Những điều cần làm ngay để phục hồi ngành du lịch
VOV.VN - Việt Nam đã mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới. Phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Lê Tuấn Anh – Chủ tịch Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch về kế hoạch thúc đẩy quá trình phục hồi của ngành du lịch.
PV: Xin ông cho biết chức năng, nhiệm vụ của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch?
Ông Lê Tuấn Anh: Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch (sau đây gọi tắt là Quỹ) thành lập theo Quyết định số 49/2018/QĐ-TTg ngày 12/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiệm vụ chính của Quỹ là xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch và hỗ trợ các hoạt động phát triển du lịch, bao gồm nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch và truyền thông du lịch trong cộng đồng theo quy định của Luật Du lịch, phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam.
PV: Cụ thể Quỹ sẽ làm gì để hỗ trợ ngành du lịch, sau những đã thiệt hại nặng nề vì dịch bệnh COVID-19?
Ông Lê Tuấn Anh: Vừa qua Quỹ đã có những hoạt động đầu tiên, như tổ chức “Diễn đàn du lịch Việt Nam 2022: Phục hồi du lịch Việt Nam - định hướng mới, hành động mới” trong khuôn khổ hội chợ du lịch VITM 2022; phối hợp tổ chức diễn đàn “Du lịch Kon Tum - tiềm năng và triển vọng”, tổ chức các đoàn doanh nghiệp, báo chí khảo sát các sản phẩm du lịch khu vực Tây Nguyên và các hoạt động truyền thông về du lịch.
Song song với các công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, hoạt động hỗ trợ của Quỹ tập trung vào 4 nhóm nội dung chính. Tất cả những công việc này sẽ được triển khai ngay và đồng bộ, vì hiện nay nhiều nơi đã rất khó khăn và kiệt quệ vì đại dịch Covid-19.
Thứ nhất là nghiên cứu thị trường khách du lịch quốc tế đến và khách du lịch nội địa. Ngoài công tác thống kê của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trong thời gian qua, công tác nghiên cứu chuyên sâu về thị trường còn hạn chế. Vì vậy, Quỹ sẽ hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động này bắt đầu từ năm nay và những năm tiếp theo.
Thứ hai là phát triển sản phẩm du lịch, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch mới, nhất là du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa, lịch sử. Giúp các địa phương, khu vực có tiềm năng phát triển du lịch, đã có những nền tảng ban đầu nhưng còn nhiều khó khăn phát triển cơ sở, tiềm năng sẵn có ở khu vực Tây Nguyên, Trung du và miền núi Bắc bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực khác; hỗ trợ xây dựng các sản phẩm nghệ thuật biểu diễn phục vụ khách du lịch.
Thứ ba là đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch; phối hợp với Tổng cục Du lịch, các cơ sở đào tạo, các địa phương tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ du lịch ngắn hạn cho người lao động trong ngành du lịch, phù hợp với nhu cầu đào tạo của từng khu vực.
Thứ tư là hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; triển khai các hoạt động marketing điện tử phục vụ xúc tiến, quảng bá du lịch, kết hợp đồng bộ cùng các hoạt động, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch khác.
PV: Như ông đã nói thì nhiều nơi đã rất khó khăn và kiệt quệ vì đại dịch COVID-19. Vậy Quỹ sẽ ưu tiên hỗ trợ những khu vực nào?
Ông Lê Tuấn Anh: Quỹ sẽ ưu tiên những nơi còn nhiều khó khăn nhưng có điều kiện tốt để phát triển du lịch. Đây là những hỗ trợ kỹ thuật mang tính “tiếp sức” chứ không làm thay, đúng với tính chất hỗ trợ của Quỹ. Các địa phương cần chủ động, sẵn sàng những sản phẩm du lịch thực tế, cụ thể, mang ý nghĩa cao về kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, Quỹ tạo thêm lực đẩy giúp những sản phẩm này có đà bứt phá.
PV: Một trong những nhiệm vụ của Quỹ là xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia. Vậy sau COVID-19, Việt Nam sẽ xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia theo hướng nào?
Ông Lê Tuấn Anh: Xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia là nhiệm vụ quan trọng, mang tính định hướng đối với các hoạt động xúc tiến, quảng bá và phát triển sản phẩm du lịch và các hoạt động liên quan. Vì vậy, hoạt động này cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Trung ương, địa phương và các doanh nghiệp để có chiến lược, kế hoạch tổng thể.
Theo quan điểm của Quỹ, thương hiệu du lịch “Vietnam – Timeless Charm” đã được xây dựng, quảng bá trong 10 năm qua đã phát huy vai trò quan trọng trong việc giới thiệu du lịch Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, giai đoạn mới cần có đánh giá tổng thể để tích hợp các nội dung, xu hướng mới theo hướng kế thừa các giá trị đã định hình, phát triển đồng thời phát triển các yếu tố năng động, sáng tạo, bền vững. Quỹ sẽ hỗ trợ, cùng với Tổng cục Du lịch triển khai nhiệm vụ đánh giá thương hiệu du lịch “Vietnam – Timeless Charm” để làm cơ sở xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam trong giai đoạn tới.
PV: Dường như hiện nay công tác xúc tiến, quảng bá du lịch ở Việt Nam còn diễn ra phân tán, cục bộ, mang tính địa phương. Quỹ sẽ đóng vai trò gì để khắc phục hạn chế này?
Ông Lê Tuấn Anh: Một cơ quan chuyên làm xúc tiến du lịch quốc gia là mô hình chuyên nghiệp, đã chứng minh hiệu quả tại nhiều nước trong đó có Thái Lan, Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... Các địa phương, doanh nghiệp tại các quốc gia này cũng có thể quảng bá độc lập, nhưng vẫn theo định hướng chung của cơ quan xúc tiến quốc gia.
Tại Việt Nam, công tác xúc tiến du lịch quốc gia cần có sự tham gia của nhiều bên khác nhau, trong đó cơ quan Trung ương là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải đóng vai trò “đầu tàu”, dẫn dắt, định hướng thông qua chiến lược, kế hoạch qua từng giai đoạn, thời điểm. Địa phương, tổ chức, doanh nghiệp trong ngành cùng tham gia theo định hướng chung của cơ quan Trung ương.
Một trong những chức năng, nhiệm vụ chính của Quỹ là đề xuất bố trí kinh phí, tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, ưu tiên các thị trường trọng điểm, phát triển thị trường mới, có tiềm năng ở nước ngoài. Quỹ sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch và các cơ quan liên quan phát huy vai trò “đầu tàu”, dẫn dắt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn ông./.