Những chiêu trò lừa đảo du lịch du khách cần chú ý
VOV.VN - Đi du lịch rất thú vị nhưng khi ở vùng đất lạ, bạn dễ trở thành mục tiêu của những trò lừa đảo. Dưới đây là những chiêu lừa đảo phổ biến mà mọi khách du lịch đều nên biết.
Vết bẩn trên áo khoác
Kẻ lừa đảo sẽ làm đổ thứ gì đó lên áo khoác của bạn, khiến nó trông giống như một tai nạn tình cờ hoặc làm điều đó tinh vi đến mức bạn không nhận thấy. Họ sẽ chỉ cho bạn vết bẩn đó và khăng khăng muốn giúp làm sạch nó cho bạn. Trong lúc bạn sơ ý, họ sẽ tận dụng cơ hội để móc túi và lấy đi những món đồ giá trị.
Cảnh sát giả danh
Một người trông giống cảnh sát sẽ tiếp cận bạn và nói rằng tiền giả đã được lưu hành trong khu vực bạn đang đi du lịch. Họ sẽ yêu cầu kiểm tra ví của bạn, và khi bạn nhận lại sẽ thấy số tiền đã bị vơi đi. Họ cũng có thể yêu cầu xem các giấy tờ du lịch của bạn như thị thực, hộ chiếu, sau đó giải thích rằng những giấy tờ này có vấn đề và yêu cầu bạn nộp tiền để tránh rắc rối.
Thợ chụp ảnh thân thiện
Trò lừa đảo này phổ biến nhất ở châu Âu, khi một người xa lạ đề nghị chụp ảnh cho bạn hoặc cả nhóm. Bạn đưa điện thoại hoặc máy ảnh cho họ và một trong hai điều sẽ xảy ra: Hoặc họ sẽ đòi tiền sau khi chụp ảnh, hoặc tệ hơn nữa là họ sẽ "biến mất" với điện thoại và máy ảnh của bạn.
Dụ dỗ mua chất kích thích
Trò lừa đảo này từng xảy ra ở Thái Lan. Khi bạn tham gia các bữa tiệc hoặc lễ hội, sẽ có người đề nghị bạn sử dụng một chút ma túy hoặc chất cấm. Ngay khi bạn chấp nhận, một cảnh sát giả danh sẽ bất ngờ xuất hiện và ép bạn trả ngay một khoản tiền phạt lớn, cùng lời đe dọa sẽ bắt giữ và tống giam bạn.
Đeo vòng tay
Trò lừa đảo này đã được cảnh báo nhiều lần nên du khách bắt đầu cảnh giác hơn. Họ sẽ tiếp cận và đề nghị đeo cho bạn một chiếc vòng tay đặc biệt. Thậm chí cả khi bạn từ chối, họ vẫn sẽ cố gắng đeo chiếc vòng đó vào tay bạn thật nhanh. Sau đó họ sẽ đòi tiền chiếc vòng (dù ngay từ đầu bạn đã không muốn đeo), hoặc lợi dụng sự náo động để đánh lạc hướng bạn để kẻ đồng phạm móc túi.
Máy ảnh bị hỏng
Đây là chiêu trò mà du khách dễ dàng "mắc bẫy", vì ít người sẽ từ chối khi được ai đó nhờ chụp ảnh. Một người sẽ đề nghị bạn chụp ảnh nhóm của họ, nhưng khi bạn chụp thì máy ảnh không hoạt động. Khi bạn đưa máy ảnh lại cho họ, bằng cách nào đó chiếc máy ảnh sẽ "vô tình" rơi xuống đất. Đây là cái cớ để nhóm người quây lấy bạn đòi tiền sửa chữa hoặc tranh thủ móc túi trong lúc tranh cãi.
Taxi đi lòng vòng
Nhiều người chọn taxi khi đi du lịch vì tiện lợi hơn so với phương tiện công cộng. Nhưng ngược lại nó có thể khiến bạn tốn thêm rất nhiều tiền, nếu tài xế "láu cá" cố tình đi đoạn đường dài hơn hoặc lái xe qua các khu vực giao thông đông đúc để tăng giá cước taxi. Thậm chí, đồng hồ tính cước trên một số xe taxi được cài đặt để giá tiền tăng nhanh hơn nhiều so với bình thường. Trò lừa đảo này khá phổ biến tại nhiều quốc gia.
Lừa mua vé giả
Ở những thành phố đông đúc như Paris hay London, khách du lịch thường xếp hàng dài chờ đợi để mua vé vào các điểm tham quan nổi tiếng như bảo tàng Louvre, tháp Eiffel và cung điện Buckingham. Và kẻ lừa đảo sẽ lợi dụng điểu này, họ sẽ ăn mặc chỉn chu, lịch sự và ngỏ ý bán cho bạn vé theo diện ưu tiên với giá đắt hơn nhưng không phải xếp hàng đợi lâu. Điều này nghe thật hấp dẫn vì khách du lịch thường không có nhiều thời gian, tuy nhiên rất có thể chiếc vé giả này sẽ không được chấp nhận.
Cuộc gọi giả từ quầy lễ tân
Kẻ lừa đảo sẽ gọi điện đến phòng khách sạn của bạn vào đêm muộn và giả vờ là nhân viên lễ tân. Họ sẽ thông báo rằng có vấn đề với thẻ tín dụng và đề nghị bạn xác nhận chi tiết thẻ tín dụng qua điện thoại. Họ gọi vào đêm khuya để lợi dụng lúc bạn buồn ngủ và muốn giải quyết vấn đề thật nhanh qua điện thoại. Đây là một trò lừa đảo khá phổ biến và không ít người đã bị mắc lừa./.