Tạo bước đột phá cho du lịch Việt Nam

Chúng ta cần phát triển, chuyển hóa từ di sản thiên nhiên, di sản văn hóa trở thành một sản phẩm du lịch có thương hiệu

Du lịch Việt Nam thời gian gần đây đạt được nhiều thành tựu khá ấn tượng nhưng theo nhận định chung, ngành du lịch vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh vốn có. Làm thế nào để du lịch Việt Nam thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam: Xây dựng thương hiệu mạnh

** Được biết, Bộ VH-TT&DL đã xây dựng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Xin ông cho biết, quan điểm chủ đạo phát triển du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới?

Dự thảo "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới" đã được trình Thủ tướng Chính phủ. Trong Chiến lược này, quan điểm tiếp cận mà chúng tôi nêu ra trong 10 năm tới là tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tác động tích cực đến các ngành kinh tế khác. Phát triển du lịch chú trọng yếu tố chất lượng, hiệu quả, có thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh.

Trong thập niên trước, du lịch Việt Nam phát triển trên diện rộng, trong 10 năm tới tập trung phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, có chiều sâu. Chú trọng phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế, khai thác tối ưu lợi thế, tiềm năng về tài nguyên, môi trường, gắn du lịch với bảo vệ an ninh quốc phòng.

Ngày càng có nhiều khách du lịch đến với phố cổ Hội An (ảnh: Internet)

Để thực hiện được những điều này, ngành du lịch đã đề xuất 6 nhóm vấn đề. Thứ nhất, thu hút các nguồn lực để đầu tư. Thứ hai, phát triển sản phẩm và thị trường, chú trọng phát triển các sản phẩm có thế mạnh, độc đáo, có khả năng cạnh tranh, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Thứ tư, tập trung xây dựng một số thương hiệu mạnh cho ngành du lịch. Thứ năm, tập trung công tác đào tạo phát triển nhân lực ngành du lịch. Thứ sáu, phát triển các vùng trọng điểm du lịch của cả nước.

** Trong chiến lược phát triển ngành du lịch có nói đến công tác đào tạo phát triển nhân lực ngành du lịch. Xin ông nhận xét về nhân lực ngành du lịch hiện nay?

Chất lượng nhân lực ngành du lịch hiện chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, cả về số lượng và chất lượng. Nhân lực ngành du lịch chưa đáp ứng được trên cả ba yêu cầu: nhân lực trong hệ thống quản lý Nhà nước về du lịch; nhân lực trong quản lý, quản trị doanh nghiệp và nhân lực trong phục vụ nghề. Chính vì vậy, trong Chiến lược phát triển du lịch thập niên tới cần chú trọng đầu tư phát triển nhân lực cho ngành du lịch. Đây là yếu tố mang tính quyết định về chất lượng dịch vụ và phát triển sâu của ngành du lịch.

** Hoạt động du lịch mang tính liên ngành, liên vùng rất cao. Ngành du lịch đã giải quyết câu chuyện này như thế nào, thưa ông?

Hơn bất kỳ một ngành kinh tế nào, tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng, tính xã hội của ngành du lịch rất cao. Nhiều vấn đề tự thân ngành du lịch không thể giải quyết được. Vì vậy, ở cấp quốc gia, chúng ta có Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch do một Phó Thủ tướng trực tiếp làm trưởng ban. Ban Chỉ đạo này sẽ chịu trách nhiệm giải quyết những vấn đề về chính sách vĩ mô và việc điều phối, phối hợp hoạt động giữa các ngành, giữa các vùng.

** Việt Nam có nhiều di tích cổ xưa có giá trị văn hóa và lịch sử to lớn nhưng chưa thu hút được du khách. Có phải do chúng ta chưa xây dựng được thương hiệu cho những địa chỉ này thưa ông?

Văn hóa Việt Nam rất độc đáo, hoàn toàn có thể phát triển thành sản phẩm du lịch trên cả hai phương diện: văn hóa tập trung ở di sản, di tích và văn hóa tồn tại trong cộng đồng dân cư. Trên thực tế, chúng ta có một số mô hình phát triển du lịch dựa trên di sản tự nhiên và di sản văn hóa rất thành công như: Hội An (Quảng Nam), Hạ Long (Quảng Ninh), Sa Pa (Lào Cai). Tuy nhiên, còn nhiều di sản văn hóa chưa thu hút khách và chưa tạo ra dịch vụ mang tính chuyên nghiệp.

Để thực hiện điều này, chúng ta cần phát triển, chuyển hóa từ di sản thiên nhiên, di sản văn hóa trở thành một sản phẩm du lịch có thương hiệu. Sau đó phải làm tốt công tác quảng bá, mời chào. Cuối cùng, muốn kéo được du khách đến thì phải tổ chức dịch vụ một cách chuyên nghiệp. Đây là quá trình tác động tổng hợp, từ những người làm du lịch chuyên nghiệp đến cộng đồng và chính quyền địa phương.

** Thời gian tới, Tổng cục Du lịch có kế hoạch gì để xây dựng thương hiệu cho du lịch Việt Nam?

Càng ngày, chúng ta càng nhận thức được vai trò của thương hiệu trong cạnh tranh và hội nhập. Du lịch Việt Nam có thế mạnh về tài nguyên nổi bật trên 3 phương diện: du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. Các tài nguyên này phân bổ theo vùng du lịch và không gian khác nhau. Ở góc độ xây dựng thương hiệu, chúng tôi đặt ra yêu cầu cần chú trọng xây dựng thương hiệu mạnh trên cả ba phạm vi: một là thương hiệu điểm đến quốc gia; thứ hai là thương hiệu sản phẩm du lịch và điểm đến địa phương; thứ ba là thương hiệu doanh nghiệp du lịch. Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch sẽ tập trung xây dựng và quảng bá, để du khách thấy Việt Nam là quốc gia tươi đẹp, thân thiện, an toàn, mến khách, là điểm đến của du khách.

Ông Andray, du khách người Pháp: Phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của từng dân tộc

“Tôi và bạn bè đã đến thăm tất cả các khu điểm của cụm di tích chiến thắng Điện Biên Phủ và thăm 5 bản văn hoá của đồng bào Thái. Điện Biên có những thay đổi so với 7 năm trước, nhất là về cơ sở hạ tầng. Các khu điểm di tích được trùng tu, tôn tạo.

Đến Điện Biên, ngoài việc tìm hiểu về chiến trường xưa, chúng tôi còn muốn tìm hiểu về văn hóa các dân tộc vì chúng tôi biết, Điện Biên là vùng đất có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Chúng tôi muốn tìm hiểu sự đa dạng, phong phú của các nền văn hóa. Tuy nhiên, các bản mà chúng tôi được đưa tới, bản nào cũng na ná giống nhau từ trang phục đến hát múa, ẩm thực. Các bạn muốn phát triển du lịch, mỗi bản làng cần phải giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, tạo ra tính đa dạng của văn hóa. Điện Biên cũng chưa tạo ra được nhiều sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương. Đồ thổ cẩm của Điện Biên cũng na ná như các vùng khác. Tôi muốn tìm một món đồ lưu niệm tượng trưng cho Điện Biên nhưng khó quá.

Ông Trần Tuấn Việt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Phải liên kết

Cái yếu của các công ty du lịch hiện nay là thiếu sự liên kết. Các công ty du lịch chưa biết liên kết để quảng bá, xúc tiến du lịch và tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng. Tất nhiên, sự liên kết phải đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh. Có thể thấy, vai trò của Hiệp hội rất quan trọng. Nhưng thực tế, Hiệp hội có chức năng chính là liên kết, còn quyền hạn để giải quyết các cạnh tranh công bằng thì chưa có. Hiệp hội là tổ chức xã hội nghề nghiệp. Nhưng nếu có sự phối hợp và tạo điều kiện của Nhà nước thì sẽ phát huy vai trò tốt hơn.

Tôi lấy ví dụ nếu nhà hàng ở khu du lịch xảy ra hiện tượng chặt chém khách thì Nhà nước cũng không thể quản lý hết được. Nhưng nếu có Hội Nhà hàng, họ sẽ xem xét vấn đề, phản ánh với báo chí, chắc chắn nhà hàng đó bị tẩy chay. Nhưng làm thế nào để Hội Nhà hàng ra đời, chế tài hoạt động như thế nào thì đó lại là chức năng của Nhà nước.

Ông Nguyễn Đức Trí, Phó trưởng phòng Lữ hành, Sở VH-TT&DL TP. HCM: Hướng đến sản phẩm du lịch mới

Theo đánh giá, lượng khách nước ngoài đến TP. HCM chiếm khoảng 70% tổng lượng khách nước ngoài đến Việt Nam. TP. HCM có những chương trình city tour và nhiều điểm tham quan... Thành phố đang hướng đến một sản phẩm du lịch mới, qua khảo sát rất được du khách ưa thích, đó là du lịch đường sông. TP. HCM có hệ thống sông rạch khá đa dạng, đây là tiềm năng lớn. Thành phố cũng chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch với tiêu chí: chất lượng, giá cả, uy tín, tạo sự an tâm cho du khách. Những nơi bán sản phẩm du lịch cũng là một điểm dừng chân nghỉ ngơi sạch sẽ, có cảnh quan đẹp mắt, thông thoáng. Thành phố đã có trên 50 điểm mua sắm đạt chuẩn với các sản phẩm đa dạng, phong phú, tạo sự hài lòng cho khách./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên