Vì sao du lịch Đà Nẵng chưa thể “cất cánh”?
VOV.VN - Nếu không có những bước đi đột phá và giải quyết kịp thời những tồn tại thì du lịch Đà Nẵng sẽ lại mắc phải xung đột, thách thức khó vượt qua.
Thành phố Đà Nẵng có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Lợi thế về cảng biển, sân bay quốc tế, cửa ngõ các di sản thế giới ở miền Trung, nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, các bãi tắm đẹp, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch khá đồng bộ giúp Đà Nẵng đã và đang trở thành điểm đến an toàn và thân thiện đối với du khách.
Khu nghỉ dưỡng Bà Nà Hills tại Đà Nẵng. Ảnh: Lê Hải Sơn
Tuy nhiên, để du lịch Đà Nẵng trở thành “đầu tàu” kinh tế của địa phương vẫn là điều mà chính quyền, ngành chức năng và người dân thành phố luôn trăn trở, tìm hướng đi phù hợp. Những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ trên lĩnh vực du lịch. Nhờ tư duy chiến lược và quy hoạch “dài hơi” mà du lịch Đà Nẵng phát triển theo hướng nhanh và bền vững.
Hiện, thành phố có 83 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, với tổng vốn đầu tư khoảng 7,3 tỷ USD (tương đương 153.000 tỷ đồng), bao gồm 20 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD, (tương đương 27.000 tỷ đồng), còn lại là các dự án đầu tư trong nước.
Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, một nửa khách sạn từ 3 đến 5 sao, trong đó có 12 khách sạn 5 sao, cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Đến nay, thành phố có hơn 21.000 phòng được xếp hạng sao, đến năm 2018 sẽ có thêm khoảng 4.500 phòng nữa, chủ yếu là phân khúc từ 4 đến 5 sao.
Tuy vậy, du lịch Đà Nẵng chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư do thiếu các sản phẩm du lịch chuyên biệt, các dịch vụ mua sắm chất lượng cao, các sản phẩm giải trí hấp dẫn, cuốn hút khách du lịch.
Thành phố Đà Nẵng về chiều. Ảnh: Lê Hải Sơn |
Ông Trịnh Việt Hưng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Empire cho biết, một số dự án đầu tư xây dựng cầu tàu, bến du thuyền chậm triển khai, ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động du lịch đường sông.
Thành phố Đà Nẵng cũng đang thiếu chính sách ưu đãi đầu tư phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí, nhất là giải trí về đêm, khu mua sắm và ẩm thực quy mô lớn, các show diễn nghệ thuật chất lượng, đặc sắc tổ chức định kỳ để phục vụ du khách.
Ông Trịnh Việt Hưng đề nghị, cần tạo ra môi trường kinh doanh du lịch thật sự lành mạnh để thu hút du khách: “Tăng trưởng du lịch ở đây bao gồm tỷ lệ lưu trú, tỷ lệ khách quay trở lại với các điểm du lịch. Để là được điều đó thì chúng ta phải tạo ra sản phẩm hấp dẫn và đa dạng. Vì khách lưu trú ở Đà Nẵng hiện nay bình quân chưa đến 2 ngày. Khi mà chúng ta tạo ra thêm các sản phẩm mới chắc chắn sẽ lôi kéo được thêm du khách nán lại ở Đà Nẵng để thưởng thức các dịch vụ, sản phẩm mới”.
Một vấn đề đặt ra hiện nay đối với du lịch Đà Nẵng là nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển; hệ thống khách sạn, thị trường khách tăng nhanh; trong khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch còn hạn chế phần nào ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng du lịch của thành phố.
Đêm Đà Nẵng. Ảnh: Lê Hải Sơn |
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao Công ty CB Richard Ellis Việt Nam (CBRE) chia sẻ: “Tổng nguồn cung khách sạn từ 3 đến 5 sao ở Đà Nẵng là 14.000. Còn ở Phuket (Thái Lan), theo thống kê chúng tôi nhận thấy lê tới 81.000 phòng khách sạn. Số lượng nhiều như thế là để phục vụ tăng trưởng du lịch cũng rất là cao. Tiềm năng phát triển của Đà Nẵng còn rất là nhiều, và nếu chúng ta phát triển đúng hướng, tham khảo bài học thành công ở trong khu vực thì chúng tôi tin rằng trong thời gian không xa, Đà Nẵng sẽ đuổi kịp thị trường Phuket”.
Tại Hội nghị chuyên đề đầu tư du lịch khuôn khổ Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng mới đây, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch cho rằng, sự phát triển của du lịch Đà Nẵng hiện nay đã đạt “ngưỡng”, nếu không có những bước đi đột phá mới và giải quyết kịp thời những tồn tại thì du lịch địa phương mắc phải xung đột, thách thức khó vượt qua.
“Để du lịch Đà Nẵng thực sự có thể phát triển bền vững, trở thành một trong những động lực của du lịch Việt Nam đó là thu hút đầu tư và kiểm soát đầu tư. Thứ 2 phát triển những sản phẩm du lịch đẳng cấp, chuyện nghiệp, đó là MICE, du lịch mua sắm để có thể cung cấp các dịch vụ và tăng khả năng chi tiêu của khách. Thứ ba là vấn đề quản lý môi trường và thứ 4 là vấn đề nhân lực. Du lịch Đà Nẵng đã phát triển rất nóng nhưng nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu”, ông Thuấn nói.
Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng đang đến gần. Đây là cơ hội rất lớn để giới thiệu, quảng bá hình ảnh thành phố đến với bạn bè quốc tế. Ngành du lịch của thành phố biển cần phải tự “làm mới” mình trong mắt lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước; nâng cao nhận thức của cộng đồng trong gìn giữ môi trường du lịch, thúc đẩy du lịch phát triển theo hướng nhanh và bền vững./.
Những địa điểm hấp dẫn khách du lịch đến Đà Nẵng