Kecak - vũ điệu lửa độc đáo dưới ánh hoàng hôn đảo Bali
VOV.VN - Buổi chiều là thời điểm thích hợp nhất để ghé thăm đền Uluwatu, nằm ở phía Tây Nam của hòn đảo du lịch Bali xinh đẹp. Không chỉ để chiêm ngưỡng ánh hoàng hôn tuyệt đẹp, du khách thường đến đây vào buổi chiều tà để xem biểu diễn điệu múa Kecak nổi tiếng, hay còn gọi là “Vũ điệu lửa Bali”.
17 giờ, khi hoàng hôn bắt đầu ghé xuống cũng là lúc du khách lấp đầy sân khấu mở có hình vòng cung, nằm trên mỏm đá nhô ra biển Bali xinh đẹp. Trước đại dịch, mỗi sân khấu biểu diễn với sức chứa 1.400 du khách luôn trong tình trạng hết vé, cho thấy sức hấp dẫn của màn trình diễn này.
Ông Wyan Wijana, người quản lý khu vực đền Uluwatu cho biết: “Kể từ khi các hoạt động văn hóa được phép tổ chức trở lại với các giao thức y tế nghiêm ngặt, chúng tôi phát động chương trình Kecak Dance trong thời kỳ bình thường mới ở Bali. Hệ thống bán vé được thực hiện trực tuyến. Mỗi sân khấu chỉ được đón tối đa 400 - 500 du khách để đảm bảo giãn cách, các vũ công và khách du lịch đều phải đeo khẩu trang hoặc kính chắn giọt bắn và khử khuẩn trước khi vào sân khấu. Riêng các vũ công được xét nghiệm Covid-19 định kì để đảm bảo an toàn".
Đúng 18 giờ, khi mặt trời đỏ rơi xuống gần đường chân trời phía biển, ngay trước tầm nhìn của sân khấu cũng là lúc buổi biểu diễn bắt đầu. 90 vũ công nam với làn da rám nắng cởi trần, cuốn vải sà rông caro đen trắng dài từ thắt lưng đến trên đầu gối xuất hiện lần lượt, mang lại cảm giác huyền bí.
Không có âm nhạc, toàn bộ âm thanh của buổi trình diễn đều do các vũ công thực hiện bằng cách liên tục hát các âm thanh "chắc-chắc-chắc" (trong từ "kecak") như một bản nhạc Acappela với đủ tông cao thấp và tiếng vỗ tay phụ họa. Buổi trình diễn vũ điệu Kecak gồm 5 phần, mô phỏng sử thi Ramayana nổi tiếng nhất châu Á. Ở Bali, sử thi Ramayana đã trở thành một phần của đời sống văn hóa và các giáo lý đạo Hindu.
Khi các vũ công ngồi xếp thành các vòng tròn nhiều lớp thì nhân vật chính là vua Rama và hoàng hậu Shinta, cùng vua khỉ trắng Hanuman và người khổng lồ Ravana xuất hiện.
Vua Rama và hoàng hậu Shita mặc trang phục truyền thống xanh đỏ, đầu đội vương miện biểu diễn những động tác múa Bali đẹp mắt, sâu lắng mô tả tình yêu nồng nàn, còn Ravana khổng lồ với khuôn mặt trang điểm dữ tợn xuất hiện bắt cóc hoàng hậu Shinta. Vũ công đóng vai Vua khỉ trắng Hanuman thoăn thoắt nhảy lên các bức tường, trèo lên cả sân khấu, thậm chí trêu chọc khách du lịch đang xem buổi biểu diễn để lấy được những tiếng cười thích thú của du khách. Đây là nhân vật đã hi sinh bản thân, phá vỡ nơi giam giữ để cứu hoàng hậu Shinta.
Chị Tú Thủy, du khách Việt Nam chia sẻ: “Thật tuyệt khi có thể xem màn biểu diễn múa Kecak với khung cảnh hoàng hôn trên biển. Gió biển lồng lộng cùng những màn trình diễn đặc sắc và có tương tác với khán giả trong hơn một tiếng đồng hồ đã trôi qua thật nhanh. Tôi hy vọng một ngày nào đó có thể trải nghiệm vũ điệu Kecak với một góc nhìn khác ở Bali”.
Mặt trời khuất dần, bầu trời được vá bằng các mảng màu đỏ, cam, xanh tím than rồi dần chuyển sang tối hẳn, cũng là lúc buổi biểu diễn đi vào hồi kết. Các vũ công thắp đuốc sáng rực cả sân khấu, tiếp tục hát "chắc-chắc-chắc" to dần, bắt đầu cảnh cuối thiêu sống Vua khỉ trắng. Cuộc chiến của đội quân khỉ và người khổng lồ Ravana để giải cứu Vua khỉ trắng cùng hoàng hậu Shinta đã tạo thành những màn múa lửa đẹp mắt. Kết màn, vua Rama và hoàng hậu Shinta múa vũ điệu đoàn tụ trong khi đội quân khỉ ăn mừng chiến thắng.
Vũ điệu Kecak xuất hiện ở Bali từ năm 1930 như một vở ca múa nhạc kịch của người Hindu. Năm 2006, hơn 5.000 vũ công trình diễn điệu Kecak ở huyện Badung, tỉnh Bali, đã được ghi vào Bảo tàng Kỷ lục Thế giới Indonesia (MURI) về giá trị văn hóa truyền thống và nghệ thuật ở Bali. Ngắm hoàng hôn biển Bali và xem buổi trình diễn văn hóa "Kecak Dance" thật sự là một trải nghiệm khó quên với các du khách.
Một số hình ảnh về buổi biểu diễn: