Đợt bùng phát dịch thứ 4 mà toàn hệ thống chính trị và nhân dân ta đang dốc sức đối phó đến nay đã mang lại những tín hiệu lạc quan. Ở những điểm nóng như TP.HCM, Bình Dương, các tỉnh phía Nam…sau chuỗi ngày vất vả, căng thẳng, mất mát, lo âu, nay tình hình đã được kiểm soát. Số ca mắc mới giảm dần theo ngày, số ca tử vong giảm mạnh, số bệnh nhân được chưa khỏi, ra viện đang nhiều hơn số ca phải nhập viện; vaccine nhanh chóng được tiêm, ưu tiên cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất nếu mắc bệnh…

Ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, với sự chia lửa của cả Trung ương và các địa phương, tuy nguy cơ còn tiềm ẩn nhưng tâm lý tự tin về việc kiểm soát dịch bệnh là khá rõ ràng…Việt Nam, bằng kinh nghiệm và trải nghiệm của mình cùng việc tham chiếu kinh nghiệm quốc tế, đã chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn  “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” để sớm đạt được tình trạng bình thường mới. Cả nước đang tích cực chuẩn bị ngày đêm để đưa hoạt động xã hội, sản xuất kinh doanh trở lại, bằng mọi cách bù lại những mất mát về người và của không mong muốn, đưa đất nước vào lộ trình phát triển mới.

Một chiến lược mới phù hợp với tình hình dịch bệnh thế giới và trong nước đang được khẩn trương hoàn thiện, lấy ý kiến rộng rãi giới chuyên gia thuộc các lĩnh vực để sớm đưa vào cuộc sống.

Đã có những ý kiến tranh luận về các vấn đề phát sinh trong công tác phòng, chống COVID-19 nhưng cả dân tộc đều có chung đích đến là làm thế nào để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, sức khỏe, tính mạng người dân là trước hết, trên hết và quan trọng nhất.

Dịch dã bất quy tắc và không có tiền lệ, trong những ngày qua, các vị lãnh đạo  Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình, lắng nghe ý kiến nhân dân, chuyên gia để đưa ra các quyết định quan trọng, thể hiện ở những kết quả trên thực tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh: “Càng khó càng phức tạp, nhạy cảm càng phải đoàn kết, giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau, tạo sự đồng thuận”.

Công cuộc chống dịch COVID-19 là không có tiền lệ không chỉ với Việt Nam mà toàn thế giới. Mỗi đợt bùng phát dịch lại có đặc điểm khác nhau, xảy ra các địa bàn khác nhau, các chủng virus biến thể nguy hiểm hơn trước, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh.

Virus biến đổi khôn lường trong khi nguồn lực y tế của chúng ta có hạn. Hệ thống y tế trong điều kiện bình thường có thể đáp ứng được, nhưng khi có biến cố phức tạp đột ngột xảy ra thì thực sự là một thách thức lớn. Đơn cử, TP.HCM ngày bình thường có 148 người chết vì các bệnh khác, 1.000 người nhập viện nhưng lên đến con số 2.000 – 3.000, thậm chí 10.000 bệnh nhân thì không thể tránh khỏi quá tải. Ngay cả các nước như Nhật, Mỹ Anh, Pháp…, là những quốc gia có hệ thống y tế hàng đầu thế giới cũng từng rơi vào tình trạng quá tải và chịu thiệt hại rất nặng nề về nhân mạng qua các đợt bùng phát dịch liên tục.

Trong đại dịch COVID-19, y tế cơ sở đã phát huy vai trò của mình, đặc biệt là khi lấy xã phường làm pháo đài để đưa dịch vụ y tế đến với người dân nhanh nhất, sớm nhất có thể.

Chúng ta phòng, chống dịch trong điều kiện hết sức hạn chế. Nhất là về năng lực y tế, nguồn vật tư y tế đều phải nhập khẩu. Nguồn lực con người bình thường có thể cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân, nhưng khi có dịch nếu không tập trung lực lượng thì không thể đáp ứng được. Chính bởi vậy chúng ta cần huy động tổng lực cả nước để hỗ trợ, chi viện kịp thời cho các điểm nóng.

Dưới sự điều hành của Chính phủ, một chiến dịch hỗ trợ lớn chưa từng thấy dành cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch COVID-19 đã diễn ra. Các lực lượng tuyến đầu, tổ Covid cộng đồng, các tổ chức, cá nhân tình nguyện đã phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, hy sinh vì sức khỏe người dân, vì lợi ích quốc gia, dân tộc…

Nhân dân đánh giá cao một số chủ trương, chính sách lớn trong thời gian qua của Chính phủ như huy động lực lượng quân đội, công an, y tế chi viện các tỉnh, thành phố phía Nam phòng chống dịch; lấy xã, phường, thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sĩ, huy động sức mạnh toàn dân vào cuộc chiến đấu này. Việc Thủ tướng chỉ đạo, kiểm tra từ Trung ương tới xã, phường, thị trấn, tới địa bàn dân cư, kiểm tra bất kể ngày đêm, đặt hệ thống chính quyền luôn trong trạng thái “sẵn sàng chiến đấu chống dịch”. Với cách làm rất mới này, sự lười biếng và thiếu trách nhiệm ở một số cơ sở được giải quyết. 

Chiến lược vaccine, ngoại giao vaccine rất hiệu quả. Đến nay chúng ta đã có hàng chục triệu liều. Khi quyết định thay đổi chiến lược từ “zero covid” sang “sống chung với covid” với nhận định COVID-19 không thể kết thúc trong một thời gian ngắn là một quyết định hệ trọng mang tính bước ngoặt, sáng suốt và kịp thời. Trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta chưa chủ động sản xuất được vaccine thì ngoại giao vaccine là một trong những giải pháp quan trọng để có được vaccine cho người dân.

Trong chuyến thăm chính thức Cuba từ ngày 18-21/9/2021, của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc và thực hiện các hoạt động song phương tại New York, Mỹ từ ngày 21-24/9/2021 ngoại giao vaccine cũng đặc biệt được coi trọng. Chuyến công du của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được đánh giá thành công tốt đẹp, trong đó có thành công của ngoại giao vaccine.

Thành công lớn nhất và cũng là điểm nhấn trong chuyến thăm chính thức tới Cuba lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, phải kể đến kết quả về hợp tác vaccine ngừa COVID-19. Đây cũng là thành tựu y học rất đáng ghi nhận của người dân Cuba dù còn rất khó khăn bởi lệnh cấm vận.

Tiếp cận nguồn lực song phương và đa phương, trong suốt hành trình chuyến công du châu Mỹ lần này của Chủ tịch nước, Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ của thế giới phục vụ cho việc phòng chống dịch COVID-19 cũng như phát triển kinh tế - xã hội.

Riêng trong cuộc làm việc của Chủ tịch nước với công ty Pfizer, Pfizer cam kết chuyển đủ 31 triệu liều vaccine đã ký hợp đồng với Việt Nam ngay trong năm 2021 và 20 triệu liều vaccine cho trẻ em khi có đầy đủ dữ liệu về hiệu quả và tính an toàn. Ngoài vaccine, nhiều đối tác và kiều bào tại Mỹ đã hỗ trợ vật phẩm y tế với trị giá 8,8 triệu USD.

Trong khó khăn mới thấy sự “chung lưng, đấu cật” của cả hệ thống chính trị. Dấu ấn đậm nét ngoại giao nghị viện và ngoại giao vaccine trong chuyến tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo, thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan từ ngày 5-11/9 của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ngoại giao vaccine đã được triển khai một cách quyết liệt trong tất cả các hoạt động, từ phát biểu của Chủ tịch Quốc hội ở Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới cho đến các cuộc gặp gỡ song phương bên lề hội nghị và các cuộc gặp gỡ ở ba quốc gia mà đoàn đến.

Trong các cuộc gặp lãnh đạo các nước gồm Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội hay các cơ quan liên quan của nước bạn, đoàn đều đặt vấn đề về vaccine, vật tư y tế và các trang thiết bị để hỗ trợ cho Việt Nam phòng, chống dịch COVID-19. Trong chuyến công tác, Chủ tịch Quốc hội đã chứng kiến các doanh nghiệp Việt Nam và đối tác nước ngoài ký kết để sản xuất các bộ test virus SARS-CoV-2 cũng như vaccine ở Việt Nam. Đây là những kết quả lớn và quan trọng.

Trên thế giới, nhiều quốc gia liên tục thay đổi phương án phòng, chống dịch COVID-19, mở cửa nền kinh tế. Thậm chí có những nước đã tiêm phòng cho hơn 90% dân số, đã ấn định lịch bỏ giãn cách xã hội nhưng phải hoãn lại.

Con số cập nhật đến sáng 2/10, Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới về số ca tử vong do Covid-19 khi đã ghi nhận hơn 700.000 ca. Số ca tử vong trung bình mỗi ngày do Covid-19 ở Mỹ hiện đang ở mức 2.000 và nước này tiếp tục đứng đầu thế giới cả về số ca nhiễm và tử vong do dịch bệnh này. Biến chủng Delta trong thời gian qua đã khiến số ca nhiễm mỗi ngày ở Mỹ gia tăng đáng kể trước khi giảm xuống mức trung bình gần 118.000 ca ở thời điểm hiện tại. Tới nay đã có khoảng 56% dân số Mỹ được tiêm phòng đầy đủ.

Còn ở Việt Nam, Chính phủ đã phải đưa ra nhiều quyết định “cân não”, thay đổi và chuyển hướng chiến lược. Ví dụ như việc phong toả toàn vùng Bắc Giang, xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, nhiều vòng lặp lại, giúp kiểm soát được dịch. Việc quyết định giãn cách 20 tỉnh khu vực phía Nam cũng đòi hỏi tính toán tổng thế nhiều giải pháp, tạo ra hiệu quả trong thời điểm đó. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định “Đây là quyết định đúng, ngăn chặn rất nhiều ca lây nhiễm và tử vong giai đoạn này”. Chúng ta nới lỏng giãn cách nhưng vẫn đặc biệt phải tuân thủ các hướng dẫn, quy định của ngành y tế về phòng, chống dịch. Bởi lẽ, hệ thống y tế của chúng ta chưa đủ sức để gánh chịu những đợt dịch với tính chất nghiêm trọng xảy ra đồng thời ở phạm vi rộng như đại dịch COVID-19.

Chính phủ đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ trong việc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, duy trì trở lại chuỗi cung ứng. Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng hướng dẫn tạm thời theo chủ trương: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”. Trong đó, cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về những nhiệm vụ, giải pháp từ cấp Trung ương đến tận tổ, thôn, ấp, bản để các bộ, ngành, địa phương căn cứ áp dụng, thích ứng với dịch bệnh theo các nguyên tắc “y tế là trụ cột, trung tâm; kinh tế là cơ sở, nền tảng; dữ liệu, khoa học, công nghệ là then chốt; ổn định chính trị, xã hội là trọng yếu, thường xuyên; vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức của người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”.

Các bộ, ngành, địa phương thành lập ngay các Tổ Công tác về phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội do người đứng đầu làm Tổ trưởng; đồng thời xây dựng kế hoạch khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với đặc điểm, tình hình. Thủ tướng đã đặc biệt nhấn mạnh sự thay đổi chiến lược: Chuyển từ 'không có COVID' sang thích ứng an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế. Tất cả các địa phương thành lập Tổ công tác phục hồi sản xuất do chủ tịch UBND tỉnh phụ trách. Các tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh có kế hoạch khôi phục sản xuất, kinh doanh. Về các đề xuất của địa phương, Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan giải quyết theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên xem xét, xử lý, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân.

Diễn biến dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp, Việt Nam không nằm ngoài ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Trong những thời khắc khó khăn, càng phải nêu cao đoàn kết, trên dưới một lòng và phát huy dân chủ để tìm ra những biện pháp phù hợp nhất, sáng tạo nhất đối phó hiệu quả với dịch bệnh. Bài học về sức mạnh đoàn kết và ý chí quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, thách thức trong đại dịch COVID-19 vẫn còn nguyên giá trị./.


Tác giả: Thái Lai | Thiết kế: Hà Phương

Chủ Nhật, 06:00, 03/10/2021