Ngoài các kẽ hở về pháp luật, điều hành bị các DN kinh doanh xăng dầu lợi dụng, trục lời thì quy địnhdự trữ xăng dầu của nhà nước vẫn còn rất thấp, không thể nào giúp cho nhà nước can thiệp cũng như tác động mạnh và lâu dài lên thị trường xăng dầu trong nước.

Thời gian gần đây, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao. Ở trong nước, nguồn cung thiếu hụt tạm thời đã dẫn đến tình trạng một số ít cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân tại một số địa phương.

Tình trạng một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa nghỉ bán hàng hoặc mở ít giờ, bán nhỏ giọt; tìm nhiều lý do để trì hoãn mở cửa hoặc bán với giá cao hơn những ngày đó đã gây tâm lý bất an. Cùng với đó, trong 2 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng đã khiến giá cả hàng hóa, giá dịch vụ tăng theo, tác động tiêu cực đến đời sống dân sinh cũng như quá trình phục hồi kinh tế.

Qua 16.000 lượt kiểm tra, giám sát đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn cả nước từ ngày 28/1 - 21/2, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã phát hiện gần 300 cửa hàng ngưng bán hàng với các lý do: Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh hết hạn, đang chờ cấp lại (101 cửa hàng); Đã được Sở Công Thương chấp thuận (44 cửa hàng); Trái phép (3 cửa hàng); Hết xăng, dầu (38 cửa hàng); Lý do khác (94 cửa hàng).

Nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa nghỉ bán hàng, thông báo hết xăng hoặc mở ít giờ, bán nhỏ giọt

Theo đánh giá của Tổng cục QLTT, nguyên nhân chủ yếu của việc đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh bao gồm không có đủ nguồn cung xăng dầu từ các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối nên nhiều cửa hàng không còn xăng dầu để bán; nhu cầu hàng hóa tại nhiều nơi trong cùng một địa điểm nên hệ thống xe chuyên chở không kịp phục vụ; nhiều cửa hàng tiến hành sửa chữa hoặc giải thể không kinh doanh có thông báo với cơ quan quản lý; không có đủ nhân lực để kinh doanh tại các cửa hàng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...

Báo cáo từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, do khó khăn về tài chính nên Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã phải cắt giảm công suất sản xuất trong thời gian qua, chỉ hoạt động ở mức 55-60% công suất. Do đó, việc giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước tháng 2 đã bị giảm so với kế hoạch bình quân giao hàng theo tháng khoảng 43%.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, hoạt động dự trữ xăng dầu của nhà nước vẫn còn rất thấp khi Chính phủ yêu cầu các DN kinh doanh xăng dầu đầu dự trữ tối thiểu 20 ngày. Đây là mức tổng thể dự trữ quá nhỏ so với nhu cầu phục vụ và phát triển của nền kinh tế quốc dân, nguồn dự trữ này không thể nào giúp cho nhà nước can thiệp cũng như tác động mạnh và lâu dài lên thị trường xăng dầu trong nước.

“Dự trữ xăng dầu là vấn đề rất khó bởi cơ sở kho tàng, bến bãi còn quá khiêm tốn và nhà nước cũng không có đủ nguồn ngoại tệ lớn để chỉ chú trọng đến nhập khẩu xăng dầu. Khi nguồn xăng dầu dự trữ đủ lớn như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam mới có thể chủ động nguồn cung cũng như can thiệp kịp thời vào mọi biến động của thị trường”, ông Thịnh giải thích.

Đại diện Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 5 tới đây, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ sản xuất 100% công suất, tuy nhiên vẫn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối, đặc biệt trong tháng 5, chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất...

Trong khi đó, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn cũng đã tăng thêm 5% công suất. Nguồn cung xăng dầu trong nước tồn kho tại các doanh nghiệp đầu mối tháng 2 còn khoảng 1,3 triệu m3 các loại; dự kiến lượng mua vào để cung ứng cho thị trường trong nước tháng 2/2022 khoảng 2,39 triệu m3.

Lực lượng thị trường kiểm tra các cây xăng

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, thời gian tới, lượng tồn kho xăng dầu từ tháng 2/2022 chuyển sang vẫn đảm bảo. Các thương nhân đầu mối đang tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn thiếu hụt từ sản xuất trong nước theo chỉ đạo, nếu Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn không đảm bảo lượng cung ứng như kế hoạch.

Hiện Tổng công ty Dầu Việt Nam đang thực hiện nhập khẩu thêm và dự kiến cuối tháng 2/2022 sẽ về khoảng 66.000 m3 xăng dầu; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nhập khẩu 300.000 m3 xăng dầu; Công ty Hải Hà nhập khẩu khoảng 90.000 m3 dầu... Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu chỉ trong 15 ngày đầu tháng 2/2022 của các thương nhân đầu mối đã đạt 803.000 m3, tăng hơn 60% so với các tháng bình thường. Trong những ngày cuối tháng 2, các thương nhân sẽ tiếp tục nhập khẩu về thêm khoảng 600.000 m3.

“Với tình hình cung ứng như hiện nay, việc thiếu xăng dầu cục bộ sẽ sớm được giải quyết, cung – cầu cho thị trường trong nước thời gian tới cơ bản sẽ ổn định”, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước đánh giá.

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, nhạy cảm dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, do đó phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật. Xung quanh vấn đề bất ổn trong nguồn cung xăng dầu thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, trách nhiệm chính thuộc về Bộ Công Thương. Bộ này cần sát sao, linh hoạt hơn trong điều hành xăng dầu nhằm tránh thiếu hụt nguồn cung, đảm bảo an ninh năng lượng thời gian tới.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ, việc theo dõi và dự báo xu hướng giá xăng dầu thế giới còn nhiều khó khăn. Trong khi hiện nay Việt Nam đang thiếu và yếu cả về nguồn dữ liệu cũng như nhân lực trong công tác phân tích, dự báo thị trường. Trong những trường hợp cần mua xăng dầu cấp thiết như thời gian vừa qua, nếu không đàm phán được hợp đồng kỳ hạn sẽ đẩy giá xăng dầu trong nước lên mức cao, tình trạng thiếu hụt xăng dầu sẽ xảy ra và công tác quản lý xăng dầu thêm phần khó khăn.

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, nhạy cảm dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân

“Khi xăng dầu trong nước còn phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới vẫn cần có một số thay đổi trong công tác điều hành. Quỹ Bình ổn chỉ có thể can thiệp vào giá xăng dầu trong ngắn hạn, về lâu dài, nếu giá thế giới duy trì ở mức cao quá lâu cần đưa mức giá xăng dầu trong nước tiệm cận với giá thế giới, tránh những hệ lụy tiêu cực từ chênh lệch giá xăng dầu trong nước với các quốc gia biên giới”, ông Thịnh lưu ý.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, trên cơ sở bám sát diễn biến và dự báo chính xác tình hình cung – cầu, giá cả thị trường thế giới và trong nước, nhà nước cần chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp tài khóa, tiền tệ hợp lý khi thị trường thế giới có những cú sốc xảy ra. Cùng với đó, nhà nước có chính sách, cơ chế đẩy mạnh sản xuất, chế biến trong nước; Lập dự trữ chiến lược để chủ động điều hòa cung cầu xăng dầu trong nước.

“Trong kinh doanh xăng dầu, thực hiện rà soát lại các điều kiện kinh doanh, loại bỏ các điều kiện kinh doanh không còn hợp lý, các chế độ bảo hộ bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xăng dầu không phù hợp với cam kết và thông lệ quốc tế (ví dụ kiểu bảo hộ cho nhà máy lọc dầu Nghi Sơn); tạo môi trường cạnh tranh thực trong kinh doanh xăng dầu, kể cả về cung ứng và giá theo tín hiệu thị trường”, ông Thỏa nêu rõ.

Để thực hiện đúng quy định pháp luật trong kinh doanh xăng dầu, ông Thỏa đề nghị cơ quan chủ quản cần thực thi nghiêm ngặt các biện pháp chế tài kiểm soát tình trạng lợi dụng vị trí thống lĩnh thị trường kinh doanh trái pháp luật, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tự chủ thực sự trong sản xuất kinh doanh, tự lựa chọn thị trường, bạn hàng, thời điểm mua bán có lợi nhất, đa dạng hóa các phương thức kinh doanh hiện đại chống rủi ro chi phối từ thị trường thế giới.

Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có sử dụng xăng dầu phải lựa chọn phương án sử dụng xăng dầu hợp lý, giảm suất tiêu hao trên đơn vị sản phẩm; các cơ quan Nhà nước cũng phải áp dụng các biện pháp chống lãng phí trong việc sử dụng xăng dầu./.

Thứ Hai, 08:51, 28/02/2022