Hà Nội hướng tới chuẩn hóa chất lượng điểm đến du lịch
VOV.VN - Sở Du lịch Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị phổ biến, hướng dẫn sử dụng Bộ tiêu chí đánh giá điểm du lịch chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 và tập huấn xây dựng kế hoạch phát triển du lịch vùng, địa phương.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, thời gian qua, công tác quản lý các khu, điểm du lịch trên địa bàn Hà Nội đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, như chủ động triển khai xây dựng khung dữ liệu và thông tin cơ bản liên quan đến điểm đến theo 5 loại hình du lịch di sản - di tích, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch thể thao - vui chơi giải trí và du lịch nông nghiệp. Hà Nội cũng đã có 21 khu, điểm được công nhận là điểm du lịch cấp thành phố.
Tuy nhiên, ông Trần Trung Hiếu cũng chỉ ra một số hạn chế trong thực trạng hoạt động tại các khu du lịch và điểm tham quan du lịch ở Thủ đô. Điển hình như hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch (bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, điểm dừng chân, điểm cung cấp dịch vụ) còn thiếu về số lượng và chất lượng; dịch vụ gia tăng phục vụ khách còn hạn chế; hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quảng bá trực tuyến, hỗ trợ khách du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng nguồn nhân lực không đồng đều, tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch chưa cao; thiếu các điểm đến du lịch chất lượng cao.
Chính vì vậy, Bộ tiêu chí đánh giá khu, điểm du lịch chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 đưa ra phương pháp đánh giá với các thang điểm rõ ràng để xác định khu, điểm du lịch đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, đảm bảo tính khoa học trong quá trình đánh giá cũng như giúp các đơn vị này tự xem xét thực trạng, từ đó đưa ra kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng điểm đến.
Theo PGS.TS Phạm Trương Hoàng – Trưởng khoa Du lịch & Khách sạn (Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội), nếu một điểm du lịch đạt chuẩn chất lượng cao sẽ tăng thêm niềm tin cho khách hàng, đồng thời là công cụ hữu ích để quảng bá, thu hút khách. Ngoài ra, chính các điểm du lịch và địa phương cũng có căn cứ để đánh giá, hoàn thiện chất lượng hạ tầng, dịch vụ.
Đồng quan điểm này, bà An Thu Trà – Trưởng phòng Truyền thông và Giáo dục, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, công tác đánh giá chất lượng dịch vụ là thiết yếu. Mới đây, sau khi bảo tàng mở cửa trở lại và ra mắt các trải nghiệm mới "Phòng khám phá cho trẻ em" và "Phòng Đa phương tiện", đơn vị đã tự triển khai đánh giá chất lượng để phân tích nhu cầu và hoàn thiện sản phẩm.
“Nhu cầu của khách đã thay đổi rất nhiều trong bối cảnh mới. Việc học tập, làm việc online quá lâu khiến nhiều người suy giảm sức khỏe và tinh thần; vì vậy những nhóm gia đình, trẻ em hiện có nhu cầu rất lớn về tham quan công viên, di tích, bảo tàng thay vì những trung tâm thương mại, khu mua sắm như trước dịch Covid-19. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội vươn lên cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và các điểm đến khác tại Hà Nội. Đánh giá được từng điểm đến thì mới có chiến lược chung tốt hơn cho ngành du lịch Thủ đô” – bà An Thu Trà cho biết./.