Sau khi Luật Biên giới quốc gia năm 2003 có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành các nghị định liên quan để triển khai thực hiện, bao gồm Nghị định số 140/2004/NĐ-CP ngày 25/6/2004 Quy định chi tiết một số điều của Luật Biên giới quốc gia,

Nghị định số 32/2005/NĐ-CP ngày 14/3/2005 của Chính phủ về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền, Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước CHXHCN Việt Nam, Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn - Nguyên Chủ tịch, Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL), Nguyên Vụ trưởng Vụ Luật và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại Giao: “Hệ thống văn bản nội luật như trên cùng với các điều ước quốc tế song phương và các thỏa thuận liên quan đã đáp ứng cơ bản các yêu cầu trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới trong suốt thời gian qua, là cơ sở để các lực lượng liên quan bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới lãnh thổ, duy trì an ninh, trật tự khu vực biên giới, triển khai, thực thi các chính sách hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, góp phần nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới”.

Hiện nay, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật tạo ra nhiều công nghệ mới, một mặt giúp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhưng cũng dẫn đến nhiều vấn đề pháp lý khác nhau liên quan đến biên giới lãnh thổ, quản lý biển và tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển.

Việc nảy sinh những yêu cầu, tình huống mới trong công tác quản lý biên giới đòi hỏi chúng ta phải kịp thời thích ứng, bổ sung, điều chỉnh các quy định cho phù hợp. Tình hình thay đổi, nhất là nhu cầu phát triển kinh tế đòi hỏi pháp luật quốc gia và luật quốc tế phải được củng cố để phù hợp trong bối cảnh mới.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, các cơ quan liên quan sẽ cần rà soát, nghiên cứu, đánh giá để có các sự điều chỉnh bổ sung kịp thời, đặc biệt đối với các văn bản dưới luật để thực hiện tốt hơn nữa công cuộc quản lý, gìn giữ, bảo vệ biên giới quốc gia.

Trong giải quyết các vấn đề biên giới - lãnh thổ với các quốc gia láng giềng phải nắm vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác hữu nghị và bình đẳng của Đảng và Nhà nước ta.

“Khi giải quyết những vấn đề liên quan đến bảo vệ chủ quyền quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ, sự ổn định của biên giới biên giới… cần vận dụng một cách có nguyên tắc và sáng tạo đường lối nói trên, trên cơ sở “đặt lợi ích của quốc gia và dân tộc lên trên hết” như đã được khẳng định trong các Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII và XIII”, Tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn chia sẻ quan điểm.

Bên cạnh đó, việc giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ phải căn cứ vào các cơ sở lịch sử, pháp lý và thực tiễn quản lý, bảo vệ biên giới, đồng thời vận dụng các quy định có liên quan của luật pháp và thực tiễn quốc tế nhằm đạt đến giải pháp công bằng, tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế.

Luật pháp quốc tế giữ vai trò then chốt - vừa là căn cứ, cơ sở, công cụ, vừa là thước đo cho kết quả cuối cùng. Đây cũng chính là quan điểm của Nhà nước CHXHCN Việt Nam được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật quốc gia đã ban hành (Tuyên bố của Chính phủ về các vùng biển năm 1977, Tuyên bố về đường cơ sở năm 1982, Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam, Luật biên giới quốc gia…), cũng như các văn kiện pháp lý quốc tế song phương và đa phương liên quan đến các vấn đề biên giới – lãnh thổ đã được ký kết và tham gia

Theo Tiến sĩ Constantinos Yiallourides - Đại học Macquarie, Sydney: “Dĩ nhiên, vẫn còn một số vấn đề đang chờ giải quyết, đòi hỏi sự hợp tác không chỉ từ Việt Nam mà còn từ các bên tranh chấp khác. Theo tôi, những vấn đề này cuối cùng sẽ được giải quyết. Điều rất quan trọng là bảo vệ chủ quyền Việt Nam nhằm ngăn chặn các quốc gia có yêu sách hành động thay đổi hiện trạng các vùng lãnh thổ tranh chấp và các vùng lãnh thổ vẫn đang được giải quyết.

Từ góc độ quốc tế, điều quan trọng là phải ngăn chặn những thay đổi đơn phương, thậm chí ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào của các bên tranh chấp nhằm thay đổi hiện trạng có thể dẫn đến việc thay đổi tình trạng lãnh thổ. Đây là hành động sẽ ảnh hưởng thực tế đến việc giải quyết những tranh chấp giữa các bên, khiến cho việc bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền trở nên rất khó khăn khi các tranh chấp đi đến giải pháp.

Thay vì quy định biện pháp bắt buộc, luật quốc tế chỉ yêu cầu các quốc gia tìm cách giải quyết tranh chấp biên giới lãnh thổ thông qua các biện pháp hòa bình. Việc giải quyết tranh chấp biên giới, dù ở trong hay ngoài cơ chế của Liên Hợp Quốc chỉ có thể được tiến hành khi có sự đồng ý của các quốc gia liên quan. Các quốc gia giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình “sao cho không tổn hại đến hoà bình, an ninh quốc tế và công lý”.

Theo ông Yiallourides, các quốc gia liên quan có thể chủ động ngăn chặn những hành vi đơn phương thay đổi nguyên trạng của lãnh thổ thông qua các thỏa thuận tạm thời trong khi chờ giải quyết tranh chấp. Các thỏa thuận này không ảnh hưởng đến yêu sách hay quan điểm pháp lý của mỗi bên, mà chỉ nhằm góp phần duy trì nguyên trạng của lãnh thổ tranh chấp; bảo vệ các yêu sách chủ quyền, cũng như bảo đảm tính toàn vẹn và hiệu quả của việc giải quyết tranh chấp, dù thông qua biện pháp ngoại giao hay tài phán.

Trách nhiệm ngăn chặn tranh chấp lãnh thổ leo thang không nhất thiết thuộc về cơ quan tài phán quốc tế, mà chính các quốc gia tranh chấp tự điều chỉnh hành vi của mình.

Tiến sĩ Yiallourides cho rằng, Việt Nam cần chủ động và không cho phép có bất kỳ thay đổi nào đối với hiện trạng, đặc biệt là với các thực thể đang tranh chấp ở Biển Đông.

“Thực tế là khi chúng ta nói về việc bảo vệ biên giới quốc gia và bảo vệ để đảm bảo thực hiện bất kỳ luật quốc tế nào thì đều cần tiến hành các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn bất kỳ ai có ý định thay đổi hiện trạng”, chuyên gia Constantinos Yiallourides nói.

Việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước láng giềng cũng như xác định chính xác bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế sẽ góp phần quan trọng cho tiến trình giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ. Đồng thời, chính việc giải quyết thỏa đáng, công bằng, có cơ sở pháp lý các vấn đề biên giới, lãnh thổ cũng sẽ là động lực để thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước có liên quan.

Theo Tiến sĩ Constantinos Yiallourides: “Việt Nam có thể chủ động đi đến thỏa thuận với các nước láng giềng. Trong những thỏa thuận này cần hướng đến các khía cạnh thực tế, bao gồm bảo vệ môi trường biển, bảo vệ các vùng biển theo các hiệp định về biển, đảo mà Việt Nam đã ký kết liên quan đến quản lý nghề cá hoặc cùng phát triển nguồn năng lượng dưới đáy biển.

Bên cạnh đó, phải luôn đảm bảo các đường dây liên lạc song phương, các đường dây an ninh, đường dây liên lạc nóng nhằm đảm bảo sự ổn định, đồng thời có dự báo những diễn biến bất ngờ liên quan đến đường biên giới. Từ đó, sẽ nắm bắt và điều chỉnh một cách hoà bình những vấn đề còn tranh chấp giữa các nước, không gây ra bất kỳ leo thang căng thẳng nào bởi nếu để xảy ra tình huống leo thang thành “thù địch”, thì điều đó có thể vượt khỏi tầm kiểm soát”.

Tác giả: Hùng Cường, Lê Hoàng, Kiều Anh

Ảnh: Ủy ban Biên giới Quốc gia, VOV

Thứ Năm, 06:12, 09/11/2023