Thừa Thiên Huế và mục tiêu "điểm đến di sản không rác thải nhựa”
VOV.VN - Phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh là chiến lược phát triển xuyên suốt mà tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung triển khai trong các lĩnh vực, trong đó có du lịch
Ngành du lịch Thừa Thiên Huế có tốc độ tăng ổn định trong những năm qua. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, du lịch phát triển cũng mang lại một số tác động tiêu cực như: tiêu thụ nhiều năng lượng, nước sạch, vật tư hàng hóa, tạo ra nhiều chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa, túi nilon khó phân hủy... làm giảm tính hấp dẫn của du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế. Ước tính trong du lịch, trung bình mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5-10 túi ni lông/ngày; 2 đến 4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày. Đó là chưa kể đến các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng 1 lần khác.
Chị Lê Thị Tuyết Vân, đến tham quan lăng vua Gia Long tỏ ra ấn tượng với nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa tại Huế: “Đi vào lăng ở đây, thứ nhất là cung đường đi sạch, không có rác thải nhựa, bịch ni lông là mình thấy rất thích. Điểm cấp nước ở đây mình thấy rất thuận tiện, du khách có thể uống nước, sử dụng hoặc là uống trực tiếp, đó là một cái cần phát huy ở những nơi mà du lịch như này, vừa hỗ trợ dân mình vừa giảm thiểu rác thải nhựa cho thành phố”.
Thành phố Huế đang triển khai dự án “Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” với sự hỗ trợ của WWF Việt Nam, mục tiêu đến năm 2024 sẽ giảm 30% lượng rác thải nhựa và có 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý, đẩy mạnh thu hồi rác tái chế từ bãi chôn lấp. Đến năm 2030, hệ thống các dòng sông và hệ sinh thái khu vực đất ngập nước trên địa bàn thành phố Huế sẽ được bảo vệ khỏi ô nhiễm rác thải nhựa.
Bà Hoàng Ngọc Tường Vân, Giám đốc Ban Quản lý Dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa miền Trung Việt Nam" cho hay: “Chúng tôi tiếp tục phối hợp với Sở Du lịch, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô cũng như Ủy ban Nhân dân thành phố Huế để tuyên truyền giảm nhựa sử dụng một lần ở các điểm di sản, điểm du lịch trên địa bàn thành phố Huế, thúc đẩy Huế trở thành một điểm đến di sản không rác thải nhựa”.
Từ năm 2019, các cơ sở kinh doanh dịch vụ bán hàng lưu niệm tại cố đô Huế đã không còn sử dụng túi ni-lông và vật liệu nhựa sử dụng một lần. Đến nay, hơn 80 cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã cùng ký cam kết về việc giảm thiểu rác thải nhựa, hạn chế tối đa các sản phẩm từ nhựa. Tại các hội nghị, hội thảo trong ngành du lịch không sử dụng nước uống đóng chai sử dụng một lần và sử dụng chai thủy tinh; các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, khu du lịch, điểm du lịch thu gom, phân loại, xử lý chất thải theo đúng quy định; định kỳ Chủ nhật hàng tuần tổ chức vệ sinh môi trường, cảnh quan tại nơi ở, nơi làm việc…
Nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cùng cam kết đào tạo nhân viên về phân loại rác tại nguồn và giảm thiểu rác thải nhựa... để cùng bảo vệ môi trường và xây dựng Huế thành Đô thị giảm thải nhựa: “Chúng tôi thường xuyên tạo ra một mạng lưới kết nối với các doanh nghiệp thành viên, các đơn vị thành viên của Hiệp hội để chia sẽ những sáng kiến cùng chung tay giảm thiểu những hoạt động tạo ra rác thải nhựa, sử dụng vật liệu tái chế, vật liệu thân thiện với môi trường” - bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ.
Phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh là chiến lược phát triển xuyên suốt mà tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung triển khai trong các lĩnh vực, trong đó có du lịch. Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, cho biết: Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch tỉnh đã phối hợp với dự án “Huế- Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” tiếp tục triển khai chương trình giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch tại thành phố Huế, góp phần giữ gìn môi trường, xây dựng môi trường du lịch Huế ngày càng văn minh, thân thiện, tích cực.
“Ban Tổ chức đã xây dựng khung hành động bao gồm các tiêu chí về các hoạt động thỏa mãn tính thực tiễn và có thể thực hiện được từ đây đến 2025 hoặc có thể áp dụng theo nhiều mức độ khác nhau cho các doanh nghiệp, khách sạn lưu hành điểm đến và cả cộng đồng địa phương. Tất cả có thể đồng hành chung tay thực hiện hoạt động giảm nhựa trong hoạt động du lịch” - ông Nguyễn Văn Phúc nói.