Sau khi thưởng thức bát phở gà nóng hổi, anh Jeon KangHyeon, người Hàn Quốc, chia sẻ lần đầu tiên anh ăn phở là tại Việt Nam. Anh vẫn nhớ đó là một quán phở trong con ngõ nhỏ cạnh khách sạn anh ở tại Hà Nội. Khi về Hàn Quốc, anh Jeon KangHyeon cũng nhiều lần đi ăn phở Việt Nam ở các cửa hàng khác nhau. Nhưng anh thích nhất món phở tại Bếp Chú Sơn và quay trở lại đây nhiều lần để thưởng thức món ăn Việt tuyệt vời này.

“Tôi đã nhiều lần ăn phở Việt tại Hàn Quốc, nhưng chỉ ở đây tôi được phục vụ thêm tương ớt và rau ăn kèm. Những gia vị này khiến phở ngon hơn và bạn thấy đấy tôi đã ăn ngon miệng như thế nào”, anh Jeon KangHyeon nói.

Sự hài lòng của thực khách chính là thước đo cho mỗi món ăn. Không chỉ anh Jeon KangHyeon yêu thích món phở tại Bếp Chú Sơn, cậu bé Phạm Bảo An (8 tuổi) sang Hàn Quốc sinh sống được 1 năm qua cũng thường được bố mẹ đưa tới đây để thưởng thức các món ăn Việt: “Bố mẹ sẽ đưa cháu tới đây mỗi khi cháu muốn ăn phở. Trước đây ở Việt Nam, cháu thường ăn phở buổi sáng trước khi đi học. Cháu rất thích phở ở đây”.        

Bếp Chú Sơn là quán ăn của hai vợ chồng anh Trần Khánh Sơn, sinh năm 1992 (Tuyên Quang) và chị Hoàng Thị Giang My, sinh năm 1997 (Nghệ An). Trong khi anh Sơn là người đứng bếp chính, thì chị My sẽ lo phần chuẩn bị nguyên liệu, bê đồ ăn, dọn quán…

Anh Sơn đã sang Hàn Quốc được 6 năm, nhưng ý tưởng mở một quán ăn Việt đã được ấp ủ từ trước đó. Anh muốn thông qua các món ăn để quảng bá văn hoá ẩm thực quê hương.   

“Người Hàn Quốc sang Việt Nam rất nhiều và khi quay về nước nhiều người đã đi tìm và muốn thưởng thức lại các món ăn Việt tại Hàn. Do vậy, mình dồn tâm huyết vào món phở, vốn đã rất nổi tiếng, để đưa hương vị Việt Nam tới Hàn Quốc”, anh Sơn chia sẻ.

Theo anh Sơn, yếu tố quyết định hương vị chính là nguyên liệu. Tuy nhiên, hương liệu của Hàn Quốc không đảm bảo được hương vị trọn vẹn của phở Việt Nam. Do vậy, thời gian đầu, vợ chồng anh Sơn đã phải tìm hiểu và tìm mua nguồn nguyên liệu Việt tại Hàn hoặc gửi từ quê nhà sang. Với người Hàn có khẩu vị ăn cay, anh Sơn có thêm gia vị cay, đó chỉ là 1 chút ớt xay và vẫn đảm bảo nguyên vị phở Việt.

Đến nay, Bếp Chú Sơn đón khoảng 50-70 thực khách mỗi ngày, trong đó, số người quay lại quán sau lần đầu thưởng thức các món ăn chiếm 30%.

Giải thích về cái tên Bếp Chú Sơn, anh Sơn cho biết, từ “bếp” thể mong muốn nấu nhiều món ăn để giới thiệu nhiều hơn về ẩm thực Việt tới các thực khách tại Hàn. Do vậy, ngoài phở là món chính, trên thực đơn của quán còn có những món khác như bún bò Huế, bánh mỳ pate và cả gà ủ muối.

“Khi sang Hàn làm du học sinh, mình nhiều hơn các bạn 5-7 tuổi, nên các bạn học cùng thường trêu và gọi mình là “chú”. Từ đó đến bây giờ, mọi người đều gọi mình là “chú Sơn” và mình đã lấy cái tên quen thuộc này để đặt cho quán”, anh Sơn chia sẻ.

Vợ chồng anh Sơn, chị My nhớ lại, trong những ngày đầu bếp đỏ lửa, không tránh khỏi những sơ suất như khi khách đến đông rồi mà nguyên liệu vẫn chưa được chuẩn bị đầy đủ, hay nguyên vật liệu khi chuyển từ Việt Nam sang đã bị mốc, bị mất độ tươi mới… lúc đó phải tìm các nguồn thay thế. 

Thời gian mới mở quán, 100% nguyên liệu của Bếp Chú Sơn là mang từ Việt Nam sang. Sau khi tìm hiểu, anh Sơn thấy rằng rất nhiều cơ sở tại Hàn Quốc đã nhập nguyên liệu Việt Nam. Điều này giúp giải quyết phần lớn khó khăn này. 

“Để phát triển ổn định quán, mình phải tìm nguồn cung cấp rau, thảo quả, quế… có thể thay thế nguyên liệu phải nhập từ Việt Nam. Có những cửa hàng của người Việt, có những anh chị sinh sống lâu năm tại Hàn Quốc có trồng những loại rau gia vị để ăn cùng phở, mình đã tìm để mua”, anh Sơn cho biết. 

Chị My cũng cho biết, khó khăn nhất trong quá trình mở Bếp Chú Sơn là phải xin được visa đầu tư. Đây là điều rất khó tại Hàn Quốc. Vợ chồng anh chị đã cùng nhau xây dựng quán từ quản lý, nấu ăn đến phục vụ. Bên cạnh đó, cũng có những người quen, bạn bè tới giúp đỡ, tham gia phục vụ khách hàng.

Khi quyết định mở quán, 2 vợ chồng anh Sơn, chị My đã có những chuyến bay liên tục Việt Nam-Hàn Quốc, để vừa lo giấy tờ vừa “vay tiền” bố mẹ và người thân. Khởi nghiệp trên đất khách, anh Sơn, chị My nhận được ủng hộ hết mình từ gia đình hai bên. 

Việc tìm mặt bằng mở quán cũng được anh chị cân nhắc kỹ lưỡng. Sau đó, vợ chồng anh Sơn, chị My quyết định mở quán tại khu vực có đông người Việt Nam sinh sống. 

“Đó là khoảng thời gian 2 vợ chồng tôi cùng nhau đi xem từng địa điểm, cân nhắc từng vị trí, khảo sát thị trường, nhu cầu của thực khách… Trước đó là bàn bạc để lên thực đơn, quyết định lựa chọn những món ăn nào… Đến nay, dù quán đang dần đi vào ổn định, chúng tôi tiếp tục tính đến kế hoạch kinh doanh tiếp theo, tiếp nhận phản hồi của thực khách để phục vụ tốt hơn. Mất khoảng 3-4 tháng để hoàn tất mọi khâu chuẩn bị. Vợ chồng tôi cũng may mắn khi cho anh trai đã sinh sống ở Hàn lâu năm và được vợ chồng anh chị hỗ trợ, tư vấn tìm nguồn nguyên liệu, gia vị…”, chị My chia sẻ.

Trong quá trình hiện thực hoá ý tưởng mở quán ăn Việt tại Hàn Quốc, không biết bao nhiêu nước mắt đã rơi, cãi vã giữa hai vợ chồng cũng có… Chị My xúc động nhớ lại: “Có lần tôi đã khóc suốt 2 ngày, nhưng rồi vợ chồng lại động viên nhau vì không trải qua khó khăn thì không thể đi đến thành công được. Lúc đó, 2 vợ chồng lại lên dây cót, lại nỗ lực hết sức để tiếp tục thực hiện ước mơ”.

Do cửa hàng không quảng cáo nhiều nên ban đầu lượng thực khách tới không đông. Sau đó, vợ chồng anh Sơn, chị My đã nhờ bạn bè học cùng trước đây và những bạn bè người Hàn giới thiệu Bếp Chú Sơn tới những bạn bè khác của họ. Từ đó, nhiều người biết hơn đến quán. Anh chị đang tập trung quảng bá thương hiệu Bếp Chú Sơn và sau đó là mở thêm quán tại nhiều khu vực khác tại Hàn Quốc. 

“Khi quán đi vào ổn định, mình dự định quảng bá thêm trên Facebook, Youtube và Tiktok. Hiện quán có fanpage và kênh Tiktok Bếp Chú Sơn”, anh Sơn nói.

Sau 6 tháng Bếp Chú Sơn mở cửa, những khó khăn cũng vơi bớt so với thời điểm ban đầu. Nhưng phía trước vẫn còn những điều mà 2 vợ chồng anh Sơn, chị My phải vượt qua. Nhất là việc đảm bảo chất lượng món ăn để xây dựng thương hiệu.

Đến nay, sau những nỗ lực, công sức bỏ ra thì anh Sơn, chị My đã tạm thời hài lòng. Sự chăm chút, tỉ mỉ đầu tư cho quán có thể thấy từ những chiếc bát, từng lọ đựng gia vị để đón tất cả những thực khách nước ngoài yêu mến Việt Nam.

Địa điểm mở quán là cũng khu vực tập trung sinh sống của rất nhiều lao động các nước khác tại Hàn Quốc như Lào, Thái Lan, Uzbekistan… do vậy mỗi một thực khách nước ngoài đến với Bếp Chú Sơn là sẽ có thêm một người biết đến ẩm thực Việt Nam, đặc biệt là phở. 

Anh Sơn cho biết: “Thực khách đánh giá và phản hồi rất tốt với món phở. Với người Việt Nam tại Hàn Quốc hay ở khắp nơi trên thế giới, phở còn là món ăn tinh thần giúp xoa dịu nỗi nhớ quê hương”. 

Bếp Chú Sơn đã đón rất nhiều người nước ngoài tới thưởng thức phở, bún. Do bất đồng ngôn ngữ nên cách “feedback” của thực khách với món ăn chỉ đơn giản là giơ cao ngón tay cái. Và lúc đó anh Sơn, chị My biết rằng họ thích món ăn. 

“Bên cạnh sự hài lòng, chúng tôi cũng nhận được các góp ý bởi thực tế món ăn và khẩu vị mỗi nước là khác nhau. Riêng với món phở được gọi nhiều nhất, cửa hàng có thêm chút điều chỉnh để phù hợp với mọi thực khách”, anh Sơn cho biết thêm.

Từ ngày mở quán, bố mẹ hai bên vẫn chưa sang Hàn Quốc để tận mắt chứng kiến thành quả, công sức của vợ chồng anh Sơn, chị My. Mong ước lớn nhất của anh chị lúc này là sau Tết có thể đón bố mẹ sang thăm Bếp Chú Sơn và nhất là thưởng thức những món ăn do chính tay mình nấu./.

Thực hiện: Lê Linh | Trình bày: Kiều Anh

Thứ Bảy, 08:00, 21/01/2023