Thừa Thiên Huế phát triển sản phẩm mới, vực dậy ngành du lịch
VOV.VN - Một trong những nhiệm vụ ưu tiên Thừa Thiên Huế đặt ra trong thời gian tới là vực dậy ngành du lịch.
Hôm nay (15/7), HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục thảo luận các giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm nay. Một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong thời gian tới là vực dậy ngành du lịch.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đang phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng cuối năm nay đạt 6,8% và tốc độ tăng trưởng cả năm 2020 đạt 2,8-3,8%. Theo đó, để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định tiếp tục ưu tiên công tác phòng, chống và ngăn chặn, kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19; tập trung các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh... Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; đẩy mạnh phát triển du lịch…
Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ nay đến cuối năm vẫn ưu tiên, chú trọng các giải pháp kích cầu, đẩy mạnh quảng bá điểm đến… để thu hút khách du lịch nội địa.
Theo ông Lê Hữu Minh, hiện nay cả nước hầu như chỉ dồn vào khách du lịch nội địa, vì vậy cuộc cạnh tranh này là vô cùng khốc liệt. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để có tính độc đáo, tính riêng biệt thì mới tạo ra sức hấp dẫn đối với khách du lịch này. Bên cạnh kêu gọi kích cầu, một trong những giải pháp Thừa Thiên Huế cho là quan trọng nhất là phải giữ đa dạng sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, 6 tháng cuối năm nay tổng sản phẩm trong tỉnh phải đạt 6,8%. Đây là một thách thức lớn trong khi tỉnh chưa thể đón khách nước ngoài trở lại. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ngành du lịch Thừa Thiên Huế tập trung 2 nhóm giải pháp trọng tâm là phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ mới phù hợp với xu thế hiện nay và xúc tiến quảng bá sản phẩm nhằm triển khai chương trình kích cầu du lịch sau dịch Covid-19.
Cụ thể, trước mắt, Thừa Thiên Huế sẽ tập trung triển khai đồng bộ việc thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Thứ hai, là tạo mọi điều kiện để thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp để phục hồi sau dịch, đặc biệt là các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh như là du lịch, các khu công nghiệp, cũng như là để sẵn sàng đón đầu làn sóng dịch chuyển của các chuổi sản xuất từ các nước về Việt Nam nói chung và về Thừa Thiên Huế nói riêng. Tập trung vào nội lực để phát triển các lĩnh vực an sinh xã hội, đảm bảo cho người dân ổn định cuộc sống sau đại dịch./.