Tìm giải pháp phát triển du lịch huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa)
VOV.VN - Huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa có khí hậu mát mẻ, sản vật phong phú có tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên, du lịch nơi đây đang gặp nhiều khó khăn vì chưa có các sản phẩm du lịch đặc thù.
Khánh Sơn là huyện miền núi có độ cao trên 1.000m, chỉ cách thành phố Cam Ranh và các tuyến đường sắt, đường bộ, sân bay quốc tế khoảng 60km. Khánh Sơn được biết đến là quê hương của bảo vật quốc gia đàn đá Khánh Sơn, là nơi có văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc Raglai với các nghi lễ, phong tục tập quán đặc sắc.
Đặc biệt, huyện miền núi Khánh Sơn sở hữu tài nguyên rừng phong phú, môi trường sinh thái rừng đa dạng, cùng với địa hình đồi núi và hệ sông suối, thác là nguồn tài nguyên tự nhiên còn nguyên sơ có sức hấp dẫn du khách. Là vùng đất nhiều tiềm năng nhưng du lịch ở Khánh Sơn chưa phát triển, mỗi năm thu hút khoảng 15.000 lượt khách, rất thấp so với con số hơn 9 triệu lượt khách đến tỉnh Khánh Hòa.
PGS.TS Lê Chí Công - Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Nha Trang nhận định các điểm nghẽn trong phát triển du lịch của Khánh Sơn có thể kể đến như: thiếu các sản phẩm du lịch đặc thù; thiếu cơ chế phối hợp với các đơn vị lữ hành để phát triển các tour du lịch sinh thái gắn với núi rừng, nông nghiệp, nông thôn và cộng đồng nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, cơ sở lưu trú tại Khánh Sơn chỉ mới có 60 phòng; quảng bá về du lịch chưa mạnh mẽ.
"Khánh Sơn có nhiều điều kiện, tiềm năng để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, nhưng để tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù thì chưa làm được. Đây là trăn trở rất lớn. Muốn xây dựng được sản phẩm du lịch đặc thù, vai trò của doanh nghiệp lữ hành, là đầu mối tiêu thụ đầu tiên về các sản phẩm du lịch. Cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, đặc trưng của Khánh Sơn", PGS.TS Lê Chí Công cho biết.
Năm nay, tỉnh Khánh Hòa đã đón 9 triệu lượt khách du lịch, doanh thu hơn 40.000 tỷ đồng, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương này. Huyện miền núi Khánh Sơn được xác định là vùng đất mới trên bản đồ du lịch của tỉnh.
Ông Phan Đình Phùng - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho rằng Khánh Sơn định hướng phát triển du lịch xanh để đưa du lịch phát triển bền vững, rất phù hợp với định hướng xây dựng Khánh Sơn trở thành "tiểu đô thị sinh thái núi rừng" theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Sở Du lịch Khánh Hòa cũng đã nhiều lần làm việc và định hướng cho huyện Khánh Sơn phát triển theo hướng du lịch cộng đồng kết hợp khai thác các giá trị bản địa, giá trị nông sản địa phương như sầu riêng, mít nghệ, chôm chôm...
Theo ông Phan Đình Phùng, Sở Du lịch Khánh Hòa sẽ hỗ trợ địa phương xây dựng một số mô hình du lịch cộng đồng tại xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn: "Ưu tiên đầu tư cho các địa bàn có tiềm năng du lịch có thể khai thác ngay, mang lại hiệu quả cao, ổn định. Mặt khác, cần lựa chọn đầu tư thí điểm cho cộng đồng dân cư nghèo có nguyện vọng làm du lịch ở địa bàn, vùng có điều kiện khó khăn nhưng có ưu thế phát triển du lịch cộng đồng. Đó là truyền thống văn hóa dân tộc đặc sắc, nghề truyền thống, tài nguyên du lịch tự nhiên, hấp dẫn".
Hiện nay, bên cạnh việc hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả, Khánh Sơn đang đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với định hướng đưa du lịch phát triển ngang tầm với ngành nông nghiệp. Để phát triển du lịch bền vững, địa phương này xác định sử dụng hiệu quả các giá trị thiên nhiên và giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, giàu bản sắc của cộng đồng của 13 dân tộc sinh sống trên địa bàn gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.
Ông Bùi Hoài Nam - Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho biết trước mắt, địa phương cần tranh thủ các nguồn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là phát triển giao thông kết nối liên huyện đáp ứng tốt nhu cầu của du khách khi đến địa phương. Bên cạnh đó, huyện sẽ có các chương trình xúc tiến đầu tư, phát triển các sản phẩm nông nghiệp và du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch mạo hiểm... để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo cho du khách.
"Sản xuất nông sản phải đảm bảo chất lượng, sản xuất xanh gắn liền với dư địa tại Khánh Sơn. Qua đó, thúc đẩy du lịch cộng đồng đến với địa chỉ đỏ, danh lam thắng cảnh của Khánh Sơn. Từ đó, thu hút được khách du lịch đến được với Khánh Sơn, tạo ra nhiều mô hình sinh kế, phát triển bền vững tại Khánh Sơn"- ông Bùi Hoài Nam cho biết.