Khi ông Hùng sang Lào nhận nhiệm vụ năm 2012, thời điểm đó đang rộ lên chuyện Lào triển khai các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Báo chí Việt Nam cho rằng, việc xây dựng các đập thủy điện này sẽ bịt hết dòng nước, Việt Nam sẽ gặp khó khăn.

Ở chiều ngược lại, báo chí của Lào nêu quan điểm, Lào hoàn toàn có quyền sử dụng nguồn tài nguyên sẵn có để phục vụ phát triển đất nước. Thực chất của vấn đề như thế nào? Với tư cách là Đại sứ, ông Hùng cũng phải tìm hiểu và tháo gỡ.

“Lúc tôi sang, Lào đang xây dựng đập thủy điện Xayaburi và có kế hoạch làm thêm một loạt các đập thủy điện khác. Việt Nam có đề nghị với Lào là tạm hoãn xây dựng các đập thủy điện mới. Với việc xây dựng đập thủy điện Xayaburi, quan điểm của ta là bạn cứ làm nhưng phải đảm bảo dòng chảy sông Mekong. Với tư vấn của quốc tế cũng như ý kiến của Việt Nam, Lào đã điều chỉnh lại thiết kế của đập thủy điện Xayaburi từ thủy điện mực nước cao, tức là làm đập cao để trữ nước phát điện, sang thủy điện mực nước thấp và thủy điện đập tràn có lối để phù sa thông qua và có những lối để đảm bảo tàu bè đi lại được trên sông Mekong”, ông Hùng kể lại.

Khi Việt Nam đề nghị Lào tạm dừng việc xây dựng các đập thủy điện khác để tiến hành công trình nghiên cứu tổng thể về tác động của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong với hạ lưu, nước bạn cũng đã chấp nhận việc này.

Theo đó, từ 2012 - 2015, việc nghiên cứu đánh giá tác động tổng thể của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong đã hoàn thành với nguồn kinh phí do Chính phủ Việt Nam tài trợ. Mặc dù nước bạn chưa xây dựng thêm thủy điện nhưng tình trạng cạn kiệt nguồn nước và khô hạn ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn xảy ra, đỉnh điểm là mùa khô 2016.

Vào thời điểm đó, tin tức nêu rất đậm việc Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước. Tại nhiều địa phương, bộ đội phải chở xe nước đến cấp cho dân sử dụng trong khi nhiều cánh đồng không thể canh tác do nước mặn xâm nhập sâu. Việt Nam đã đề nghị Trung Quốc cho xả nước ở đập Cảnh Hồng - đập cuối cùng của Trung Quốc trước khi dòng Mekong đổ vào đất Lào, để bù thêm nước cho hạ lưu.

Qua khảo sát và theo các số liệu khoa học, đối với lượng nước lưu vực sông Mekong, phần đóng góp của Lào rất lớn, có hơn 30% lưu lượng nước hình thành ở Lào. Nhưng sông Mekong lấy nước từ cả các dòng nhánh chứ không phải chỉ có dòng chính và các dòng nhánh ở Lào lại có rất nhiều đập thủy điện vừa và nhỏ.

Thời điểm đó đang là mùa lễ hội chèo thuyền của Lào, nhưng vì dòng chính của sông Mekong không có nước nên Lào không thể tổ chức lễ hội.

“Tháng 3/2016, tôi có cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào. Tổng Bí thư Bounnhang Vorachith có nói về tình hình khô hạn ở Lào, đồng thời hỏi thăm tình hình khô hạn ở Việt Nam. Tôi thông báo với lãnh đạo bạn về tình hình ở Việt Nam và đề xuất Lào cho xả nước. Phía bạn bày tỏ không có nước để xả bởi sông Mekong cũng đang cạn khô. Sau khi tôi gợi ý về nguồn nước nằm ở các dòng nhánh, phía Lào đã cho xả các dòng nhánh bởi các đập thủy điện ở dòng nhánh đang giữ rất nhiều nước”, ông Hùng chia sẻ.

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Bounnhang Vorachith nói với ông Hùng rằng, trước đây, Việt Nam và Lào “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” thì giờ đây giọt nước cũng chia nhau.

Qua kỷ niệm này, ông Hùng muốn nhấn mạnh, mối quan hệ Việt Nam - Lào cũng có những lúc khó khăn và chính việc bình tĩnh cùng nhau xử lý khúc mắc đã giúp đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên. Mặc dù vậy, Đại sứ Hùng lưu ý, chỉ riêng Việt Nam hay Lào thì không thể giải quyết được vấn đề liên quan đến sông Mekong bởi đây là con sông quốc tế chảy từ Trung Quốc qua Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia rồi mới chảy về Việt Nam.

“Dòng sông liên quan đến 6 nước nên trước tiên các nước phải tuân thủ Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy, để cùng nhau giải quyết, đảm bảo hài hòa lợi ích. Sông Mekong là dòng sông chung của các dân tộc, nhưng nếu không có nước chảy thì chỉ là con sông chết. Nếu sông Mekong bị ô nhiễm, nó cũng sẽ thành con sông chết. Nếu không còn cá, thủy sinh, nó cũng là con sông chết. Việc khai thác phục vụ cho phát triển là đúng, nhưng khai thác thế nào để đảm bảo phát triển bền vững mới là khoa học, vì lợi ích lâu dài của các dân tộc.

Năm 2016, Lào cho xả nước các dòng nhánh ở sông Mekong đã giải được cơn hạn, song về lâu dài, đương nhiên phải có một cơ chế hợp tác quốc tế để ứng xử, quản lý, sử dụng khai thác bền vững sông Mekong, đảm bảo sông Mekong là một con sông mang lại nguồn sống cho các dân tộc ven sông. Cần trao đổi kỹ về việc này dựa trên căn cứ khoa học, thực tiễn”, Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Một kỷ niệm nữa không thể không nhắc đến là việc quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Hai bên đã thành lập Ban công tác đặc biệt của Chính phủ để thực hiện công tác quy tập. Việt Nam đã đưa ra mốc năm 2017 để hoàn thành toàn bộ công tác quy tập này.

“Khi thông báo cho Lào về chủ trương này để hai bên cùng nỗ lực tìm kiếm, cất bốc, quy tập, Tổng Bí thư Lào nói rằng phía bạn rất hiểu tình cảm của phía Việt Nam, các gia đình và các bà mẹ Việt Nam mong muốn tìm kiếm hài cốt con em mình để an táng tại quê hương. Phía bạn cam kết sẽ phối hợp tối đa nhưng bày tỏ mong muốn các chiến sĩ sẽ ở lại nước Lào để ‘phù hộ’ và tiếp tục giúp Lào bảo vệ đất nước”, ông Hùng xúc động nhắc về sự trân trọng của bạn đối với hy sinh xương máu của những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam trên đất Lào.

Theo Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng, phong tục tập quán của Lào khác Việt Nam nhưng sự hy sinh của các liệt sĩ vô cùng lớn. Người Lào đánh giá rất cao sự hy sinh này. Chính xương máu của các anh đã tô thắm mối quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc. Với những suy nghĩ như vậy, trong nhiệm kỳ của ông Nguyễn Mạnh Hùng ở Lào, Đại sứ quán Việt Nam đã chủ trì tổ chức một triển lãm ảnh về con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên đất Lào, giai đoạn từ năm 1961 - 1975.

Khi đi từ Trung Lào tới Nam Lào, ai cũng sẽ thấy những dấu tích của đường mòn Hồ Chí Minh vĩ đại. Nhưng dường như khi nói về đường mòn Hồ Chí Minh, ít ai để ý đến phần đường trên đất Lào. Vì thế, việc tổ chức triển lãm ảnh về con đường này đã khắc họa rõ nét đây là tượng đài vĩ đại cho sự đoàn kết của mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào. Con đường huyền thoại này là tuyến giao thông chiến lược, nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam ở Việt Nam, đồng thời cũng là trục huyết mạch giúp cho cách mạng Lào trong sự nghiệp giải phóng đất nước, xây dựng cơ sở cách mạng.

“Tôi rất mừng khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoongloun Sisoulith thăm Việt Nam và phát biểu ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh hồi đầu năm nay đã nhắc đến con đường Hồ Chí Minh trên đất Lào như là một biểu tượng, tượng đài bất tử vĩ đại về tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào”, Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Sự gắn kết giữa 2 dân tộc hết sức sâu đậm, cả trong chiến tranh giữ nước lẫn trong bảo vệ tổ quốc, xây dựng đất nước ngày nay. Không chỉ Việt Nam giúp Lào mà Lào cũng giúp Việt Nam. Theo ông Hùng, nếu chỉ nói về việc Việt Nam giúp Lào như mối quan hệ một chiều thì sẽ làm phai nhạt quan hệ hai bên. Trong quan hệ quốc tế, giá trị của truyền thống rất lớn. Phát huy được mặt tốt đẹp của nó, phát huy được truyền thống là điều mà các quốc gia hiện nay đều làm.

“Truyền thống này chúng ta phải giữ gìn, tiếp tục nhân lên. Đó là điều tôi cho là ý nghĩa rất lớn của năm đoàn kết đặc biệt Việt - Lào”, ông Hùng khẳng định.

Kể về những kỷ niệm giản dị mà khó quên trên đất Lào, Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Một lần, tôi đến thăm tỉnh Phongsaly vào buổi tối và được bạn mời cơm. Tôi buột miệng nói với anh em Sứ quán rằng ‘giá như bây giờ có bát cháo ăn’. Bạn nghe mình nói vậy, hôm sau làm việc xong, tỉnh chiêu đãi Đại sứ, bạn mang cho tôi một nồi cháo to. Điều đó cho thấy họ rất quan tâm đến mình, không câu nệ nghi lễ ngoại giao. Đó là cách người Lào ứng xử với mình.

Hay khi tôi thăm tỉnh Bokeo, khi ngồi chờ phà, nói chuyện với bà chủ quán, bà ấy hỏi tiếng Lào, tôi nói rằng tôi không phải người Lào mà là người Việt Nam. Ngay lập tức bà ấy chuyển sang nói tiếng Việt. Về lý do biết tiếng Việt, bà ấy nói rằng trước từng sống với bộ đội Việt Nam và vô cùng yêu quý Việt Nam. Một người bán nước bình thường cũng thể hiện tình cảm yêu quý Việt Nam như vậy.

Nếu dùng một từ để nói về mối quan hệ Việt - Lào tôi sẽ dùng từ “tình nghĩa”. Vì thực sự, khi tôi xử lý nhiều mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước trên thế giới, thì thấy tình nghĩa như Việt - Lào không chỗ nào có. Ẩn sau tình hữu nghị vĩ đại, mối quan hệ đoàn kết đặc biệt chính là tình nghĩa hai bên dành cho nhau. Chữ “tình nghĩa” ấy thể hiện rằng lúc khó khăn nhất chúng ta ở bên nhau và lúc hạnh phúc nhất chúng ta cũng sẽ ở bên nhau”.

Cũng có chia sẻ về điều ấn tượng nhất trong nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam, ông Thoongsavanh Phomvihane Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, người từng giữ cương vị Đại sứ Lào tại Việt Nam nói: “Ở những giai đoạn khó khăn nhất thì hai nước vẫn đồng lòng cùng nhau làm việc để mọi thứ trở nên thuận lợi. Tôi đi đến các địa phương hay đi bất kỳ đâu trên đất nước Việt Nam cũng nhận được sự hợp tác với tinh thần đồng chí, anh em. Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới nhưng làm việc tại Việt Nam để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất. Tôi cũng đã học hỏi được nhiều điều từ Việt Nam. Tôi có cơ hội gặp gỡ nhiều nhà cách mạng lão thành, các bạn trẻ và trao đổi nhiều kinh nghiệm, bài học với họ rồi qua đó rút ra được nhiều điều, chính điều đó làm tôi cảm thấy ấn tượng”./.

Thứ Ba, 06:21, 28/06/2022