Phát triển du lịch - mục tiêu ưu tiên của tỉnh Thái Nguyên
VOV.VN - Xây dựng sản phẩm đặc thù, tăng cường quảng bá, thu hút đầu tư; ngành du lịch Thái Nguyên đang nỗ lực khẳng định vai trò quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội.
“Toàn tâm toàn ý” thúc đẩy du lịch
Theo bà Nguyễn Thị Mai - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên, xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên ban hành chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 03/8/2018 về thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TƯ về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Theo đó, tỉnh Thái Nguyên coi phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; trong đó làm tốt công tác định hướng, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân; huy động mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và toàn xã hội để phát triển du lịch.
Tỉnh Thái Nguyên cũng chỉ rõ sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phát triển du lịch, bao gồm: Đẩy mạnh phát triển du lịch, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế; thực hiện tốt công tác quy hoạch du lịch, phát triển các loại sản phẩm du lịch đảm bảo chất lượng và tính khả thi cao; đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ngành du lịch; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, xúc tiến quảng bá phát triển du lịch; tạo môi trường thuận lợi để phát triển du lịch; nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp về du lịch.
Xác định những giá trị văn hóa, lịch sử và sinh thái là cơ sở để phát triển du lịch bền vững, ngành du lịch Thái Nguyên đặc biệt chú trọng tới công tác tu bổ, tôn tạo các khu di tích, danh thắng như Di tích lịch sử quốc gia 60 liệt sỹ TNXP đại đội 915 - Đội 91 Bắc Thái, cụm di tích ATK Định Hóa; quan tâm thúc đẩy du lịch gắn với sản phẩm trà Thái Nguyên và gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Sở VHTT&DL đã tích cực đón các doanh nghiệp du lịch đến khảo sát, tìm hiểu các khu, điểm và dịch vụ du lịch, qua đó xây dựng tour, tuyến và đưa khách đến Thái Nguyên. Cùng với Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên và các đơn vị đào tạo, Sở VHTT&DL tập huấn kỹ năng nghiệp vụ du lịch cho người lao động và người dân; hỗ trợ chuyên môn để các đơn vị kinh doanh đúng quy định của pháp luật và đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Trên cơ sở đó, nhiều loại hình du lịch đã được phát triển, trong đó điểm nhấn là sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Núi Cốc gắn với vùng chè Tân Cương; sản phẩm du lịch về nguồn với các di tích văn hóa lịch sử ATK Định Hóa, Khu di tích TNXP 915, khu di tích Lý Nam Đế. Trong giai đoạn 2016 – 2020, tổng số khách du lịch đến Thái Nguyên ước đạt 12.596.181 lượt, trong đó có 316.678 lượt khách quốc tế, 12.279.503 lượt khách nội địa; có 7 khách sạn từ 3 sao trở lên, 42 khách sạn từ 3 sao trở xuống; tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 1.855 tỷ đồng.
Khai thông những “điểm nghẽn”
Với ngành du lịch Thái Nguyên hiện nay, hai “điểm nghẽn” chính cần được khai thông đó là thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng và công tác truyền thông, quảng bá du lịch chưa hiệu quả. Ngoài ra, hạ tầng du lịch nhiều nơi còn thiếu và yếu, kinh tế đêm chưa phát triển. Những hạn chế này là nguyên nhân cơ bản dẫn đến du lịch Thái Nguyên thời gian qua chưa đóng góp lớn vào nền kinh tế của tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Mai - Giám đốc Sở VHTT&DL Thái Nguyên cho biết, trong thời gian tới ngành du lịch Thái Nguyên sẽ tập trung khai thông những “điểm nghẽn” này để tạo sự bứt phá, gắn với thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh. Để làm được điều này, Sở VHTT&DL tăng cường sự liên kết, phối hợp với các Sở quản lý du lịch, Hiệp hội du lịch, doanh nghiệp trên cả nước, đặc biệt tại thị trường gửi khách chính như Hà Nội, Quảng Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, TP.HCM.
Để đảm bảo an toàn cho hoạt động du lịch, tỉnh Thái Nguyên tập trung chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh. Ông Đỗ Trọng Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên cho biết, các văn bản, chỉ đạo về phòng chống dịch Covid-19 được quán triệt nhanh chóng đến tất cả các hội viên và yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc. Hiệp hội cũng xây dựng cơ chế giám sát để đảm bảo chất lượng dịch vụ trên địa bàn; đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp và thẳng thắn phê bình, công bố tên những đơn vị nào không thực hiện đầy đủ.
Về xây dựng sản phẩm đặc trưng, lãnh đạo Sở VHTT&DL cho biết 3 điểm nhấn của du lịch Thái Nguyên gồm có: Du lịch văn hóa kết hợp Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam với không gian văn hóa của 54 dân tộc và Khu bảo tồn Làng nhà sàn Dân tộc sinh thái Thái Hải; loại hình lịch sử “Thủ đô gió ngàn” với khu di tích TNXP 915 và loại hình sinh thái gắn với văn hóa Trà Thái Nguyên, hồ Núi Cốc.
Ngoài ra, mỗi địa phương trong tỉnh sẽ có sản phẩm bổ trợ đặc trưng để giữ chân du khách, như du lịch nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng tại huyện Võ Nhai, thị xã Phổ Yên; du lịch văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số gắn với các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương; xây dựng tuyến phố đi bộ - chợ đêm tại TP.Thái Nguyên... Quan trọng hơn, Thái Nguyên đang nỗ lực thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn để tạo động lực thực sự cho ngành du lịch.
Về xúc tiến du lịch, hiện nay Thái Nguyên đang triển khai các hoạt động quảng bá du lịch Thái Nguyên gắn với vòng cung Đông Bắc; xúc tiến, hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa Thái Nguyên và tỉnh Quảng Bình; mời chuyên gia Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đến khảo sát và tư vấn phát triển du lịch sinh thái hang động tại tỉnh Thái Nguyên; liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc.
Nhiều sự kiện văn hóa, du lịch và thể thao cũng được sẽ được tổ chức để thu hút du khách đến Thái Nguyên, như chương trình Qua những miền di sản Việt Bắc, Festival Trà, Ngày văn hóa du lịch Thái Nguyên tại Hà Nội… Sở VHTT&DL Thái Nguyên cũng đang hoàn thiện Đề án công thông tin du lịch Thái Nguyên đến năm 2025 để tạo thêm sự tiện ích cho du khách, kết nối liên thông công tác quản lý và hoạt động kinh doanh du lịch./.