Vì sao nhiều quốc gia tăng phí du lịch sau dịch Covid-19?
VOV.VN - Thu phí du khách là giải pháp phổ biến nhằm giảm tải cho điểm đến và hạn chế tác động tiêu cực từ du lịch đại trà. Tuy nhiên phương án này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đủ cách để giảm tải
Một mô hình tăng phí du lịch hiệu quả là di tích Chand Baori ở Rajasthan, Ấn Độ. Kỳ quan này được ví như một kim tự tháp lộn ngược, với hệ thống bậc thang đưa du khách qua 13 tầng đá để xuống hồ bơi nằm sâu dưới đất. Cách đây không lâu, vào năm 2016 số lượng khách tham quan tại Chand Baori vẫn còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên sự bùng nổ mạng xã hội khiến Chand Baori nhanh chóng thu hút du khách khắp thế giới. Năm 2018, có thời điểm di tích này đón hàng trăm du khách cùng lúc và những chiếc xe du lịch đỗ chật kín lối vào. Một năm sau đó, chính quyền địa phương đã đưa ra mức phí tham quan khoảng 5,4 USD và những chiếc xe du lịch giảm rõ rệt.
Venice (Italy) cũng sẽ áp dụng phí tham quan, chủ yếu nhằm giảm tải khách du lịch trong ngày và không lưu trú tại thành phố. Khoảng 20 triệu du khách loại này đã đến Venice năm 2019, đóng góp rất ít vào nền kinh tế địa phương nhưng lại khiến các điểm du lịch tắc nghẽn và gây áp lực cho cuộc sống người bản địa. Từ đầu năm 2023, Venice sẽ tính phí du khách từ 3 - 10 USD, tùy thuộc vào mức độ đông đúc của thành phố vào thời điểm đó. Mức phí này được cho là "nhẹ nhàng" so với phí vào các bảo tàng và phòng trưng bày tại Italy, chủ yếu nhằm giảm tải số lượng chứ không để tăng ngân sách thành phố.
Là nơi chịu tác động tiêu cực của quá tải du lịch, Dubrovnik (Croatia) cũng áp dụng biện pháp thu phí và giới hạn số lượng khách. Vào năm 2016, UNESCO đã cảnh báo rằng áp lực lớn từ hoạt động du lịch đang đe dọa tư cách Di sản Thế giới của Dubrovnik, đồng thời khuyến nghị thành phố hạn chế số lượng du khách dưới 8.000 người mỗi ngày. Các nhà điều hành tour du thuyền đã đồng ý giới hạn số lượng tàu còn 2 chiếc mỗi ngày, với tổng số hành khách tối đa là 5.000 khách/ngày. Hiện nay, lượng du khách đến Dubrovnik đã được kiểm soát ở mức có thể quản lý, mặc dù ngành du lịch của Croatia vẫn chưa phục hồi trở lại như trước đại dịch.
Một điểm đến nổi tiếng khác cũng thắt chặt kiểm soát hoạt động du lịch sau đại dịch Covid-19 là Amsterdam. Theo CNN, năm 2019 đã có khoảng 20 triệu lượt khách quốc tế tới Amsterdam, so với số dân chưa đến 900.000 người. Giờ đây thủ đô của Hà Lan đã thay đổi hình ảnh du lịch theo hướng có chọn lọc, giới thiệu du khách đến những giá trị văn hóa thay vì khu phố đèn đỏ khét tiếng trước đây. Ngoài việc cấm cho thuê bất động sản ở trung tâm Amsterdam trên các nền tảng bán phòng như Airbnb, chính quyền thành phố có kế hoạch di dời khu đèn đỏ ra vùng ngoại ô.
Nhằm hạn chế những đối tượng du khách phiền toái và ồn ào, chính quyền Amsterdam còn thúc đẩy lệnh cấm các quán cà phê bán sản phẩm từ cần sa cho khách du lịch, đồng thời phạt nặng những trường hợp vi phạm. "Chúng tôi không muốn quay lại những gì đã chịu đựng trước đại dịch, khi các đám đông ở phố đèn đỏ và khu giải trí gây phiền toái cho người dân. Những du khách tôn trọng Amsterdam và người dân luôn được chào đón. Những người đối xử thiếu tôn trọng với cư dân và di sản sẽ không được chào đón tại đây" - chính quyền Amsterdam tuyên bố hồi tháng 6/2021.
Mặt trái của việc tăng phí
Ngành du lịch Bhutan bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên độc đáo của mình bằng chính sách hạn chế số lượng, ưu tiên chất lượng cao và yêu cầu trả phí du lịch hàng ngày. Cùng với việc mở cửa đất nước sau dịch Covid-19, Bhutan đã tăng Phí Phát triển bền vững đối với du khách nước ngoài từ 65 USD lên 200 USD mỗi ngày. Như vậy mỗi du khách quốc tế sẽ chi tiêu ít nhất từ 335 - 385 USD mỗi ngày tại Bhutan, tùy thời điểm trong năm.
Động thái này khiến những đơn vị chuyên tổ chức tour dài ngày tại Bhutan buộc phải tính toán lại, ví dụ như tour “Người tuyết Bhutan” khởi hành từ Australia thường kéo dài tới 27 ngày. Nếu tham gia tour này, du khách từ Australia sẽ phải trả khoảng 12.100 USD thay vì 7.900 USD như trước đại dịch Covid-19. "Mặc dù Bhutan cung cấp trải nghiệm phong phú, nhưng nơi này sẽ trở thành một điểm đến chỉ dành cho những người giàu có. Điều này gây mâu thuẫn với quan điểm phát triển du lịch toàn diện và bền vững" - đại diện công ty lữ hành World Expeditions ở Australia cho biết.
Đáng chú ý, không phải tất cả du khách quốc tế đến Bhutan phải trả mức phí như nhau. Theo quy định từ năm 2020 thì du khách mang hộ chiếu Ấn Độ, Bangladesh và Maldives chỉ cần trả 22 USD mỗi ngày và không phải trả phí cho gói tour tối thiểu từ 135 - 185 USD mỗi ngày. Trong khi đó, khách Ấn Độ hoặc Bangladesh lại là thị trường chính từng chiếm 3/4 lượng khách quốc tế đến Bhutan năm 2019. Như vậy, việc tăng Phí Phát triển bền vững của Bhutan có thể phản tác dụng, khiến dòng khách chi trả cao giảm số lượng còn khách trả phí thấp từ Ấn Độ, Bangladesh lại gia tăng mạnh để bù đắp. Đây sẽ là thách thức lớn cho chính sách hạn chế số lượng, ưu tiên chất lượng cao của Bhutan.
Tại Indonesia, kế hoạch tăng giá vé thăm Vườn quốc gia Komodo (ở Labuan Bajo, tỉnh Đông Nusa Tenggara) từ khoảng 10 USD/người lên tới hơn 250 USD/người đã gặp phản ứng dữ dội từ cộng đồng du lịch địa phương. Chính quyền Indonesia cho rằng việc tăng giá vé sẽ giới hạn số lượng du khách, đồng thời giúp địa phương có thêm kinh phí duy trì hệ sinh thái, đảm bảo cung cấp nguồn thức ăn, nước uống để bảo tồn loài rồng Komodo.
Tuy nhiên, giá vé đột ngột tăng gấp 25 lần khiến cộng đồng cư dân địa phương, đặc biệt là những người làm du lịch “dậy sóng”. Họ cho rằng lượng du khách giảm sẽ khiến sinh kế và việc làm trở nên bấp bênh. Hàng chục doanh nghiệp du lịch tại Labuan Bajo đã tạm ngưng các dịch vụ từ đầu tháng 8 để phản ứng trước vấn đề này. Ngành du lịch Indonesia lập tức hứng chịu thiệt hại hàng chục triệu USD do nhiều khách du lịch nước ngoài và nội địa hủy các chuyến đi đến Labuan Bajo. Mới đây nhất, Chính phủ Indonesia buộc phải nhượng bộ và thông báo việc tăng giá vé tham quan Vườn quốc gia Komodo sẽ tạm hoãn đến tháng 1/2023./.