TP.HCM khởi động thêm nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn
VOV.VN - Từ TP.HCM, người dân đang có thêm nhiều lựa chọn đi du lịch; trong đó có các sản phẩm nội vùng như tour đường sông Bạch Đằng - Cần Giờ, tham quan thành phố trên xe bus 2 tầng hoặc tour nghỉ dưỡng tại một số địa phương lân cận.
Tour đường sông Bạch Đằng - Cần Giờ bằng tàu cao tốc là một trong những sản phẩm du lịch mới nhất tại TP.HCM. Khởi hành từ bến Bạch Đằng (TP.HCM), tàu cao tốc đưa du khách dọc theo sông Sài Gòn, ngắm cảnh quan hai bên bờ từ Quận 1, Quận 4, Quận 7 về hướng Cần Giờ. Tại Cần Giờ, du khách tham quan, trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực tại các điểm đến như Thạnh An, Thiềng Liềng, Vàm Sát.
Phát biểu tại buổi chào đón đoàn khách đầu tiên tham gia tour, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cao sản phẩm mới này của ngành du lịch và đề nghị Sở Du lịch TP.HCM cùng các doanh nghiệp tiếp tục phát huy tinh thần chủ động khôi phục, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới và hấp dẫn; thúc đẩy sự phục hồi hoạt động du lịch nói riêng và hoạt động kinh tế nói chung của TP.HCM.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết sau tour đường sông Bạch Đằng- Cần Giờ này, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các quận, huyện và doanh nghiệp khai thác, xây dựng các chương trình tham quan đường sông đi Cần Giờ 2 ngày 1 đêm, các chương trình tham quan theo hướng Bạch Đằng - Củ Chi kết nối với Bình Dương, tuyến Bạch Đằng - Quận 7 - Cần Giờ… nhằm đa dạng hoá hơn cho các sản phẩm du lịch đường sông của TP.HCM.
Ngoài ra, tour tham quan trung tâm thành phố trên xe bus 2 tầng do Công ty Ảnh Việt Hop On Hop Off Việt Nam cũng chính thức được khởi động đón khách. Tham gia tour ngày 24/10, bà Lưu Mỹ Trinh (Quận 6) bày tỏ niềm vui khi được ngắm nhìn TP.HCM từ trên cao và cảm nhận nhịp sống đang dần trở lại bình thường: “Được ngắm nhìn toàn TP.HCM sau đợt dịch, mình cảm thấy rất phấn khởi. Mong rằng ngành du lịch sau đây sẽ ngày càng phát triển, giới thiệu được nhiều danh lam thắng cảnh và món ăn ngon đến du khách trong và ngoài nước”.
Cùng niềm vui như bà Lưu Mỹ Trinh, bà Trương Thị Kim cũng như gần 120 du khách từ TP.HCM đã đến TP. Phan Thiết tham quan, nghỉ dưỡng trong ngày đầu tiên Bình Thuận đón khách ngoại tỉnh hôm 24/10. Trong đợt mở cửa thí điểm này, Bình Thuận có 3 cơ sở lưu trú đủ điều kiện đón khách là Anantara Mũi Né, Centara Mirage Mũi Né và Pandanus Resort.
Bà Trương Thị Kim cho biết cảm thấy rất yên tâm vì khu nghỉ dưỡng có sự chuẩn bị tốt để đón du khách trở lại. “Khu nghĩ dưỡng rất đẹp, nhân viên rất chu đáo và nhiệt tình, những món ăn ở đây cũng hợp khẩu vị của mọi người. Còn về phòng chống dịch, tôi cũng đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19 và thực hiện đúng quy định 5K”.
Chia sẻ khi đặt chân tới khu nghỉ dưỡng ở Mũi Né, ông Hoàng Việt (TP.HCM) hi vọng ông và gia đình được tới đây nhiều lần nữa: "Tôi nghĩ đây là điểm đến du lịch cho gia đình chúng tôi hằng năm, vì nơi này gần TP.HCM, cảnh biển ở đây rất thích. Trong tương lai, tuyến cao tốc sẽ rút ngắn thời gian từ TP.HCM ra đây".
Theo ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp du lịch hiện nay là tài chính và nguồn lao động. Trước dịch COVID-19, ngành du lịch Bình Thuận có khoảng 20.000 lao động trực tiếp và 30.000 lao động gián tiếp. Trong đợt dịch vừa qua, một số lượng lớn lao động chuyển nghề hoặc chuyển đi nơi khác. Dù doanh nghiệp và chính quyền địa phương cũng đã có những chính sách hỗ trợ nhưng không đáng kể nên khó giữ chân lao động.
Ngoài ra, Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cũng mong muốn được tỉnh quan tâm cho lao động ngành du lịch sớm tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, xem xét giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp du lịch… để các doanh nghiệp có thể sớm phục hồi./.