Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hàng loạt các sự kiện văn hóa – giải trí đã phải hoãn, hủy để phòng chống dịch. Các rạp chiếu phim đóng cửa hàng loạt, nhà hát, sân khấu tắt đèn. Ngành biểu diễn nghệ thuật đối mặt với nỗi lo mất khán giả. Từ đó, mô hình nhà hát online được bàn tính đến như một giải pháp phù hợp.

Kịp thời thích nghi với hoàn cảnh, nhiều nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật nhanh chóng sử dụng internet và nền tảng kỹ thuật số, lập các kênh YouTube, tạo nên các sân khấu biểu diễn trực tuyến.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức biểu diễn trực tuyến chương trình ca nhạc “Niềm tin” phát trên Facebook, công diễn các ca khúc mới với nội dung về phòng chống dịch Covid-19; chương trình “Thanh âm kết nối” của thầy trò Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tạo hiệu ứng tương tác với người làm nghệ thuật và công chúng…

Các chương trình biểu diễn âm nhạc trực tuyến còn mang lại giá trị kinh tế hiệu quả. Điển hình là đêm nhạc trực tuyến “Kiên cường Việt Nam” có sự tham gia của 20 ca sĩ, nghệ sĩ, cầu thủ với 40.000 lượt theo dõi trực tuyến trong hơn hai giờ đã vận động được 1,3 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Covid-19 ảnh hưởng đến cuộc sống con người vì giãn cách xã hội, cách ly tập trung... các nghệ sĩ đã liên tục cho ra những bài hát với chủ đề đẩy lùi dịch Covid-19, nâng cao ý thức phòng chống dịch, cổ vũ, động viên tinh thần cộng đồng, đặc biệt là những y bác sĩ, những chiến sĩ đã không quản ngại nguy hiểm, ở tuyến đầu phòng chống dịch.

Một số bài nổi bật như “Sao anh chưa về nhà” (Amee), “Tiêu diệt corona” (Xẩm Hà Thành), “Cùng bé đánh giặc Corona” (Nguyễn Mai Long và Kiều Anh Tuấn), “Chống giặc corona như chống giặc ngoại xâm” (bác sĩ Hồ Khải Hoàn), “Ông bà anh thời Covid-19” (Lê Thiện Hiếu), "Đôi mắt nCoV" (Sa Huỳnh), “Đại dịch corona" (Vũ Minh Vương), “Việt Nam ơi! Đánh bay Covid” (Minh Beta)....

Đặc biệt là ca khúc “Ghen Cô Vy” (Khắc Hưng, Min và Erik) đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. Từ show truyền hình ăn khách "Last Week Tonight With John Oliver" của Mỹ, đến BFMTV - kênh truyền hình số 1 nước Pháp, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) rồi Tạp chí Âm nhạc Billboard... tất cả đều đưa tin về ca khúc "Ghen Cô Vy" cùng vũ điệu rửa tay trên nền nhạc bài hát do vũ công Quang Đăng thực hiện.

Thị trường nhạc Việt năm 2020 dù không quá sôi động do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng vẫn có điểm nhấn mạnh mẽ, rõ ràng và đáng nhớ ở cả mảng liveshow, album và MV.

MV trong năm 2020 được đánh giá có cả chất và lượng với những nội dung đa dạng ở nhiều thể loại. Nổi bật phải kể đến “Có chắc yêu là đây” (Sơn Tùng M-TP), “Hoa nở không màu” (Hoài Lâm), “Đúng cũng thành sai” (Mỹ Tâm), “Em không sai chúng ta sai” (Erik), “Yêu một người sao buồn đến thế” (Noo Phước Thịnh), “Chân ái” (Orange, Khói, Châu Đăng Khoa), “Hơn cả yêu” (Đức Phúc)...

Nhiều album mới được đầu tư về mặt nội dung, với concept xuyên suốt và được đánh giá là đáng nghe, làm phong phú thêm thị trường album năm qua như “Human” (Tùng Dương), “Khánh Linh’s Journey” (Khánh Linh), “25” (Hoàng Dũng), “dreAMEE” (AMEE), “Khát vọng” (Vũ Thắng Lợi)...

Dù ít nhưng nhiều liveshow trong năm 2020 vẫn tổ chức rất thành công như liveshow “Con người” của Tùng Dương, “The Beatles Symphony”, “Vy concert”...

Hơn nửa năm gần như đóng băng vì dịch Covid-19, thị trường điện ảnh Việt tăng tốc trở lại trong những tháng cuối năm. Không chỉ sở hữu thành tích doanh thu ấn tượng, "Ròm" và "Tiệc trăng máu" còn góp phần lớn trong việc hâm nóng phòng vé. Điều này còn tác động to lớn và tạo nên tiền đề tốt để các bộ phim Việt tiếp theo ra mắt.

Cụ thể, "Ròm" về đích với doanh thu hơn 60 tỉ đồng sau gần 1 tháng công chiếu. Còn “Tiệc trăng máu”, chính thức khởi chiếu từ ngày 23/10, bộ phim đã thu về con số doanh thu khổng lồ, chỉ đứng sau “Cua lại vợ bầu” và “Mắt biếc” với 175 tỷ đồng.

“Những ngày không quên” có nội dung mang hơi thở thời sự với nhiều tin tức về diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 được thực hiện ngay trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Việt nam. Phim tái hiện đời sống hai không gian điển hình thành phố và nông thôn ở Việt Nam khi dịch bệnh ập đến. Qua đó, phim cũng đưa ra thông điệp ý nghĩa xung quanh những câu chuyện về tình người, ý thức trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng và sự tri ân với lực lượng tuyến đầu.

Mặc dù không tham gia tranh giả Cánh diều 2019 song phim đã nhận được bằng khen đặc biệt của Hội Điện ảnh Việt Nam. Ngoài ra, đơn vị sản xuất bộ phim là Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) cũng nhận được Bằng khen của Bộ Y tế do có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19.

Năm 2020 là một năm biến động lớn với đời sống văn hoá –giải trí do tác động của Covid-19, song các bộ phim truyền hình với kịch bản hấp dẫn, tình tiết gay cấn, phản ánh đa dạng mọi mặt của đời sống như “Trói buộc yêu thương”, “Sinh tử”, “Lựa chọn số phận”, “Lửa ấm”, “Cát đỏ”, “Hướng dương ngược nắng”… liên tiếp nối sóng, đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả. Đây được coi là một nỗ lực lớn khi các đoàn phim vượt khó quay phim trong điều kiện dịch bệnh, chịu hạn chế về kinh phí, bối cảnh…

Với 13 vở diễn của các nhà hát, đơn vị nghệ thuật tham dự cùng hơn 700 nghệ sĩ, diễn viên tham gia diễn xuất, Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ tư năm 2020 là cú khởi động trở lại đầy ngoạn mục của sân khấu Việt Nam sau thời gian dài tạm nghỉ do dịch Covid-19. Tuy có nhiều vở diễn dựng lại, nhưng dưới những góc nhìn mới phù hợp hiện tại cùng sự đa dạng về đề tài, thể loại, liên hoan đã phần nào mang lại hiệu ứng lan tỏa, thu hút công chúng.

Ban Tổ chức đã trao nhiều giải thưởng có giá trị cho các tác phẩm, tác giả và cá nhân xuất sắc. 2 vở diễn được tặng giải Vàng là "Bạch đàn liễu" (Đoàn kịch LucTeam) và "Người tốt nhà số 5" (Nhà hát Kịch Việt Nam).

Giải Bạc được trao cho các vở: "Tình sử Thăng Long" của Nhà hát Chèo Hà Nội; "Truyền tích Cổ Loa xưa" của Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh; "Trương Chi - Mị Nương" của Nhà hát Kịch Hà Nội.

Giải thưởng Đạo diễn xuất sắc được trao cho đạo diễn, NSƯT Trần Lực (vở Bạch đàn liễu, sân khấu LucTeam) và đạo diễn, NSƯT Tạ Tuấn Minh (vở "Người tốt nhà số 5" của Nhà hát Kịch Việt Nam).

Giải thưởng Họa sỹ xuất sắc được trao cho NSƯT Doãn Bằng (vở "Người tốt nhà số 5" của Nhà hát Kịch Việt Nam). Giải Biên đạo múa xuất sắc được trao cho Thạc sỹ Hoài Anh (vở "Tình sử Thăng Long" của Nhà hát Chèo Hà Nội).

Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao tặng 21 huy chương Vàng và 31 huy chương Bạc cho các cá nhân là các nghệ sỹ có thành tích xuất sắc tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ IV -2020.

Đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam diễn ra vào tối 20/11/2020 đã tìm ra 3 gương mặt đẹp nhất là Hoa hậu Đỗ Thị Hà, Á hậu 1 Phạm Ngọc Phương Anh, Á hậu 2 Nguyễn Lê Ngọc Thảo. Hoa hậu Đỗ Thị Hà sinh năm 2001, chiều cao 1m75, số đo ba vòng 80-60-90, là sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội; cô đồng thời đoạt danh hiệu Người đẹp Truyền thông với số lượt bình chọn vượt trội. Á hậu 1 Phạm Ngọc Phương Anh (TP Hồ Chí Minh), là sinh viên Trường đại học RMIT; Á hậu 2 Nguyễn Lê Ngọc Thảo (TP Hồ Chí Minh) hiện đang là sinh viên Trường đại học Hutech - cô đồng thời đoạt danh hiệu Người đẹp Biển.

Với sự đầu tư công phu và kỹ lưỡng, sự kiện mang tầm cỡ quốc tế Aquafina Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam - Aquafina Vietnam International Fashion Week 2020 khai mạc tối 3/12. Sự kiện diễn ra từ ngày 3-6/12/2020 tại Nhà thi đấu Nguyễn Du, thành phố Hồ Chí Minh. Trải qua hành trình 10 mùa tổ chức thành công rực rỡ, Aquafina Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam - Aquafina Vietnam International Fashion Week đã và đang khẳng định vị thế độc tôn của một sự kiện thời trang chuyên nghiệp mang đẳng cấp Quốc tế duy nhất tại Việt Nam.

Trở lại lần thứ 11 cùng chủ đề “The Future Is Now”, Aquafina Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam 2020 mang tới sự kiện thời trang đẳng cấp quốc tế với sự góp mặt của 18 nhà thiết kế, thương hiệu thời trang Việt Nam. Sự hiện diện của các nhà thiết kế tham dự tuần lễ thời trang như một minh chứng cho sự phát triển của các thương hiệu thời trang Việt Nam.

Được tổ chức từ 19/4-20/5, Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 thu hút được sự tham gia của 54 nhà xuất bản (NXB) và đơn vị phát hành sách, giới thiệu khoảng 15.000 đầu sách; 11.000 đơn đặt sách với trên 13.000 cuốn được đưa tới bạn đọc cả nước; gần 2 triệu lượt truy cập; doanh thu trên 1 tỷ đồng.

Hội sách còn là không gian tương tác với bạn đọc. 18 sự kiện giao lưu, tọa đàm của nhiều tác giả, nhà văn, nhà khoa học, nhà quản lý tên tuổi với hơn 1.000 người tham dự.

Năm 2020, showbiz Việt trải qua những nốt trầm buồn với không ít nghệ sĩ ra đi trong niềm tiếc thương của khán giả.

Đó là sự ra đi của NSƯT Nguyễn Chánh Tín - người đóng đại tá Nguyễn Thành Luân của "Ván bài lật ngửa” vào rạng sáng 4/1/2020 ở nhà riêng, thọ 68 tuổi. Bà Bích Trâm - vợ cố diễn viên cho biết ít ngày trước khi mất ông mắc bệnh cảm cúm nhẹ và sức khỏe yếu dần. Diễn viên Nguyễn Chánh Tín sống chung với bệnh tiểu đường suốt 15 năm.

Ngày 28/3, Mai Phương qua đời tại nhà riêng ở TP.HCM sau thời gian chiến đấu kiên cường với căn bệnh ung thư phổi. Sự ra đi của nữ diễn viên ở tuổi 35 khiến mọi người không khỏi thương xót.

Sau hơn nửa năm mắc ung thư tuỵ, trưa 19/9 nhạc sĩ Phó Đức Phương đã qua đời trong sự bàng hoàng của nhiều nghệ sĩ và khán giả sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư tụy, hưởng thọ 76 tuổi.

Ca sĩ Tuấn Phương qua đời ngày 7/10 sau hơn 3 tháng chống chọi với căn bệnh viêm màng não tại Bệnh viện nhiệt đới Trung ương.

NSND Lý Huỳnh qua đời tại nhà riêng vào sáng ngày 22/10 sau một thời gian dài chữa bệnh, hưởng thọ 78 tuổi.

Nhạc sĩ Văn Ký - tác giả ca khúc "Bài ca hy vọng" và các nhạc phẩm nổi tiếng cách mạng - mất sáng 26/10 vì ung thư, thọ 92 tuổi.

Nghệ sĩ Ánh Hoa - diễn viên gạo cội của màn ảnh miền Nam qua đời sáng 1/11. Bà ra đi sau thời gian chống chọi với bệnh tai biến mạch máu não, hưởng thọ 79 tuổi.

Ngày 9/12 khán giả Việt Nam bàng hoàng khi nhận tin danh hài Chí Tài qua đời đột ngột tại một bệnh viện ở TP.HCM. Trước đó, ông bị đột quỵ ở chung cư tại quận Phú Nhuận, được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi./.


Thứ Bảy, 06:15, 26/12/2020