Xung đột giữa Nga và Ukraine đã bước sang tháng thứ 3 mà vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy bất cứ bên nào giành được chiến thắng quyết định và cũng không có một giải pháp ngoại giao nào trong tầm tay.
Một cuộc chiến kéo dài và không có hồi kết tại châu Âu là điều khiến các nhà lãnh đạo NATO lo lắng. Sự bế tắc đang làm gia tăng lo ngại rằng Ukraine có thể là một chiến trường chết chóc tại châu Âu, là nguồn cơn cuốn lục địa này vào vòng xoáy bất ổn trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm tới.
Việc đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực là những vấn đề cần phải giải quyết trước mắt. Nhưng sự hỗ trợ khổng lồ mà phương Tây dành cho Ukraine trong khi thế giới đang gồng mình chống chọi dịch Covid-19 và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu có thể làm tổn hại nghiêm trọng hơn đến nền kinh tế toàn cầu. Nếu cả Nga và Ukraine thực hiện thêm những động thái gây leo thang căng thẳng, nguy cơ xung đột lan rộng sẽ gia tăng.
Mỹ và các đồng minh đã bơm một lượng lớn vũ khí sát thương vào Ukraine để giúp Kiev đẩy lùi chiến dịch quân sự của Nga. Mặc dù hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng Ukraine vẫn đủ sức kháng cự, nhưng để giúp Kiev chiến thắng hoặc ít nhất là tiếp tục đối đầu, vẫn chưa rõ phương Tây sẽ phải cung cấp thêm bao nhiêu vũ khí nữa.
Tổng thống Nga Putin chưa cho thấy sẵn sàng đẩy mạnh cuộc tấn công bằng cách tuyên bố chiến tranh, ban hành lệnh tổng động viên hoặc sử dụng các loại vũ khí có sức công phá mạnh như vũ khí hạt nhân chiến thuật, nhưng ông không có dấu hiệu lùi bước. Nhà lãnh đạo Ukraine Zelensky cũng vậy. Ông từng tuyên bố rằng Ukraine sẽ không chỉ đánh trả các cuộc tấn công của Nga mà còn giành lại quyền kiểm soát Crimea và các khu vực khác.
Ông Ian Kelly, cựu đại sứ Mỹ tại Gruzia nhận định: “Rất khó để biết làm thế nào để đạt được một giải pháp thương lượng vào thời điểm này. Không bên nào sẵn sàng ngừng chiến và có lẽ kết quả dễ xảy ra nhất là một cuộc chiến kéo dài nhiều năm. Cuộc chiến ở Ukraine sẽ là một vết loét mưng mủ ở trong lòng châu Âu”.
Vị cựu đại sứ này cho rằng: “Không có chuyện Ukraine sẽ lùi bước. Họ luôn khẳng định quyết tâm phải giành chiến thắng”. Về phía Nga, ông Ian Kelly lưu ý, dù Tổng thống Putin có thể tính toán sai về sức mạnh và ý chí kháng cự của Ukraine, hay sự đoàn kết hoặc quyết tâm của các nước NATO, ông cũng không thể chấp nhận thất bại hoặc bất cứ kết quả nào thiếu vắng một kịch bản mà ông cho là thành công của Nga trong cuộc chiến.
“Việc rút quân sẽ là hành động tự sát về chính trị đối với ông Putin”, ông Ian Kelly nhấn mạnh.
Các quan chức Mỹ nhiều lần nói rằng, mục tiêu của Washington không chỉ là giúp Ukraine tự vệ mà còn “làm suy yếu” Nga đến mức Moscow không còn là mối đe dọa của phương Tây.
Phát biểu sau khi ký đạo luật “Cho vay - Cho thuê Phòng vệ Dân chủ Ukraine 2022 và kêu gọi Quốc hội thông qua gói viện trợ quân sự và nhân đạo mới trị giá gần 40 tỷ USD cho Ukraine, Tổng thống Biden nói: “Ông Putin hiện giờ không có lối thoát và tôi đang cố gắng tìm hiểu xem chúng tôi sẽ phải làm gì trong trường hợp này”.
Kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, Mỹ đã đều đặn cung cấp vũ khí cho Ukraine. Giới phân tích cho rằng, nếu quá trình viện trợ quân sự cho Ukraine kéo dài thì một cuộc chiến tranh ủy nhiệm sẽ khiến Nga phải tăng cường các cuộc tấn công dù đây có thể không phải là điều Điện Kremlin mong muốn.
Hồi đầu tháng 5, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin cảnh báo phương Tây "đang kéo thế giới vào một thảm họa" bằng cách cung cấp vũ khí cho Ukraine. Gần đây, Nga liên tục thông báo phá hủy các kho tập kết vũ khí của phương Tây tại Ukraine.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: “Chiến lược của chúng tôi là chứng kiến Ukraine vươn lên để chiến thắng. Điều đó sẽ củng cố vị thế của Ukraine trên bàn đàm phán khi chúng tôi tiếp tục buộc Nga phải chịu hậu quả cho cuộc tấn công”.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có gì chắc chắn cho thấy Ukraine sẽ giành chiến thắng trong bối cảnh trận chiến đang diễn ra khốc liệt tại khu vực Donbas.
Ukraine đang tiến hành phản công gần thị trấn Izium do Nga kiểm soát, nhưng quân đội nước này ngày 15/5 cho biết, các lực lượng Nga đang tiến công ở những nơi khác trong khu vực Donbass – nơi đã trở thành chiến trường đỏ lửa trong một tháng qua. Thông báo của quân đội Ukraine nêu rõ: “Các lực lượng Nga vẫn tiếp tục tiến công ở khu vực Lyman, Sievierodonetsk, Avdiivka và Kurakhiv tại Donbass”.
Ukraine đang tiến hành phản công trên mặt trận phía Đông (Ảnh Getty Images)
Những diễn biến trên thực địa cho thấy Moscow có thể sớm hoàn tất mục tiêu kiểm soát toàn bộ tỉnh Donetsk và Lugansk khi nước này giành được nhiều khu vực tại Donbass.
New York Times cho rằng, nếu giành được quyền kiểm soát toàn bộ Donbass, kết hợp với thành công ban đầu của Nga trong chiến dịch chiếm giữ các khu vực phía Nam Ukraine tiếp giáp với Bán đảo Crimea, thì điều đó sẽ mang lại cho Điện Kremlin đòn bẩy to lớn trong bất cứ cuộc đàm phán tương lai nào với Ukraine. Bên cạnh đó, Nga cũng có ưu thế về hải quân ở Biển Đen – tuyến đường hàng hải duy nhất phục vụ cho thương mại của Ukraine.
Sự không chắc chắn về điều gì có thể giúp Ukraine giành chiến thắng đã khiến nhiều quan chức châu Âu lo sợ. Các quốc gia Baltic như Estonia, Latvia và Litva – vốn là thành viên của NATO và giáp biên giới với Nga đã cảnh báo về ý định của Moscow trong tương lai. Phát biểu với báo chí, Bộ trưởng Ngoại giao Litva Gabrielius Landsbergis cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa thể nói về việc chấm dứt chiến tranh”.
Trong khi đó, các quốc gia Bắc Âu như Thụy Điển và Phần Lan đang dần từ bỏ quy chế trung lập để lên kế hoạch gia nhập NATO. Nếu kế hoạch này thành hiện thực, bản đồ an ninh châu Âu sẽ bị vẽ lại theo cách chưa từng có và điều đó chắc chắn nằm ngoài ý muốn của Tổng thống Putin.
Một trong những lý do khiến các nước tìm cách gia nhập NATO là bởi Điều 5 Hiến chương NATO - một nguyên tắc về phòng thủ tập thể, quy định bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào một hay một số thành viên của liên minh đều được coi là cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh. Theo giới phân tích, với động thái của Phần Lan và Thụy Điển, danh sách các quốc gia “trung lập” hoặc không liên kết ở châu Âu có thể thu hẹp lại.
Cây bút bình luận Ross Douthat của tờ New York Times cho rằng, có thể có hai kịch bản cho cuộc xung đột Nga-Ukraine trong 6 tháng tiếp theo.
Trước hết, hai bên sẽ giành được một số phần lãnh thổ ở miền Đông, sau đó cuộc chiến sẽ dần nguội lạnh thành một “cuộc xung đột đóng băng”. Trong bối cảnh đó, bất cứ thỏa thuận hòa bình lâu dài nào cũng đỏi hỏi Nga phải nhượng bộ một số lãnh thổ mà nước này giành quyền kiểm soát, ở Crimea hoặc Donbass. Điều đó sẽ mang lại cho Nga một số lợi ích. Còn với Ukraine, cho dù phần lãnh thổ được nhượng lại lớn hay nhỏ, chắc chắn nước này vẫn sẽ bị phân chia. Một thỏa thuận như vậy nhiều khả năng sẽ khó được Kiev chấp nhận.
Bế tắc kéo dài chắc chắn sẽ tiếp tục làm nảy sinh những cuộc xung đột cấp độ thấp khiến Không chỉ Nga và Ukraine suy yếu
(Ảnh Business Insider)
Bế tắc kéo dài chắc chắn sẽ tiếp tục làm nảy sinh những cuộc xung đột cấp độ thấp không chỉ khiến Ukraine mà cả Nga bị suy yếu. Để giúp Ukraine tiếp tục chống chọi với cuộc tấn công của Nga, Mỹ có thể tiếp tục hỗ trợ về tài chính và quân sự. Không rõ, liệu chính quyền Biden có sẵn sàng đầu tư dài hạn cho một cuộc xung đột không lối thoát như vậy hay không?
Một kịch bản khác có thể là quân đội Ukraine, với sự hỗ trợ vũ khí từ phương Tây có thể đẩy lùi chiến dịch quân sự của Nga. Rõ ràng đây là một kịch bản mà cả Mỹ và Ukaine đều mong muốn, nhưng lại là điều khó chấp nhận với Nga.
Khi giải pháp quân sự bằng chiến tranh thông thường không còn hiệu quả nữa, Tổng thống Putin có thể đẩy căng thẳng lên một mức mới bằng chính sách bên miệng hố chiến tranh hạt nhân. Trong trường hợp đó, một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể loại trừ vì không ai biết ông Putin nghĩ gì khi mà phương Tây liên tiếp “vượt lằn ranh đỏ”, đẩy mạnh viện trợ quân sự cho Ukraine và gia tăng trừng phạt Nga./.