"Tiếp sức" cho các start-up du lịch vượt qua đại dịch
VOV.VN - Đại dịch Covid-19 khiến cho nhiều doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam lâm vào khủng hoảng. Tuy nhiên, cơ hội vẫn có với những công ty có tư duy dài hạn, mạnh dạn thay đổi mô hình kinh doanh và chuyển đổi số.
Dịch bệnh Covid-19 và những hệ quả đã chất thêm vô vàn khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là những dự án khởi nghiệp (start-up) hay các công ty vừa và nhỏ (SME). Hạn chế về thị trường, không có doanh thu, không ít doanh nghiệp phải đóng cửa, dẫn đến niềm tin của các nhà đầu tư và tinh thần khởi nghiệp cũng lung lay.
Nhiều doanh nghiệp du lịch dù đã vận hành lâu năm cũng đang "loay hoay" và mất phương hướng giữa đại dịch. Ông Nguyễn Quyết Tâm – Giám đốc Công ty VietISO nhận định: "Vì Covid-19, không ít doanh nghiệp du lịch sau nhiều năm hoạt động lại quay về vạch xuất phát vì không có thị trường, trong khi khách hàng lại là 'trái tim' của mỗi doanh nghiệp. Các công ty lâu năm đang đứng trước áp lực lớn, đòi hỏi sự đổi mới để cạnh tranh với các công ty mới, vốn đang chuẩn bị rất tốt về công nghệ và dữ liệu thị trường".
Các dự án khởi nghiệp du lịch cũng đang gặp phải những "lực cản" không nhỏ. Ông Lý Đình Quân – Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Khởi nghiệp Sông Hàn cho biết, nhiều start-up công nghệ đã có giải pháp du lịch thông minh nhưng hạn chế về thị trường và khả năng thu hút các nguồn lực để phát triển. Các dự án ẩm thực sở hữu nhiều giá trị văn hóa và tri thức, nhưng chưa thể thương mại hóa sản phẩm. Các doanh nghiệp phát triển điểm đến du lịch tại địa phương, dù có các sản phẩm trải nghiệm nhưng thiếu mô hình kinh doanh sáng tạo, thiếu năng lực vận hành và phát triển thị trường…
Để tháo gỡ khó khăn, hiện nay chương trình tăng tốc khởi nghiệp du lịch - dịch vụ Vietnam Tourism Startup (VTS) là một trong những "bệ phóng" để các start-up và SME giải quyết các vấn đề về vận hành, chiến lược, mô hình kinh doanh, phát triển thị trường. Qua 4 năm, chương trình này đã ươm tạo và tăng tốc hơn 62 dự án khởi nghiệp du lịch, dịch vụ, với những câu chuyện thành công của Hue Lotus Homestay, du lịch thiện nguyện V.E.O, Người Giữ Rừng, Liberzy, Tuấn Thi Travel…
Năm 2021, VTS tiếp tục được diễn ra từ tháng 07/2021 đến tháng 05/2022; bao gồm lộ trình 4 tháng phát triển năng lực hành động, vận hành doanh nghiệp, phát triển thị trường (tháng 7 – tháng 10/2021) và 6 tháng còn lại để kết nối nguồn lực, gọi vốn đầu tư. VTS 2021 được triển khai trên toàn Việt Nam, ưu tiên cho các start-up và doanh nghiệp tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, miền Trung và các thành phố du lịch lớn.
Mạng lưới đối tác tham gia VTS 2021 bao gồm Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC), Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Hồ Chí Minh (BSSC), Làng công nghệ du lịch, ẩm thực - Techfest Việt Nam; Chương trình khởi nghiệp Thụy Sỹ Swiss EP; Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam; Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam (RAV)…
Đại diện Ban Tổ chức VTS 2021 cho biết, ngoài cơ hội kết nối vào hệ sinh thái khởi nghiệp du lịch, dịch vụ, các start-up và SME sẽ được cung cấp không gian làm việc miễn phí; tham gia trưng bày, truyền thông tại Techfest Việt Nam; nhận được tài trợ, hỗ trợ về dịch vụ vận hành doanh nghiệp, lưu trữ đám mây; tiếp cận với các chương trình tài trợ vốn khởi nghiệp và chính sách hỗ trợ khởi nghiệp hiện hành./.