Nhân dịp bước sang năm mới, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ những trăn trở, mục tiêu và nhiệm vụ trong năm tới. Theo ông, Bộ GD-ĐT luôn xác định mắt xích quan trọng nhất trong đổi mới giáo dục là giáo viên. Do đó, toàn ngành giáo dục đang nỗ lực cải thiện thu nhập, môi trường làm việc, chính sách ưu đãi, giúp thầy cô yên tâm dạy học.
PV: Ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới toàn diện, một trong những thách thức lớn trong giai đoạn hiện nay là tình trạng thiếu giáo viên, theo Bộ trưởng đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Ngành Giáo dục đã phối hợp với ngành Nội vụ tính toán và xác định số lượng giáo viên từ nay đến năm 2026 cần phải bù đắp, bổ sung khoảng 107.000 giáo viên. Con số có thể còn biến động trong thực tế. Con số này cần tính toán để đảm bảo vừa duy trì hoạt động dạy và học bình thường và hơn thế, là tính toán để thực hiện các mục tiêu đổi mới, mục tiêu nâng cao chất lượng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên. Thiếu giáo viên vốn do từ nhiều năm về trước đã thiếu, do số lượng bỏ việc, giảm biên chế, do nhiều năm không tuyển, tuyển nhỏ hơn số cần, do thừa thiếu cục bộ khó điều tiết, thiếu do tăng dân số tự nhiên. Nếu lấy mốc thời gian từ tháng 9/2015, khi bắt đầu năm học 2015-2016 thì tổng số học sinh là trên 19 triệu, nhưng đến tháng 9/2022 thì số học sinh là trên 23 triệu. Trong khi đó, số giáo viên tại tháng 9/2015 là 1.156.000 giáo viên bậc mầm non đến phổ thông, đến thời điểm tháng 9/2022, cả nước có 1.227.000 giáo viên. Số giáo viên như vậy chỉ thêm khoảng 71.000 người, trong khi số học sinh đã tăng trên 3 triệu.
Thiếu giáo viên do biến động dồn dịch về dân số, một số vùng miền dồn về các thành phố lớn và các khu công nghiệp. Thiếu giáo viên do vấn đề dịch bệnh tác động đến các trường mầm non phải đóng cửa, đặc biệt là các nhóm trẻ tư thục dẫn đến giáo việc buộc phải nghỉ việc. Thiếu do nhu cầu để thực hiện phổ cập mầm non. Thiếu do việc tăng từ học 1 buổi lên 2 buổi/ngày. Thiếu do chuẩn về tỷ lệ giáo viên trên học sinh và số học sinh trên lớp để đảm bảo chuẩn 35 học sinh/lớp ở tiểu học và 45 học sinh/lớp ở bậc trung học. Chuẩn này đã được xác định từ năm 2010 và đến năm 2019, trong điều lệ trường tiểu học, điều lệ trường trung học đã nhắc lại.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên - do biến động dồn dịch về dân số, một thời gian dài không tuyển, không tuyển được, do số lượng bỏ việc, giảm biên chế, ...
Thiếu giáo viên còn do nhiều nguyên nhân như một thời gian dài không tuyển, không tuyển được, nhiều nơi dồn vài ba năm mới tuyển. Mặt khác còn vấn đề thiếu nguồn tuyển hoặc có nguồn đã được đào tạo nhưng không dự tuyển vì chọn các ngành khác. Thiếu giáo viên do phải triển khai một số môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất, kỹ năng của người học. Chẳng hạn như môn Tin học, Ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3 vào năm 2022, còn học sinh THPT học môn Mỹ thuật, Âm nhạc. Theo con số thống kê thì chỉ số giáo viên dành cho các môn học mới đến năm 2025, 2026 thiếu khoảng hơn 26.000 giáo viên.
PV: Năm qua, một lượng lớn giáo viên nghỉ việc, theo Bộ trưởng, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Hiện mức thu nhập của giáo viên mầm non và tiểu học ra trường sau 5 năm công tác bình quân đạt 4,5 đến 4,7 triệu đồng, đã tính cả lương và phụ cấp ưu đãi 35%. Còn với những người mới tuyển vào hệ thống, thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng trong 2-3 năm đầu.
Giáo viên mầm non ở các vùng đặc biệt khó khăn, được trợ cấp ưu đãi 70%, cộng thêm phụ cấp thu hút của địa phương hoặc làm việc tại các trường chuyên biệt (trường cho trẻ em cần chăm sóc đặc biệt) thì lương sau 5 năm công tác có thể đạt 6 triệu đồng, nhưng số lượng không nhiều.
Một số giáo viên chia sẻ với tôi, đi làm cả chục năm, cuối tháng nhận lương 5 - 6 triệu đồng, rút ra đóng tiền học cho hai con hết 3 triệu. Số tiền ít ỏi còn lại chỉ đủ để các thầy cô đi chợ chừng nửa tháng. Ngoài giờ lên lớp, nhiều giáo viên lại chạy đôn chạy đáo làm thêm các nghề khác để kiếm tiền lo cho gia đình. Việc mua nhà, nuôi con trở thành nỗi ám ảnh với nhiều nhà giáo, đặc biệt là ở thành phố lớn.
Các giáo viên mầm non, tiểu học phải đến trường từ rất sớm để đón học sinh, lo cho các cháu từ bữa ăn, giấc ngủ, học hành. Một ngày làm việc của những thầy cô này thường rất dài, người ở xa trường có khi từ 6h sáng đến 6h tối. Trong khi đó, đồng lương họ nhận được vẫn không lo nổi cuộc sống.
Chỉ 10 tháng đầu năm 2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành. Tỷ lệ lớn thầy cô bỏ việc là ở khối mầm non, tiểu học. Nguyên nhân chủ yếu là lương quá thấp, trong khi công việc quá nhiều vì giáo viên phải vừa dạy, vừa dỗ, vừa chăm sóc học sinh. Một số tỉnh đưa ra chỉ tiêu nhưng không tuyển dụng được vì không có nguồn; hoặc có nguồn nhưng nhiều người lại chọn làm việc khác có thu nhập cao hơn.
Bộ GD-ĐT xác định giải pháp đầu tiên khắc phục tình trạng trên phải cấp bách tăng lương và phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, nhất là khối mầm non, tiểu học. Tôi cũng mong các địa phương hỗ trợ nhiều hơn đến nhóm giáo viên hiện nay chưa được quan tâm, đó là những cô giáo dạy mầm non tư thục theo mô hình nhóm trẻ.
PV: Liệu giải pháp tăng lương, tăng phụ cấp cho giáo viên có giải quyết được tận gốc tình trạng giáo viên nghỉ việc, thiếu giáo viên và thu hút người tài vào ngành sư phạm hay không? Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai những giải pháp nào để khắc phục
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Để giải quyết vấn đề này, vừa qua Bộ Chính trị đã duyệt giao cho ngành Giáo dục hơn 65.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên từ nay đến năm 2026, riêng năm 2022 chỉ tiêu biên chế là hơn 27.000 giáo viên. Các Sở Nội vụ của các địa phương đã bắt đầu công việc tuyển dụng giáo viên. Ngoài việc thiếu chỉ tiêu, các địa phương còn tồn đọng hơn 10.000 chỉ tiêu chưa tuyển dụng, do đó, các địa phương vừa tuyển dụng mới, vừa tuyển dụng số lượng còn tồn đọng này.
Một trong các chính sách rất quan trọng là tăng lương cho giáo viên, chính sách này đang được Chính phủ tính toán, sẽ là giải pháp quan trọng để giải quyết đời sống, tâm lý giáo viên, để giáo viên yên tâm công tác.
Giáo viên thiếu nhiều nhất và bỏ việc nhiều nhất là ở bậc mầm non, số nghỉ việc ở bậc mầm non chiếm trên 40%. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đã đề xuất điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non. Theo đó, Bộ GD-ĐT đề nghị mức phụ cấp 70% áp dụng cho giáo viên mầm non đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; mức 100% áp dụng cho giáo viên mầm non đang trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non ở các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo, xã biên giới theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Một chính sách nữa để giải quyết thiếu giáo viên là cân nhắc việc giảm biên chế 10%. Ngoài ra các địa phương cần giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng để đảm bảo công khai, công bằng, tránh phát sinh tiêu cực trong tuyển dụng giáo viên. Tiêu cực trong tuyển dụng cũng có thể là một trong những lý do khiến nhiều người không muốn ứng tuyển. Đây là điều hết sức lưu ý, đề phòng. Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các địa phương tăng cường dùng ngân sách địa phương để ký các hợp đồng đối với giáo viên mà không thuộc các chỉ tiêu biên chế.
PV: Để nâng cao chất lượng giáo dục, giáo viên là thành tố đóng vai trò tiên quyết, không chỉ cần đủ về số lượng mà còn cần không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ, trong năm 2023, Bộ GD-ĐT sẽ có những hướng đi nào trong việc này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Mục tiêu của chúng tôi là phát triển đội ngũ nhà giáo, bao gồm đủ về số lượng và ngày càng được cải thiện, ngày càng được nâng cao về chất lượng, trình độ, phẩm chất, năng lực.
Về phương diện số lượng, chúng tôi có rất nhiều các kiến nghị về chính sách. Trong đó, rất mừng là nhận được sự ủng hộ từ phía Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Ban tổ chức Trung ương, các Bộ, ngành, … Cho nên chúng tôi đã được bổ sung một lượng chỉ tiêu giáo viên rất lớn - hơn 65.000 giáo viên. Trong bối cảnh cả nước đang phải giảm số lượng biên chế bộ máy thì điều này thể hiện sự quan tâm, sự ưu ái đối với ngành Giáo dục.
Phát triển đội ngũ nhà giáo, bao gồm đủ về số lượng và ngày càng được cải thiện, ngày càng được nâng cao về chất lượng, trình độ, phẩm chất, năng lực.
Việc của chúng tôi là phối hợp với Bộ Nội vụ, trong thời gian từ nay đến một vài năm tới sẽ tổ chức các kỳ tuyển dụng giáo viên, giảng viên một cách tối ưu, tuyển đúng người, công bằng, công khai, minh bạch, chất lượng tốt nhất, đảm bảo bù đắp cho số giáo viên nghỉ hưu, số giáo viên chuyển việc cũng như đáp ứng được một phần yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy những môn học mới.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiến hành việc rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, rà soát các chế độ chính sách, các quy định đối với đội ngũ nhà giáo để đảm bảo nhà giáo được phát huy tốt nhất sự sáng tạo trong công việc giảng dạy. Giáo viên thấy hào hứng với công việc là điều rất tốt cho người học.
Trong các chế độ chính sách với nhà giáo, chúng tôi đặc biệt quan tâm, bằng mọi cách cố gắng để có thể cải thiện về phương diện đời sống của nhà giáo và hy vọng rằng trong thời gian sắp tới sẽ đem lại được kết quả khả quan.
Để đảm bảo nguồn tuyển đối với giáo viên cho nhiều năm về sau, ngành Giáo dục cũng đã có những chính sách thúc đẩy việc đào tạo giáo viên và chuẩn bị nguồn học sinh vào học các trường đại học sư phạm.
Việc triển khai Nghị định 116 đặt hàng đào tạo giáo viên, sau 2 năm triển khai đang gặp một vài khó khăn trong áp dụng thực tế, đặc biệt việc đặt hàng đào tạo từ các địa phương. Vì vậy chúng tôi cũng đang đề xuất Chính phủ về việc điều chỉnh Nghị định 116 cho phù hợp với tình hình thực tiễn, thực hiện tốt nhất việc chuẩn bị đội ngũ trong thời gian sắp tới.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xem xét những phương diện liên quan đến công tác tư tưởng xây dựng môi trường văn hóa học đường, đổi mới quản trị của các trường học, nhằm đảm bảo đội ngũ giáo viên có môi trường làm việc tốt nhất. Đương nhiên có rất nhiều việc phải làm để có thể phát triển được đội ngũ, trong đó từ việc chuyên môn như tập huấn, nâng cao trình độ cho đến các chế độ, chính sách chăm lo đời sống giáo viên.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng./.