Biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước đang đe dọa cuộc sống của người dân Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL)… bắt buộc họ phải thay đổi thói quen, tập quán sinh hoạt, sản xuất để thích ứng và “thuận thiên”.
Với diện tích khoảng 4 triệu ha và nằm ở hạ lưu sông Mekong, ĐBSCL là vựa lúa lớn có trọng trách đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước.Thế nhưng, những năm qua, khu vực ĐBSCL phải chịu tác động mạnh từ sự biến đổi khí hậu khi thường xuyên bị sạt lở, hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng; triều cường và bão mạnh ngày càng bất thường. Đặc biệt, dòng sông, con nước không được các quốc gia thượng nguồn sông Mekong chia sẻ một cách công bằng. Thực tế này đòi hỏi người dân của vùng đất Chín Rồng phải thay đổi thói quen sinh hoạt, sản xuất… để thích ứng.
Khu vực ĐBSCL thường xuyên bị sạt lở, hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng (Ảnh VTC)
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học đánh giá đây là Nghị quyết "vàng", đóng vai trò ngọn cờ đi đầu, là kim chỉ nam để người dân, doanh nghiệp và các cấp chính quyền phát huy tính sáng tạo, chủ động thích ứng hiệu quả nhất, với nhiều mô hình, sáng kiến hay để ĐBSCL phát triển bền vững.
Năm 2016, biến đổi khí hậu đã để lại hậu quả nặng nề cho ĐBSCL, những cánh đồng chết khô, những đàn trâu chết khát, nước sạch thì đắt như vàng, nước biển tràn vào nhà cửa, cuộc sống của người dân tại nhiều tỉnh ở ĐBSCL đã bị đảo lộn hoàn toàn.
Đầu năm 2020, nước mặn tràn sâu vào nội địa hơn đỉnh điểm trận hạn mặn năm 2016. Hạn mặn diễn ra gay gắt khiến một vùng lớn lúa rau màu, thủy sản của 7 tỉnh ven biển ĐBSCL và các địa phương lân cận bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Khó khăn lắm anh Nguyễn Tấn Đạt ở xã Phú Đông - huyện Tân Phú Đông - tỉnh Tiền Giang mới dẫn được lượng nước ít ỏi về đồng. Thế nhưng nước về rồi lại không dám tưới, anh Đạt đành ngậm ngùi nhìn hơn 3ha sả của gia đình đang gần đến vụ thu hoạch mà không thể đạt sản lượng như mong muốn.
Cùng chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, ruộng nuôi tôm của gia đình ông Bảy tại xã Phước Long, huyện Phước Long tỉnh Bạc Liêu tôm đang chết dần. Ông Bảy cho biết những năm trước, độ mặn cao nhất cũng chỉ lên tới 17 phần nghìn, ở mức mặn này tôm còn có thể chịu được. Còn năm nay, độ mặn đo dưới ao đã trên 20 phần nghìn, không tôm nào chịu nổi. Hạn mặn gia tăng khiến nhiều người nuôi tôm như ông trở tay không kịp.
Theo ông Tăng Quốc Chính – Vụ trưởng Vụ Kiểm soát thiên tai (Tổng Cục PCTT – Bộ NN-PTNT) cho rằng, hàng loạt vấn đề như gia tăng khai thác nước ngầm, khai thác cát… dẫn đến sụt lún, mực nước biển vào sâu, gây sạt lở bờ sông bờ biển ở ĐBSCL. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà ven sông tác động đến chính dòng chảy của các tuyến sông và nó gia tăng áp lực lên bờ sông, gây sạt lở.
Chia sẻ về những khó khăn mà ĐBSCL đang phải gánh chịu, bà Sylvie Franchette cho rằng,đây thực sự là một hiểm họa. Những gì đang diễn ra ở khu vực ĐBSCL là một câu chuyện rất phức tạp, vì thế, chúng ta phải tìm hiểu những lý do nào đã dẫn tới tình hình này, và cần phải tiến hành phân tích ở các quy mô khác nhau.
“Chúng ta cần nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của khu vực này. Đây là địa bàn di cư mới chỉ tồn tại 3 thế kỷ, khác hẳn với khu vực đồng bằng sông Hồng. Vì thế chúng ta cần hiểu được sự khác biệt đâu là những điểm nóng có nguy cơ cao của địa bàn này về mặt thời gian và không gian, thì khi đó chúng ta mới hiểu được hàng loạt các lý do dẫn tới những gì đang xảy ra ở đây, và có như vậy mới giải quyết được vấn đề”.
Là người thường xuyên cập nhật số liệu quan trắc ở ĐBSCL, PGS.TS Lê Anh Tuấn – nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) đưa ra con số cho thấy rằng trong 20 năm qua số trận lũ lớn đã giảm, trận lũ nhỏ gia tăng. “Điều này cho thấy một khi mùa mưa giảm đi thì mặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền mùa khô. Tác động của sự khô hạn và mặn xâm nhập gây thiệt hại đáng kể cho ĐBSCL. Trong năm 2020, hơn 160.000 ha đất bị bỏ hoang, gần 100.000 gia đình thiếu nước ngọt, thiệt hại về kinh tế lên tới hơn 5.500 tỷ đồng. Ngoài ra có rất nhiều điểm sạt lở gia tăng và có khoảng 1.100 điểm sạt lở ở vùng ven sông, ven biển, nhiều diện tích cây ăn trái, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại” - ông Lê Anh Tuấn nói.
Tác động của sự khô hạn và mặn xâm nhập gây thiệt hại đáng kể cho ĐBSCL (Ảnh VTC)
Do lũ về chậm, nhiều năm nay bên cạnh trồng lúa anh Đặng Thanh Phong ở xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đã chọn trồng ớt luân phiên, chỉ sau 2,5 tháng, ớt có thể cho thu hoạch. Không những tạo nguồn thu nhập cho gia đình mà còn tạo được việc làm cho hàng chục người dân địa phương lúc nông nhàn.
Ớt là cây có khả năng chịu hạn tốt, lại cho thu hoạch nhiều lần trong vụ vì thế mà hiện nay nhiều hộ gia đình tại huyện Thanh Bình đã tham gia mô hình này. Đây cũng là mô hình nằm trong Tiểu dự án nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững thích ứng BĐKH cho cùng Đồng Tháp Mười được triển khai từ năm 2016 tại 3 huyện Thanh Bình, Hồng Ngự, Tam Nông và TP Hồng Ngự của tỉnh Đồng Tháp được sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới.
Gia đình anh Nguyễn Văn Vương tại xã Phú Thọ - huyện Tam Nông, Đồng Tháp đã triển khai mô hình 2 lúa - vịt - cá đồng khi lũ ít từ nhiều năm nay, theo anh mô hình này không chỉ mang lại lợi nhuận cao từ cây lúa so với canh tác truyền thống vì giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật mà còn tạo thêm sinh kế giải quyết nhu cầu việc làm cho nông dân trong mùa nước với nguồn thu nhập từ trữ cá tự nhiên trên cánh đồng. Không còn phải lo lắng về sinh kế như trước đây, cũng không còn phải mong mỏi đợi chờ những cơn lũ, gia đình anh cũng hoàn toàn chủ động trong việc làm lúa và chăn nuôi, cuộc sống giờ đây đã có của ăn của để.
Tỉnh Tiền Giang - một trong những địa phương khô hạn nhất ĐBSCL, người dân đã có nhiều sáng kiến trong sản xuất để thuận thiên và thích ứng với sự thay đổi của khí hậu. Gia đình Ông Võ Văn Kiến xã Ninh Phước huyện Gò Công Đông - tỉnh Tiền Giang có 5ha trồng thanh long, vào mùa khô này, ông đã đầu tư hệ thống trữ nước bằng túi nilon dẫn vào tận ruộng. Nước được trữ trong hệ thống túi nilon sẽ bốc hơi ít hơn nước dẫn vào các kênh đào, thêm vào đó việc tưới tiêu cũng thuận lợi hơn.
Con nước không về, xâm nhập mặn đến sớm và độ mặn cao sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất của người dân. Sự chủ động ở mỗi địa phương là điều bắt buộc trong tình hình mới để ứng phó thiên tai trong điều kiện mới. Trong thời gian tới, nhiều dự án trong nước và có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục được triển khai để bảo đảm giúp người dân ĐBSCL chủ động sản xuất giảm thiểu thiệt hại tối đa do những thay đổi của thời tiết mang lại.
Sự chủ động ở mỗi địa phương là điều bắt buộc trong tình hình mới để ứng phó thiên tai trong điều kiện mới (Ảnh VTC)
“Thuận thiên được hiểu là chúng ta không nên tác động quá vào điều kiện tự nhiên. Thực tế cho thấy, nếu chúng ta tác động nhiều, mà không chỉ ĐBSCL đối với các vùng khác nữa đều có thể gây ra thảm họa” – ông Tăng Quốc Chính lý giải.
Chúng ta đã phân vùng ĐBSCL thành 3 vùng: Vùng ngọt - Vùng thượng đồng bằng; Vùng giữa - Vùng ngọt lợ; Vùng ven biển - Vùng mặn. Thủ tướng đã đề nghị chúng ta phải coi lợ - mặn cũng là tài nguyên. Thực tế chúng ta đã triển khai một loạt giải pháp để thuận thiên, chuyển từ tập trung sản xuất lúa gạo sang phát triển thủy sản và cây ăn trái, áp dụng các mô hình sản xuất công nghệ cao phù hợp với tự nhiên.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Anh Tuấn,những chuyển đổi hiện nay ở ĐBSCL còn mang tính nhỏ lẻ và tự phát, chưa có sự hỗ trợ nhiều của chính quyền hay các nhà khoa học.
Ở góc độ quản lý, theo nhìn nhận của bà Sylvie Franchette, hiện không có một khu vực hành chính nào cho khu vực ĐBSCL để chúng ta có thể thành lập một chương trình có quy mô bảo vệ toàn bộ các Tỉnh ở khu vực này. “Ở Việt Nam, các bạn có Chính quyền Trung ương, sau đó là các tỉnh thành phố, nhưng lại không có các khu vực. Trong khi đó các tỉnh lại cạnh tranh với nhau, cạnh tranh để thu hút đầu tư nước ngoài. Ai đó đã từng nói, các tỉnh đều muốn có sân bay, khu công nghiệp nhưng trong khi đó các bạn chưa có một chính sách tổng thể ở cấp độ khu vực để bảo vệ cũng như quản lý tốt hơn ĐBSCL. Đây là một điểm cần nhấn mạnh để phát triển tốt hơn khu vực ĐBSCL” bà Sylvie Franchette nói.
Nghị quyết 120 của Chính phủ được các nhà khoa học đánh giá là Nghị quyết "vàng" đã đóng vai trò là ngọn cờ đi đầu, là kim chỉ nam để người dân, doanh nghiệp và các cấp chính quyền phát huy tính sáng tạo, chủ động thích ứng một cách có hiệu quả nhất, với nhiều mô hình, sáng kiến hay để ĐBSCL phát triển bền vững. Mặc dù kịch bản BĐKH nhận định về khu vực này sẽ bị ảnh hưởng rất lớn nhưng tất cả đều tin tưởng rằng ĐBSCL sẽ đứng vững nhờ những giải pháp được triển khai cấp bách ngay từ bây giờ./.