Các chuyên gia cho rằng, tự chủ bệnh viện hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc nhà nước giảm chi, các bệnh viện khoác lên mình “một chiếc áo hão danh vô thực”, chưa giải phóng được sức sáng tạo của đội ngũ, không tăng được hiệu quả hoạt động.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K chuyển từ tự chủ toàn diện sang tự chủ chi tiêu thường xuyên.
Theo báo cáo, sau gần 3 năm thực hiện tự chủ toàn diện, Bệnh viện Bạch Mai - bệnh viện hạng đặc biệt - thiếu trang thiết bị y tế trầm trọng về chẩn đoán hình ảnh, thiết bị chuyên ngành ung bướu và y học hạt nhân. Riêng với chẩn đoán tiêu hóa, hàng ngày có 800 - 1.000 bệnh nhân có chỉ định nội soi nhưng chỉ đáp ứng khoảng 50 - 70%, do hệ thống đã xuống cấp. Trang thiết bị thiếu thốn, thu không đủ bù chi, điều này dẫn đến thu nhập của cán bộ nhân viên y tế giảm. Hơn 100 cán bộ chuyên môn giỏi của bệnh viện, nhiều bác sĩ, điều dưỡng có chuyên môn giỏi dịch chuyển sang hệ thống tư nhân.
Với việc chuyển sang thực hiện tự chủ chi tiêu thường xuyên theo Nghị định 60 của Chính phủ sẽ giúp bệnh viện được đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và không phải đóng thuế đất hàng năm. Theo đại diện các bệnh viện, chủ trương tự chủ bệnh viện là đúng và điều này sẽ giúp ngành y tế đảm bảo nguồn kinh phí để phát triển. Nhưng để các bệnh viện thực hiện tự chủ một phần, thường xuyên hay toàn diện thì cần phải có một hành lang pháp lý cụ thể.
Nói về tự chủ bệnh viện, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, cho rằng: “Tự chủ cũng giống như một dòng sông, được khơi thông thì con thuyền là các bệnh viện công đi trên đó sẽ được an toàn và rất tiện lợi, còn nếu chúng ta xác định không cẩn thận thì rất dễ bị đánh đắm thuyền.
Thực tế hiện nay cơ chế cho các bệnh viện tự chủ vừa rồi như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K gần như bị “đắm thuyền” vì cơ chế không đầy đủ, không đến nơi đến chốn. Đặc biệt là 2 vấn đề lớn trong tự chủ về con người và vấn đề kinh phí đều không giải quyết được”.
Tự chủ nhưng không tự quyết
Trao đổi với VOV.VN về nội dung này, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an tòan thực phẩm TP.HCM; Chủ tịch Hội dược học, Phó Chủ tịch Hội đông y TP.HCM, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, về nguyên tắc, khi chuyển sang tự chủ, bệnh viện sẽ được tự quyết mọi hoạt động từ chuyên môn đến nhân sự, tài chính, thay cho cơ chế “bao cấp” - nhà nước quyết thay tất cả mọi việc, không phát huy được nội lực của bệnh viện. Thế nhưng trên thực tế, khi các bệnh viện chuyển sang tự chủ vẫn chưa được tự quyết bất cứ điều gì.
“Mục đích của tự chủ bệnh viện là để nhà nước rút dần vai trò của mình, để các bệnh viện tự quyết, nhưng hiện nay chúng ta lại đang hiểu đơn giản tự chủ là nhà nước cắt hết toàn bộ nguồn ngân sách, các bệnh viện phải tự lo nguồn thu. Nếu làm như vậy, trong ngành giáo dục khi tự chủ sẽ “đổ vào đầu học sinh, còn y tế đổ vào đầu người bệnh”, chính là nguồn tiền thu được từ khám chữa bệnh dịch vụ. Với các bệnh viện tự chủ toàn phần sẽ tự lo mua sắm trang thiết bị, nhưng với các bệnh viện tự chủ 1 phần thì nhà nước vẫn lo phần này nhưng rất chậm. Để thông qua một dự án, mua được một cái máy, đến khi máy về đến nơi có khi công nghệ đó đã lạc hậu vì quá lâu.
Bên cạnh đó, vấn đề cốt lõi nhất khi tự chủ bệnh viện là tự quyết định nhân sự, nguồn lực nhưng thực tế cũng không được quyền tự quyết.
Về mặt tài chính, mỗi đồng tiền nhập vào bệnh viện đều có quy định rõ ràng, toàn bộ các dịch vụ khác ở bệnh viện từ trông giữ xe cho đến căng tin hàng ngày đều có kho bạc đến thu, bệnh viện hoàn toàn không được giữ và đóng 20% thế doanh nghiệp”.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, tự chủ bệnh viện hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc nhà nước giảm chi, các bệnh viện khoác lên mình “một chiếc áo hão danh vô thực”, chưa giải phóng được sức sáng tạo của đội ngũ, không tăng được hiệu quả hoạt động.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, mục đích của tự chủ là giải phóng con người, giải phóng chất xám, để các đơn vị tự tin hơn, dám làm dám chịu trách nhiệm với những gì mình làm. Do đó, cần sớm có tổng kết việc tự chủ bệnh viện để đưa ra các giải pháp.
“Tại sao cần tự chủ bệnh viện, việc này cũng giống như xóa đi cơ chế quan liêu bao cấp đã trói buộc bao năm nay, nếu không thay đổi, hệ thống bệnh viện công sẽ lụi tàn, lạc hậu. Nhưng hiện nay khi tự chủ nhưng lại làm không tới, chỉ tập trung vào việc nhà nước cắt lương, nên mới thất bại. Về lâu dài không thể chấp nhận việc cứ không tự chủ được lại quay về cơ chế cũ mà cần tính toán để tự chủ thực sự đi vào cuộc sống, phát huy được nội lực của ngành”, bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.
Với thực tế hiện nay, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, nên chọn một số đơn vị thực hiện thí điểm tự chủ, được quyết toàn bộ các vấn đề về nhân sự, thậm chí được tự chọn giám đốc bệnh viện. “Dư luận vẫn râm ran mỗi ghế giám đốc bệnh viện sẽ mất bao nhiêu tiền để chạy, rõ ràng nếu phải bỏ vốn để đầu tư thì khi nhận chức sẽ có nhiều cách để lấy lại vốn, tiêu cực cũng phát sinh từ đó. Tuy ghế giám đốc bệnh viện khổ nhưng vẫn có giá. Nếu không giải quyết được điều này sẽ mãi phát sinh tiêu cực”.
tự chủ không có nghĩa là nhà nước buông ra
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) cho rằng, nhiều bệnh viện sau một thời gian tự chủ đã xin thôi bởi khi quyết định tự chủ, các bệnh viện này gặp phải vấn đề về nguồn thu, không đủ lực để hấp dẫn y bác sĩ, không đảm bảo vận hành bệnh viện. Từ việc này cũng cần xem xét lại cách hiểu về tự chủ hệ thống bệnh viện.
“Tự chủ không có nghĩa là buông ra. Nếu chúng ta buông ra, thì ai sẽ gánh gánh nặng chăm sóc người nghèo, người khó khăn? Do vậy, theo tôi hiểu, tự chủ là nguồn tài chính của nhà nước dành cho các bệnh viện tuyến đầu, bệnh viện trọng điểm phải được bảo đảm, tuy nhiên nên chuyển sang một hình thức đầu tư khác. Thay vì hàng năm nhà nước cấp ngân sách, thì bệnh viện có thể đặt hàng ngân sách. Ngân sách này dành cho các đối tượng nghèo, hoặc để nâng cao cơ sở vật chất, phần còn lại bệnh viện kinh doanh thêm thì chúng ta nên khuyến khích.
Nhưng khuyến khích phải có định hướng, việc kinh doanh này vẫn phải tuân thủ theo tôn chỉ mục đích của bệnh viện là chăm sóc sức khỏe người dân. Nếu thị trường hóa hoàn toàn thì từ việc giữ xe, việc bán thuốc cho bệnh nhân sẽ bị phân hóa giàu nghèo. Khi đó, bước chân vào bệnh viện, thay vì cảm thấy được xoa dịu nỗi đau, chữa trị bệnh tật thì người dân lại cảm thấy tổn thương, đau đớn vì sự phân biệt giàu nghèo ấy”, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cần hiểu tự chủ cho đúng. Nếu hiểu tự chủ là tạo mọi điều kiện cho bệnh viện ấy phát huy tính sáng tạo trong điều kiện đặc thù của mình để phục vụ người dân tốt hơn thì mới đáp ứng đúng tính chất của tự chủ. Còn nếu tự chủ chỉ là giao khoán cho các bệnh viện tự lo tài chính thì có thể gặp các rủi ro, sai sót. Phần lớn bệnh viện xin quay lại chế độ bao cấp vì lí do này. Đối với đội ngũ y bác sĩ chất lượng cao của ngành y, Đảng và Nhà nước phải có cơ chế bảo vệ, thay vì để họ tư xoay sở như hiện nay.
Đứng trước những văn bản, quy định chồng chéo lên nhau, các bệnh viện có thể gặp khó khăn lớn trong việc giải quyết các vấn đề tài chính. Do vậy, bên cạnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định, trục lợi cá nhân, cũng phải xem xét đến việc sai sót, lỗi kỹ thuật của các bác sĩ trong việc đáp ứng các chính sách, quy định làm việc.
“Các bác sĩ thăng chức từ trưởng khoa lên phó giám đốc, giám đốc bệnh viện rất nhanh bởi sự chuyển tiếp thế hệ. Nhiều khi cứ giỏi chuyên môn là lên, mà không căn cứ vào năng lực quản lý của họ. Trước các quy định của Nhà nước và trước bài toán tăng nguồn thu cho bệnh viện, rủi ro rất có thể xảy ra bởi khả năng quản lý của các bác sĩ”, ông Nghĩa nói.
Để tự chủ bệnh viện, theo ông Đỗ Chí Nghĩa, cần rà soát lại tất cả các điều luật, điều luật về nhân công, Luật Công chức viên chức, Luật Đấu thầu, tất cả cần làm rõ. Bên cạnh đó, cũng phải có quy định rất rõ bệnh viên được làm gì và không được làm gì. Nếu không tích hợp các quy định đó thành một hệ thống rõ ràng, cụ thể mà tản mát chỗ này chỗ kia một vài quy định thì rủi ro rất lớn.
Bên cạnh đó, tại một số bệnh viện cũng nên thí điểm để có lãnh đạo quản lý về hành chính điều hành riêng và một người đứng đầu phụ trách về chuyên môn. Ở các bệnh viện hiện nay 2 vai trò này vẫn do 1 người đảm nhiệm. Quốc hội có thể ra nghị quyết thử nghiệm chính sách này, sau 3 -5 năm thực hiện tổng kết đánh giá lại kết quả. Các bệnh viện tuyến huyện có thể chưa cần, nhưng từ tuyến tỉnh trở lên rất nên thí điểm phương thức quản lý này.
Giải trình trước Quốc hội về vấn đề tự chủ bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc xây dựng đơn vị sự nghiệp tự chủ nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị Nhà nước giao, hình thành danh mục tự chủ để từ đó xác định được nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn khác phục vụ cho đơn vị tự chủ và chủ động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.
Danh mục được xây dựng trên nguyên tắc đối với dịch vụ thiết yếu thì Nhà nước đảm bảo kinh phí, dịch vụ cơ bản thì Nhà nước hỗ trợ kinh phí, dịch vụ đặc thù theo cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu để tạo điều kiện cho các đơn vị ngoài công lập tham gia.
Tự chủ tài chính chủ yếu rơi vào giáo dục - đào tạo, y tế và khoa học - công nghệ. Trong đó giáo dục và y tế là hai trụ cột an sinh và “người dân được nhờ ở hai lĩnh vực này”.
Nhấn mạnh nếu phục vụ không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, sức khoẻ nhân dân cũng như việc học tập của con em, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập 2 lĩnh vực giáo dục - đào tạo và y tế cần rất thận trọng, tránh làm theo phong trào.
Theo ông, khi đặt tự chủ là nhằm tăng tính chủ động, sáng tạo, tự quyết của đơn vị. Nếu đơn vị đảm bảo tự chủ tài chính 100% có nghĩa được thực hiện trả lương theo kết quả lao động. Nếu đảm bảo chi thường xuyên thì trả lương theo quy định, số tiền còn lại được đưa vào quỹ thu nhập cơ quan đơn vị để tái đầu tư. Còn đơn vị mà Nhà nước đảm bảo 100% kinh phí thì đang khuyến khích khoán chi đến các bộ phận.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, việc đảm bảo chất lượng phục vụ người dân, nhất là với người nghèo, thu nhập thấp. Ông lấy ví dụ nếu vào Bệnh viện Bạch Mai chụp X-quang chỉ phải trả 45.000 đồng, trong khi ra ngoài công lập phải trả 500.000 đồng, vượt quá khả năng của người nghèo
Chính vì vậy, đơn vị nào chưa đảm bảo được tự chủ tài chính thì ngân sách Nhà nước phải đảm bảo để đổi mới trang thiết bị, công nghệ, giữ người giỏi trong hệ thống để phục vụ người dân.
“Có quan điểm cho rằng phục vụ công cũng như tư, miễn là đóng góp, cống hiến cho xã hội. Tuy nhiên, theo tôi nhận thức và tìm hiểu thì các nước trong khu vực như Singapore trả lương cho công chức cao hơn nhiều so với khối DN bên ngoài để giữ người giỏi trong bộ máy, để kiến tạo chính sách, hoạch định chiến lược, quản lý nhà nước tốt nhất, thúc đẩy và làm nền tảng cho phát triển. Ông cha nói “một người lo bằng kho người làm” nên cần giữ lực lượng tinh hoa, tinh tú trong bộ máy Nhà nước, nhất là với giáo dục và y tế để phục vụ nhân dân tốt hơn” – ông Hồ Đức Phớc nêu quan điểm./.
Tác giả: Nguyễn Trang | Trình bày: Thiên Bình