Thừa Thiên Huế phát triển du lịch xanh, xây dựng đô thị xanh
VOV.VN - Tỉnh Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị Quyết 54 của Bộ Chính trị. Địa phương này triển khai nhiều giải pháp phát triển du lịch xanh theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường, có sự tham gia tích cực của cộng đồng.
Villa Huế là một trong số các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp du lịch ở tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia kế hoạch giảm sử dụng nhựa dùng một lần trong các hoạt động kinh doanh du lịch. Với không gian xanh mát, thoáng đãng, Villa Huế là một trong những cơ sở lưu trú tạo ấn tượng với du khách. Các vật dụng nhựa được thay thế bằng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện môi trường như tre, giấy, dừa… Quy trình thu gom, phân loại, xử lý rác thải thực hiện nghiêm ngặt.
Năm 2024, khách sạn Villa Huế mở rộng phạm vi chuyển đổi và thay thế các vật liệu, sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Bà Nguyễn Thị Hoa - Giám đốc Villa Huế chia sẻ, khách sạn áp dụng nguyên tắc 6T trong quản lý rác thải (Từ chối - Tiết giảm - Tái sử dụng - Thay thế - Tái chế - Thu gom).
“Năm 2024, kế hoạch chúng tôi tổ chức ít nhất 2 sự kiện nâng cao giáo dục, nhận thức cho nhân viên; đẩy mạnh tuyên truyền và khuyến khích khách hàng đồng hành cùng chương trình giảm rác thải nhựa. Khách hàng hưởng ứng tham gia sẽ nhận được những phần quà của khách sạn. Ngoài ra, chúng tôi đẩy mạnh việc tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa”, bà Nguyễn Thị Hoa cho biết.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ đã có những hoạt động, cách làm hay thu hút sự tham gia, hưởng ứng tích cực của cộng đồng và du khách về thay đổi thói quen. Ông David, du khách Pháp cho rằng: “Theo tôi, mọi người nên thay đổi suy nghĩ, thói quen của mình. Thay vì sử dụng những đồ nhựa, chúng ta nên thay thế những vật liệu thân thiện để môi trường sống được xanh và an toàn hơn”.
Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tài trợ, đặt mục tiêu đến năm 2024, thành phố Huế trở thành đô thị giảm nhựa; 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý. Đến năm 2030, hệ thống các dòng sông và hệ sinh thái khu vực đất ngập nước trên địa bàn thành phố Huế sẽ được bảo vệ khỏi ô nhiễm rác thải nhựa…
Ông Đinh Mạnh Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Thực tế mà nói, rác thải nhựa là vấn đề của toàn xã hội, nhưng ngành du lịch là một trong những ngành có lượng rác thải nhựa nhiều nhất và có ảnh hưởng lớn nhất. Nếu như vận động làm tốt việc giảm thiểu rác thải nhựa, thì không những làm cho môi trường chúng ta tốt, mà vấn đề quan trọng nâng cao ý thức cộng đồng, du khách, tất cả mọi người đều phải đưa rác thải nhựa ra ngoài. Tương lai chúng ta kiểm soát rác thải nhựa tối hơn và du khách đến Huế cảm thấy an toàn hơn”.
Du lịch xanh đang là xu hướng được du khách quan tâm và nhiều đơn vị lữ hành triển khai. Nhiều địa phương, đơn vị, hỗ trợ, đồng hành với cộng đồng xây dựng các điểm đến, các tour, sản phẩm du lịch sinh thái từ miền núi đến đồng bằng và các vùng đầm phá, sông biển… Tỉnh có chủ trương xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên các tiêu chí về cảnh quan, di sản, môi trường, xanh, thân thiện…
Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định đây là những điều kiện thuận lợi để ngành du lịch, các doanh nghiệp triển khai các hoạt động, chương trình tour gắn với du lịch xanh: “Ngoài những hoạt động thể hiện rõ qua việc triển khai các chương trình giảm rác thải nhựa, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng phương tiện thân thiện môi trường như xe điện, xích lô, xe đạp, đi bộ khám phá các điểm đến… Ngành du lịch vận động, cùng các nhóm cộng đồng tham gia đảm bảo vệ sinh môi trường cảnh quan, tích cực tham gia các hoạt động của tỉnh đưa thành phố Huế trong tương lai trở thành thành phố xanh, sạch, không rác thải nhựa”.