Cách vượt qua rào cản ngôn ngữ khi đi du lịch
VOV.VN - Mặc dù rào cản trong giao tiếp là một thách thức, nhưng có những cách thức để vượt qua rào cản ngôn ngữ, giúp bạn có thể thể hiện bản thân nhiều hơn và đáp ứng nhu cầu của mình.
Chúng ta có thể gặp khó khăn khi giao tiếp ở một quốc gia mà bạn không nói ngôn ngữ của họ. Mặc dù rào cản trong giao tiếp là một thách thức, nhưng có những cách thức để vượt qua rào cản ngôn ngữ, giúp bạn có thể thể hiện bản thân nhiều hơn và đáp ứng nhu cầu của mình. Học cách vượt qua rào cản ngôn ngữ là một trong những mẹo hàng đầu để tận hưởng bản thân khi đi du lịch. Linh hoạt và sáng tạo trong việc giao tiếp sẽ giúp bạn đi một chặng đường dài trong những chuyến du lịch của mình. Dưới đây là một số cách thức bạn có thể tham khảo để giải đáp cho mình bài toán về rào cản ngôn ngữ.
1. Học một vài từ và cụm từ giao tiếp chính
Trước khi xuất phát và đi đến bất kì quốc gia nào không sử dụng ngôn ngữ bạn quen thuộc, hãy dành thời gian tìm hiểu cách nói chuyện với những cụm từ đơn giản dưới đây để giúp bạn mở đầu câu chuyện được thuận lợi hơn.
- Xin chào
- Tạm biệt
- Xin lỗi bạn
- Cảm ơn bạn
- Bạn có nói tiếng Anh/tiếng Việt không?
- Bạn có thể giúp mình một chút không?
Ở mức tối thiểu, nó thể hiện sự lịch sự và cho thấy rằng bạn đang thật sự quan tâm đến việc cố gắng giao tiếp. Nếu may mắn, bạn có thể tìm thấy một số người nói tiếng Anh, đặc biệt là ở những nơi khách du lịch hay lui tới như nhà hàng và khách sạn.
2. Sử dụng ngôn ngữ hình thể khi bạn cần
Bạn đang ở trong một nhà hàng và muốn gọi món nhưng không biết nói các tên đồ ăn? Hãy chỉ vào những hình ảnh tương ứng với chúng trên menu. Bạn đang ở trong một siêu thị nhưng không nghe hiểu các con số để thanh toán? Hãy dùng cách ra hiệu trên tay như thể bạn đang viết lên một tờ giấy để họ hiểu rằng bạn cần nhìn các con số để trả tiền. Hoặc một tình huống đơn giản hơn là khi bạn muốn hỏi đường, hãy hỏi theo chặng ngắn và hỏi nhiều người, để họ chỉ đường được dễ dàng hơn.
3. Giữ một thái độ thân thiện
Cởi mở và lịch sự sẽ giúp bạn đi một chặng đường dài. Nếu bạn thân thiện và thể hiện rõ sự cố gắng, bạn sẽ có nhiều khả năng được mọi người kiên nhẫn và giúp đỡ bạn hơn.
Ví dụ khi xem xét câu nói “Này, có nói tiếng Anh không?" có thể không phải là cách tốt nhất để yêu cầu giúp đỡ. Ít nhất thì việc nói “xin chào” bằng ngôn ngữ địa phương cũng có thể là một cách mở đầu câu chuyện sao cho lịch sự hơn và dễ mến hơn. Ở nhiều quốc gia, việc nói chuyện quá thoải mái với một người mà bạn không quen biết không được đánh giá cao.
4. Xem xét bối cảnh trước khi giao tiếp
Khi lời nói của bạn không thành công và bạn không thể vượt qua rào cản ngôn ngữ, thì ngữ cảnh, đôi khi, có thể là một cánh tay phải đắc lực. Một ví dụ dễ thấy là khi bạn đi đến quầy lễ tân của một khách sạn, bạn có thể đoán được rằng họ đang nói điều gì đó tương tự với, "Xin chào, bạn có muốn đặt phòng không?" hoặc "Xin chào, tôi có thể giúp gì cho bạn?", thì một nụ cười cùng một cái vẫy tay và cung cấp tên của bạn có thể là một cách để bắt đầu trao đổi. Thậm chí tốt hơn là nói “Xin chào! Bạn có nói tiếng Anh không?" bằng ngôn ngữ địa phương.
5. Đơn giản hóa các chi tiết muốn biểu đạt
Tập trung lời nói của bạn vào việc bày tỏ suy nghĩ. Ví dụ, bạn có thể nói với ai đó, "bạn có muốn tôi chụp ảnh cho bạn không?" hoặc "bạn có thể chụp ảnh của tôi không?" Hoặc, bạn có thể đơn giản nói, "ảnh?". Dù nó được coi là trống không nhưng trong tường hợp bạn không thể nói được ngôn ngữ địa phương, thì việc bạn có cố gắng học nói từ “ảnh” đã là một điều đáng khen.
Nếu bạn giữ những gì bạn nói đơn giản và cơ bản, cho dù, bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn hay ngôn ngữ được nói ở nơi bạn đến thăm, bạn sẽ có cơ hội tốt hơn để đáp ứng các nhu cầu của mình.
6. Viết nó xuống
Nếu ai đó đang nói với bạn điều gì đó, chẳng hạn như cho bạn tên hoặc địa chỉ đường phố và bạn không thể hiểu rõ, hãy cung cấp cho họ giấy và bút để bạn có thể lưu lại và dùng các thiết bị dịch thuật. Bạn có thể hiểu rõ hơn và nó cung cấp cho bạn tùy chọn để tra cứu hoặc hỏi một ai đó nói được ngôn ngữ bạn sử dụng./