Lãnh thổ là không gian sinh tồn và phát triển của mỗi quốc gia, là ngôi nhà lớn của người dân mỗi nước, đồng thời cũng là nơi các chính phủ thực thi chủ quyền và quyền tài phán của mình. Lãnh thổ luôn đóng vai trò là cơ sở vật chất cho sự tồn tại của quốc gia, có giá trị thiêng liêng và bất biến. Cùng với đó, lãnh thổ cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong mối quan hệ giữa các quốc gia, góp phần tạo dựng và thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các nước láng giềng, trật tự pháp lý quốc tế, hòa bình và ổn định.
Lãnh thổ quốc gia, hiểu một cách đơn giản nhất, là một phần của không gian Trái đất, bao gồm vùng đất, vùng nước, vùng trời và lòng đất thuộc chủ quyền hoàn toàn, riêng biệt và tuyệt đối của một quốc gia. Theo Công ước Motevideo năm 1933, một trong bốn yếu tố cơ bản để Luật quốc tế công nhận sự tồn tại của một quốc gia là “có lãnh thổ được xác định”. Chính vì vậy, luật gia nổi tiếng người Anh Oppenheim từng nhấn mạnh: “Không có lãnh thổ quốc gia thì không có nhà nước”.
Phạm vi không gian lãnh thổ của một quốc gia được xác định và giới hạn bởi hệ thống đường biên giới của quốc gia đó với các quốc gia láng giềng, hoặc các khu vực lãnh thổ có quy chế quốc tế. Biên giới quốc gia được xác định là hàng rào pháp lý xác định giới hạn vùng đất, vùng nước, vùng biển, vùng trời và lòng đất thuộc chủ quyền quốc gia; là nơi phân chia chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia với một quốc gia khác, hoặc khu vực có quy chế pháp lý quốc tế.
Điều 1 trong Luật Biên giới quốc gia của Việt Nam năm 2003 xác định rõ: “Biên giới quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Lãnh thổ nước ta đã được hình thành và phát triển trong lịch sử dài lâu hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Từ khi thoát khỏi thời kỳ Bắc thuộc kéo dài 1000 năm, vào đầu thiên niên kỷ thứ 2, lãnh thổ Việt Nam đã từng bước được xác định trong bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt. Tuy nhiên, biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng, đặc biệt là với Trung Quốc, khi đó mới chỉ là biên giới lịch sử, chưa hoàn chỉnh, chưa được xác định trong các văn kiện pháp lý quốc tế do hai bên ký kết, chưa được phân giới và cắm mốc... Chỉ sau năm 1897, khi Chính phủ Pháp và Triều đình Mãn Thanh ký các Công ước 1887 và 1895 về việc hoạch định biên giới cũng như tiến hành việc phân giới và cắm mốc giới (341 mốc) thì biên giới giữa giữa Việt Nam và Trung Quốc mới trở thành một biên giới điều ước.
Trong các cuộc chiến tranh cứu nước và giữ nước ở thế kỷ XX, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt mục tiêu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Sau năm 1975, khi đất nước hòa bình và giang sơn liền một dải thì nhiệm vụ cấp bách của nhà nước XHCN Việt Nam là đàm phán ngoại giao để hoạch định mới hoặc xác định lại đường biên giới quốc gia giữa Việt Nam với các nước láng giềng.
Là một quốc gia ven biển ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vừa có biên giới trên bộ, vừa có biên giới trên biển với các quốc gia láng giềng. Trong quá trình giải quyết tranh chấp biên giới lãnh thổ với các quốc gia láng giềng, Việt Nam luôn tôn trọng và thiện chí áp dụng các quy định của luật pháp quốc tế, cam kết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình.
Đường biên giới trên đất liền của Việt Nam dài hơn 5.000km, đi qua 25 tỉnh biên giới. Các địa phương biên giới trên đất liền có vị trí trọng yếu trong việc đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ quốc gia; đồng thời cũng là cửa ngõ thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng. Việt Nam có bờ biển dài khoảng 3.260km đi qua 28 tỉnh, thành phố và vùng biển rộng khoảng 1 triệu km2 với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Với nguồn tài nguyên biển đa dạng, phong phú, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế biển mạnh và bền vững.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn - Nguyên Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL), Nguyên Vụ trưởng Vụ Luật và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại Giao: “Biên giới hòa bình, ổn định và hợp tác chính là biểu hiện rõ nét của mối quan hệ láng giềng hữu nghị, đồng thời là cầu nối quan trọng và nền tảng vững chắc cho việc mở rộng và tăng cường giao lưu và hợp tác trên tất cả các lĩnh vực giữa Việt Nam và các quốc gia liên quan”.
Luật Biên giới quốc gia khẳng định biên giới quốc gia Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Điều này phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và không xâm phạm đường biên giới quốc gia của Luật quốc tế. Thông thường chúng ta chỉ nghĩ đến biên giới là hàng rào bảo vệ an ninh quốc gia. Tuy nhiên, biên giới có hai chức năng quan hệ mật thiết với nhau, đó là chức năng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và chức năng thúc đẩy hợp tác phát triển thông qua biên giới. Biên giới đất liền vừa mang tính bất khả xâm phạm vừa có tính hợp tác, qua lại thuận tiện cho người, phương tiện, hàng hoá.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao - nhà ngoại giao kỳ cựu với 40 năm hoạt động, đồng thời là chuyên gia trong lĩnh vực luật quốc tế, người từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Trưởng đoàn đàm phán các hiệp định biên giới với các nước láng giềng của Việt Nam cho rằng: “Việc nhanh chóng pháp điển hoá các luật biên giới lãnh thổ của Việt Nam đã thể chế đầy đủ, toàn diện các chủ trương, quan điểm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia”.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao và quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, cùng quyết tâm và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương liên quan cũng như sự đồng tình ủng hộ của nhân dân cả nước, công tác biên giới lãnh thổ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nước ta đã cùng các nước láng giềng hoạch định xong biên giới trên đất liền; hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc với với Lào (1987), Trung Quốc (2008), hoàn thành công tác tăng dày tôn tạo mốc quốc giới với Lào (2016), hoàn thành 84% phân giới cắm mốc với Campuchia (2019).
Tình hình trên toàn tuyến biên giới đất liền trong những năm qua cơ bản ổn định, công tác phối hợp quản lý biên giới được triển khai theo đúng tinh thần các văn kiện pháp lý và thỏa thuận có liên quan, góp phần quan trọng vào việc duy trì đường biên giới hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác phát triển tại khu vực biên giới nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương biên giới nói chung.
Việt Nam không chỉ chú trọng đàm phán giải quyết các tranh chấp biên giới lãnh thổ mà còn đẩy mạnh công tác quản lý biên giới, làm tiền đề cho hội nhập quốc tế và giữ gìn ổn định, an ninh khu vực biên giới. Sau 20 năm, trên tuyến biên giới đất liền, đã ký kết 7 văn kiện pháp lý về biên giới, phân giới cắm mốc được hơn 5.000 cột mốc, cọc dấu.
Với biên giới trên biển, Việt Nam cũng đã đàm phán và ký kết thành công nhiều hiệp định phân định biển với các quốc gia láng giềng như phân định Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc, phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Thái Lan, phân định thềm lục địa với Indonesia. Việt Nam cũng đã kết thúc quá trình đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia. Trong quá trình chờ phân định vùng thềm lục địa chồng lấn, Việt Nam cũng đã đạt được thỏa thuận khai thác chung và cùng đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng với Malaysia.
Tình hình trên biển tuy có nhiều phức tạp nhưng chúng ta vẫn kiên quyết, kiên trì triển khai các biện pháp bảo vệ, đấu tranh phù hợp với luật pháp quốc tế, giữ vững được hòa bình, ổn định trên các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, thúc đẩy hợp tác, phát triển về biển. Có thể nói, cùng với những thành tựu đối ngoại chung, công tác biên giới lãnh thổ đã góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao vị thế quốc gia, dân tộc.
Tác giả: Hùng Cường, Lê Hoàng, Kiều Anh
Ảnh: Ủy ban Biên giới Quốc gia