Hồi cuối tháng 2, đầu tháng 3 vừa qua, Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race đã chọn Hạ Long - Quảng Ninh làm điểm dừng của chặng đua thứ 7. Hơn 400 thuỷ thủ từ hàng chục nước trên thế giới không chỉ ấn tượng với trùng điệp đảo đá của vịnh Di sản, mà còn thích thú trải nghiệm những hoạt động văn hoá, đời sống đặc trưng cùng người dân địa phương.

Sự kiện một lần nữa khẳng định sức hút của Hạ Long - Quảng Ninh như là 1 điểm đến du lịch, văn hoá, thể thao ở tầm khu vực và thế giới. Đồng thời cũng cho thấy, văn hoá luôn là một “mỏ vàng” để các địa phương như Quảng Ninh có thể khai thác bền vững, phục vụ cho du lịch, rộng hơn là phát triển các lĩnh vực của công nghiệp văn hoá.

Clipper Race được Quảng Ninh kỳ vọng là cơ hội để tiếp tục đưa hình ảnh, thương hiệu du lịch Quảng Ninh, Việt Nam sánh ngang nhiều điểm đến nổi tiếng thế giới khác mà cuộc đua ghé thăm.

Tuy vậy, cơ hội quảng bá tầm quốc tế đến với địa phương giàu tiềm năng này không hề ít. Tiêu biểu là từ Điện ảnh. Vẻ đẹp độc đáo của hàng nghìn đảo đá trên mặt nước xanh đã giúp vịnh Hạ Long trở thành phim trường của nhiều bộ phim tầm cỡ. Năm 2017, khi tham gia quay bom tấn Hollywood Kong: Skull Island tại vịnh Hạ Long, diễn viên Jason Mitchell đã phải thốt lên: “Tôi đã rất sửng sốt. Đó là một trong những khung cảnh đẹp nhất tôi từng thấy trong đời. Những khung cảnh khổng lồ như thế, những khung cảnh mà bạn không nghĩ chúng có tồn tại, người ta chắc chắn phải đến xem thôi”.

Hạ Long trong phim Indochine (Resgis Wargnier, 1992), Pan và Neveland (Joe Wright, 2015), Kong: Skull Island (Jordan Vogt-Roberts, 2017), The Creator (Gareth Edwards, 2023)

Sau khi bộ phim công chiếu, tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị Tổng cục Du lịch khảo sát, phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến địa điểm quay phim. Nhiếp ảnh gia Đỗ Giang, người được đạo diễn Jordan Vogt-Roberts mời đồng hành khảo sát bối cảnh trên vịnh Hạ Long kể lại: “Đạo diễn trở lại vịnh Hạ Long tham quan 2 lần sau đó. Ông ấy cũng chia sẻ nếu có một bộ phim khác thì vẫn sẽ lựa chọn vịnh Hạ Long để khai thác. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta có cơ hội mời được những đoàn làm phim lớn, đạo diễn, nhà văn, nghệ sĩ tới khai thác thì cảnh đẹp vịnh Hạ Long sẽ có thể được quảng bá nhiều hơn, hiệu quả tốt hơn”.

Thực tế đến nay, những sản phẩm du lịch gắn với bộ phim này đều không thành hình. Năm 1992, vịnh Hạ Long cũng là phim trường của bộ phim Đông Dương (Indochine) giúp điện ảnh Pháp đoạt giải Oscar, từng tạo làn sóng hút du khách Pháp tới đây. Tuy nhiên, du lịch Hạ Long cũng không tạo được hiệu ứng “ăn theo” hiệu quả. Năm 2018, một dự án phim trường “khổng lồ” mang bối cảnh lịch sử tại Yên Tử cũng phải huỷ bỏ…

Điện ảnh, chỉ là 1 trong 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hoá mà Quảng Ninh có tiềm năng và lợi thế, như Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, và đặc biệt là Du lịch văn hóa… Công nghiệp văn hoá được Việt Nam xác định là các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, thông qua khai thác những giá trị văn hóa để thu về những nguồn lợi kinh tế. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hoá và dịch vụ văn hoá trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam”. Để phát triển theo “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ, Quảng Ninh có nền tảng vững chắc nhờ tài nguyên văn hoá giàu có.

Những năm gần đây, Quảng Ninh từng bước tạo đột phá trong phát triển KT-XH, là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc và cả nước. Để bảo tồn, phục dựng các giá trị di sản văn hoá, tỉnh đã huy động hơn 4.000 tỷ đồng bao gồm cả nguồn xã hội hoá. Những công trình “nghìn tỷ” như cụm công trình Quảng trường - Bảo tàng, Thư viện – Cung quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh; Khu liên hợp thể thao… đã giúp Quảng Ninh là điểm đến của hàng loạt sự kiện văn hoá, thể thao cấp khu vực và quốc tế như Liên hoan Xiếc thế giới, Tiếng hát ASEAN+3, Ngày hội Yoga quốc tế, SEAGames 31…

Tất cả như một mâm cỗ bày biện đủ đầy, nhưng lại thiếu 1 món ngon nổi bật. Để “điểm mặt chỉ tên” những sản phẩm văn hoá, du lịch văn hoá buộc du khách “phải đến xem”, hoặc là “điểm hẹn” cho người dân, thì có lẽ những lễ hội như Carnaval mỗi mùa hè, hội Hoa sở mỗi mùa đông là chưa đủ.

Hiện, khách du lịch tới Quảng Ninh tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm, năm 2023 đạt 15,5 triệu lượt, trong đó khách quốc tế là 2,1 triệu, tương đương 30% trong tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam. Bà Vũ Thị Hồng Quyên, Giám đốc chi nhánh Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist tại Quảng Ninh cho biết, phần lớn khách du lịch quốc tế họ rất mong có cơ hội để được trải nghiệm, tìm hiểu văn hoá của địa phương mà phải đến tận nơi mới trải nghiệm được chứ không phải là 1 sản phẩm sao chép. “Tuy nhiên nhiều trải nghiệm tại Hạ Long, Yên Tử theo nhìn nhận của chúng tôi hiện nay phần lớn mới chỉ hướng tới khách trong nước. Ví dụ như Bình Liêu, truyền thông tốt nhưng về mặt sản phẩm mới chỉ phù hợp với nhóm nhỏ, khách nội địa”, bà Quyên nhận định.

“Chẳng biết đi đâu, chơi gì, mua gì” là cảm nhận của nhiều du khách quốc tế, khi họ chỉ chi tiêu chừng 1/4 tổng chi phí cho tham quan, giải trí, mua sắm trong khoảng 3 ngày tới Quảng Ninh; còn khách trong nước cũng chỉ thăm vịnh, tắm biển… TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch khẳng định, Quảng Ninh hoàn toàn có thể biến giá trị văn hóa thành sản phẩm hấp dẫn và lôi cuốn du khách, như những câu chuyện riêng về con người, ngư dân, đồng bào các DTTS Tày, Dao, Sán Chỉ: “Chúng ta có thể phát triển từ những lợi thế về văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể mà vừa qua Quảng Ninh chưa phát huy được nhiều. Hiện nay chúng ta vẫn chủ yếu phát triển dựa trên lợi thế tài nguyên là chủ yếu.

Biến “tài sản văn hoá” thành “sản phẩm của công nghiệp văn hoá” vẫn là bài toán khó đối với địa phương. Trong bối cảnh Hà Nội bùng nổ các tour di tích về đêm, Đà Nẵng có thương hiệu festival pháo hoa… thì không ít sản phẩm du lịch văn hoá của Quảng Ninh vẫn lỗi hẹn, còn “kinh tế đêm” vẫn nhạt nhoà, trầm lắng… Hệ thống thiết chế văn hoá chưa thực sự đồng bộ giữa Hạ Long và các khu vực giàu tiềm năng khác, hay chưa “hút” được nhiều “sếu đầu đàn” là các doanh nghiệp đầu tư du lịch đẳng cấp, có sức cạnh tranh cao; thiếu nhân lực chuyên nghiệp cho du lịch văn hoá...  là những điều còn tiếc nuối khác.

Hạ Long giờ đây được nhận định đã bớt “buồn” hơn, khi có thêm nhiều sản phẩm du lịch tăng trải nghiệm cho du khách, ngành du lịch Quảng Ninh phá vỡ tính “mùa vụ” bằng chuỗi sự kiện “từ rừng xuống biển” mỗi năm… Tuy vậy, khi chưa có chiến lược cụ thể về phát triển công nghiệp văn hoá, trọng tâm là du lịch văn hoá tại địa phương, thì có lẽ vẫn còn những tiếc nuối như một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, “khách tới Hạ Long chỉ 2 ngày, 1 đêm, trong khi tới Bangkok có thể là 3 ngày, và hơn thế nữa”.

Năm 2023 là 1 năm bùng nổ của hàng loạt sự kiện âm nhạc tại Hạ Long, Quảng Ninh. Hàng chục show diễn lớn nhỏ bên bờ vịnh Di sản, dưới tán thông xanh với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như 911, Hồ Quỳnh Hương, Mỹ Tâm, Phan Mạnh Quỳnh, Đức Phúc… tựa như “thỏi nam châm” thu hút du khách.

Nhóm nhạc 911 (Anh Quốc) trình diễn trong minishow trên du thuyền vịnh Hạ Long

Các sự kiện âm nhạc đang dần tạo nên hình ảnh mới cho du lịch Hạ Long, cho thấy “sức sống mới” mà những sản phẩm văn hoá có thể “thổi” vào sóng nước và đá núi, bước đầu định vị nên thương hiệu “một điểm đến âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn”. Ông Đào Trọng Tuyên, Tổng Giám đốc Công ty CP Du thuyền 5 sao Tuần Châu, đơn vị vận hành du thuyền với sản phẩm du lịch ẩm thực kết hợp trình diễn thực cảnh, âm nhạc cho biết: “Cảm nhận ẩm thực, nhìn cảnh đẹp bằng mắt, tai cảm nhận nghệ thuật, gắn liền với nhau, điều đó sẽ giúp tăng thêm trải nghiệm cho du khách. Ở chúng ta thì mới đây thôi nhưng nhiều nước đã có phối hợp rất tốt rồi. Chúng tôi đã có kế hoạch đưa thêm nhiều chương trình song hành, show biểu diễn có chất lượng vào hải trình. Đây là định hướng tốt cho tương lai và mang tính bền vững”.

Theo các chuyên gia, điểm sáng “hát giữa kỳ quan” này càng khẳng định, Quảng Ninh cần sớm ban hành và tổ chức triển khai chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như là một yêu cầu bức thiết.

GS. TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, với nền tảng là “mỏ vàng” di sản văn hoá và môi trường thuận lợi tạo dựng qua nhiều năm, Quảng Ninh phải chuẩn bị sẵn sàng các sản phẩm trọng điểm và tranh thủ thời cơ, như cơ hội liên kết từ việc Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long mở rộng sang quần đảo Cát Bà, hay phối hợp đệ trình Yên Tử - Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới.

Trong kế hoạch thì xác định chọn ít thôi, nhưng phải bao quát, tạo ra hệ thống sản phẩm có chất lượng. Tập trung vào việc quảng bá, ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin để mà giới thiệu với du khách. Người ta có thể vào mạng để tìm hiểu hết, sau đó người ta sẽ quyết định khách sạn nào, mua sản phẩm gì... Phát triển tại chỗ, nguồn nhân lực tại chỗ, nguồn vật lực tại chỗ mới là yếu tố quyết định”, ông Bền khuyến nghị.

Cải thiện, nâng cấp hạ tầng văn hoá để phục vụ cho công nghiệp điện ảnh; khuyến khích, phát huy đội ngũ nghệ sĩ địa phương vốn có thương hiệu để tổ chức các sự kiện âm nhạc, show trình diễn quy mô, hấp dẫn; tạo ra các khu vực ẩm thực đặc trưng… là những khuyến nghị khác. Trong đó, quan trọng phải có cơ chế hỗ trợ hiệu quả, như ưu đãi thuế, quỹ tài trợ, thủ tục hành chính…

“Phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao” hiện đã được BCH Đảng bộ Quảng Ninh xác định là 1 trong 3 khâu đột phá trong Nghị quyết riêng về lĩnh vực văn hoá - Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”.

Đặc biệt, từ nền tảng là các chủ trương của Đảng, Chính phủ, các Nghị quyết tại địa phương, UBND tỉnh đang phối hợp Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xây dựng Đề án thí điểm phát triển công nghiệp văn hóa tại tỉnh Quảng Ninh, trong đó xác định rõ các lĩnh vực trọng tâm.

“Khi cảm nhận được nhiệt huyết và sự đón nhận nồng nhiệt của con người Quảng Ninh thì chắc chắn những nghệ sĩ sẽ tới đây, thực hiện những tác phẩm để đời của họ. Tôi mong rằng những bạn trẻ sẽ quan tâm cùng xây dựng nên cộng đồng văn hoá nghệ thuật trẻ trung của tỉnh, để du khách biết đến nhiều hơn về văn hoá Quảng Ninh – một thương hiệu của Quảng Ninh đang phát triển mạnh mẽ và chưa bao giờ ngừng lại”.

Mong muốn của Trung uý, Nhạc sĩ trẻ Bùi Tuấn Ngọc (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) - 1 người con Quảng Ninh cũng chính là mục tiêu mà địa phương đang đề ra, để khơi dậy và phát huy các giá trị văn hoá và con người nơi đây, tạo động lực và nguồn lực cho sự phát triển nhanh, bền vững thời gian tới. Bứt phá từ công nghiệp văn hoá, nguồn lợi thu được không chỉ là lợi ích kinh tế mà còn để các giá trị truyền thống “sống” trong mỗi người, khẳng định dấu ấn riêng của “thương hiệu Quảng Ninh” trong sự phát triển chung của dân tộc./.

“Ai về quê hương tôi Quảng Ninh” - “tấm vé mời” của người con Quảng Ninh gửi đến du khách muôn nơi (Bùi Tuấn Ngọc Official)


Thứ Năm, 06:16, 28/03/2024