Chuyển đổi số tạo sức mạnh tổng hợp cho du lịch Việt Nam
VOV.VN - Hoạt động chuyển đổi số du lịch đã được Tổng cục Du lịch và các địa phương triển khai rộng khắp cả nước. Sự liên kết, hợp tác của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các bên liên quan sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp cho du lịch Việt Nam.
Phát biểu tại tọa đàm "Tăng cường hợp tác trên môi trường số, nâng cao trải nghiệm của du khách" do Traveloka và Tổng cục Du lịch phối hợp tổ chức sáng nay (16/11), ông Hoàng Quốc Hòa – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch cho biết hoạt động chuyển đổi số du lịch đang được các địa phương và doanh nghiệp triển khai rộng khắp cả nước.
Hà Nội là một trong những điểm đến tiên phong về chuyển đổi số du lịch tại Việt Nam. Thủ đô đã phát triển các ứng dụng du lịch thông minh như Visit Hanoi, MyHanoi với tính năng nổi bật là trợ lý du lịch ảo hỗ trợ du khách. Các điểm đến bảo tàng, làng nghề, di tích như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam… đã phát triển hệ thống thuyết minh tự động và nhiều công nghệ hiện đại khác phục vụ khách tham quan.
Tỉnh Thanh Hóa áp dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường trên ứng dụng điện thoại thông minh để tái hiện sinh động hình ảnh các điểm du lịch nổi tiếng như Lam Kinh, Thành nhà Hồ, Pù Luông… Đà Nẵng đã đưa vào sử dụng ứng dụng chatbot "Da Nang Fantasticity" - công nghệ được sử dụng đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á (cùng với Singapore). Tại TP.HCM, tour xe buýt 2 tầng đã áp dụng công nghệ mới kết hợp dữ liệu số về giao thông và du lịch, cùng dữ liệu sở thích của du khách để thiết kế các tuyến phù hợp; bên cạnh bán vé và thanh toán trực tuyến, tích hợp Wi-Fi và thuyết minh tự động bằng nhiều ngôn ngữ.
Ở khu vực tư nhân, nhiều công ty lữ hành đã thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm mới. Các tập đoàn lớn đầu tư xây dựng hệ sinh thái tiện ích thông minh một cách hệ thống, bài bản. Một số nền tảng du lịch trực tuyến như Traveloka phối hợp với Sở Du lịch TP.HCM, Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng, Trung tâm Xúc tiến Du lịch, Thương mại và Đầu tư Kiên Giang và Sở Du lịch Hải Phòng để quảng bá các điểm đến của địa phương và nâng cao trải nghiệm của du khách.
Về phía Tổng cục Du lịch, đơn vị này chịu trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam, xây dựng trục kết nối hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý ở trung ương, địa phương và doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh; đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch trên các nền tảng số và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Ông Hoàng Quốc Hòa cho rằng khi các bên liên quan trong ngành du lịch liên kết, hợp tác chuyển đổi số sẽ mang đến rất nhiều lợi ích, như hình thành cơ sở dữ liệu chung của toàn ngành; tạo sự liên thông, liền mạch trong hệ sinh thái du lịch thông minh; tạo thuận lợi cho hoạt động quản lý, phát triển du lịch; xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam một cách thống nhất và tiết kiệm nguồn lực cho các bên. "Liên kết, hợp tác để thúc đẩy chuyển đổi số du lịch sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp cho ngành du lịch Việt Nam" – ông Hoàng Quốc Hòa nhấn mạnh./.