Thái Bình phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm nông nghiệp
VOV.VN - Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch canh nông gắn với các sản phẩm nông nghiệp là hướng đi cần góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch, vừa khai thác tốt các giá trị văn hóa truyền thống, vừa bảo tồn, phát triển và mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách.
Những năm gần đây, xu hướng du lịch xanh đang nhận được sự quan tâm tích cực từ du khách cũng như các nhà làm du lịch, đó là một dấu hiệu tốt cho tiềm năng phát triển của du lịch nông nghiệp. Tại nhiều địa phương trên cả nước như Huế, Hà Nội, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ninh... các mô hình du lịch nông nghiệp đã được triển khai và hoạt động có hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân tận dụng được giá trị kinh tế trực tiếp từ ruộng, vườn song song với khai thác dịch vụ phục vụ khách du lịch cả trong và ngoài nước.
Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sản phẩm OCOP được phát triển đa dạng theo 6 nhóm bao gồm thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải-may mặc; lưu niệm-nội thất-trang trí; du lịch. Sản phẩm không chỉ là sinh kế của người dân mà còn là con đường phát triển kinh tế đa dạng, phát huy lợi thế, tính đặc sắc và văn hóa của mỗi một địa phương từ xã, đến huyện, đến tỉnh.
Xác định OCOP là bước đi mới trong xây dựng nông thôn mới, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân, tỉnh Thái Bình đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định về việc ban hành Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức công bố, trao giấy chứng nhận cho 17 sản phẩm OCOP năm 2020. Đây là những sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh Thái Bình đạt xếp hạng 4 sao từ khi triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm cho đến nay. Với sự thúc đẩy mạnh mẽ đó, tin tưởng rằng, những đặc sản chất lượng, danh tiếng như cói Tây An, bánh cáy Thiên Đức, bánh đa Quỳnh Côi, v…v sẽ góp phần định vị và quảng bá thương hiệu du lịch Thái Bình trên bản đồ du lịch quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay chưa có mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP.
Do đó, Việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch canh nông gắn với các sản phẩm nông nghiệp là hướng đi cần thiết và quan trọng trong thời gian tới, vừa góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch, vừa khai thác tốt các giá trị văn hóa truyền thống, vừa bảo tồn, phát triển và mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Trong thời gian tới, tỉnh Thái Bình tập trung nâng cao nhận thức cộng đồng để họ hiểu được về du lịch cộng đồng và chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Từ đó, mỗi thành viên là một sứ giả cho sự phát triển thương hiệu du lịch tại địa phương. Đồng thời, tỉnh chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới và chương trình OCOP; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch cộng đồng và sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, lễ hội văn hóa gắn với hình ảnh du lịch địa phương để tạo điểm nhấn thu hút du khách.
Du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP giúp quảng bá hình ảnh về đất nước, con người một cách gần gũi và chân thật nhất, tạo môi trường thuận lợi để phát triển ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp, mở rộng kiến thức về các nền văn hóa khác nhau trong và ngoài nước. Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP hướng đến giá trị xanh: Môi trường xanh, văn hóa xanh góp phần nâng cao năng lực cộng đồng tạo thêm các giá trị kinh tế cho sản phẩm địa phương./.