm trắng” của Dostoevsky, nhắc tới người đàn ông mơ mộng gặp cô gái Nachenka dễ thương trong 5 đêm mùa hè đầy thương yêu và hạnh phúc, rồi chia tay nhau để trở về đời thực. Với họ, 5 đêm trắng dù chỉ thoáng qua phút giây cũng đủ cho cả đời người.
Mùa thu vàng nước Nga làm mê đắm bao người. |
Vẻ đẹp mùa thu vàng ở Nga cũng ít nơi nào sánh nổi và rất khó thể hiện cho hoàn mỹ chỉ qua một bức ảnh. Toàn cảnh thu vàng Nga thường thấy là đất trời nhuộm thắm sắc lá thu trong bối cảnh bầu trời xanh với mây trắng bồng bềnh, với bạt ngàn lá vàng trên các thảm cỏ. Bạt ngàn lá với vô vàn hoa, tất cả đều là các sắc độ khác nhau của màu vàng.
Mùa thu Nga với vàng ươm của nắng, của hoa, với vàng đỏ của lá phong, vàng sậm của lá sồi, bạch dương... Và còn nữa, đó là hình ảnh những chiếc lá vàng bậu trên khung cửa sổ hay vương trên tóc các cô gái, trên từng lối đi.
Còn nữa là hình ảnh về xứ bạch dương tuyết trắng đậm mãi trong mỗi chúng tôi, tất cả là bởi những bông tuyết trắng Siberi ấy. Nhớ lại những mùa đông Siberia với 30 đến 40 độ âm đầy tuyết rơi, các dòng sông thường đóng băng đến 5, 7 tháng với các cánh rừng taiga rộng ngút ngát hết tầm mắt.
Hồi ấy, tiếc là không có dịp biết đến những vùng đất khắc nghiệt hơn nữa của Siberi suốt năm đóng băng, gọi là vùng đất lãnh nguyên với những con tuần lộc. Tuyết, băng ở Siberi tuyệt đẹp, thơ mộng lắm, nhưng là vào những lúc lãng mạn thôi. Với đời thực, chúng tôi trải nghiệm nhiều rồi, nên không háo hức cho lắm khi thấy nam thanh nữ tú ùn ùn kéo nhau lên Sa Pa, Y Tý để chụp ảnh “tự sướng” với những trận tuyết rơi hàng năm.
Bởi 30 năm trước ở nước Nga, cách thỏa mãn cơn khát lúc ngoài đường đối với chúng tôi là bẻ các mảnh băng trên mái nhà, cành cây hoặc bốc tuyết cho vào miệng. Hồi đó, tận mắt chứng kiến người Nga mang xe tải chở muối rải xuống đường và dùng xe dọn tuyết, phá băng là chuyện thường ngày, thi thoảng lại thấy bên đường có vài ba chiếc xe nằm chổng 4 bánh lên trời. Băng trơn tuột trong tiết trời lạnh giá, rơi ào ạt, tấp vào mặt vào mũi nhiều đến mức... sợ không muốn ra khỏi nhà./.