Nhiều hạn chế được thẳng thắn chỉ ra ở nhiều nhiệm kỳ, nhiều lĩnh vực chính là khâu phát hiện; việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng còn chưa thật mạnh mẽ và đồng bộ. Thậm chí, vẫn còn tư tưởng lo ngại việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ đảng viên sai phạm sẽ làm giảm sự đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; làm chậm sự phát triển. Ngoài ra, việc thi hành kỷ luật có lúc có nơi còn nể nang, né tránh, ngại va chạm hoặc có tình trạng “nhẹ trên, nặng dưới”. Chính vì vậy, cùng với việc hoàn thiện các thể chế, pháp luật thì công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đóng vai trò nòng cốt và kết quả đã tạo hiệu ứng tích cực.

Thực tiễn hoạt động của Đảng ta qua 90 năm đã minh chứng trong mỗi thời kỳ, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ đường lối, tư tưởng, quan điểm, giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng; từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tình trạng tham nhũng, “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ”, tha hóa quyền lực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; đồng thời, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, xây dựng hệ thống chính trị liêm chính, hành động nhằm thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong nhiệm kỳ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung xây dựng, ban hành và tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành  nhiều quy chế, quy định, chương trình, kế hoạch quan trọng về công tác kiểm tra, giám sát, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống các nguyên tắc, phương pháp, quy trình tiến hành kiểm tra, giám sát, vừa có tác dụng giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn, vừa là căn cứ để phát hiện và xử lý nghiêm minh các vi phạm, tạo điều kiện thuận lợi cho cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp thực hiện nhiệm vụ thống nhất từ Trung ương đến cơ sở với trọng tâm là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.  

Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ khóa XII, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp đã tiến hành kiểm tra 233.322 tổ chức đảng. Qua kiểm tra đã kết luận 4.807 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm; phải thi hành kỷ luật 1.050 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra các cấp, nhất là Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các ấp thi hành kỷ luật đối với nhiều cán bộ và tổ chức đảng vi phạm, có cả các Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả trong lực lựng vũ trang; làm nghiêm từ trên xuống dưới, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “không có hạ cánh an toàn”.

Việc kiểm tra, giám sát tập trung nhiều vào những điểm "nóng", những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, những vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm như: việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; công tác cán bộ; quản lý, sử dụng đất đai… Có nhiều việc mới, việc tồn tại đã lâu, rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, gây bức xúc trong xã hội đã được phát hiện, làm rõ, kết luận và xử lý kỷ luật nghiêm minh. Đây được coi là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà ước, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.

Điều quan trọng hơn, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã chủ động, là tiền đề, đi trước “mở đường” cho thanh tra, điều tra, xử lý kỷ luật hành chính và xử lý theo pháp luật. Thực tế các vụ việc tham nhũng đặc biệt khởi đầu từ vụ Trịnh Xuân Thanh cho thấy, vi phạm có liên quan đến tham nhũng cần được phát hiện trước hết trong nội bộ đảng mà công tác kiểm tra giám sát của Đảng phải là “nòng cốt”, nhất là trong điều kiện tự phê bình và phê bình yếu kém hoặc có sự bao che, dung túng. Trên cơ sở xử lý kỷ luật về Đảng và sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, các cơ quan nhà nước sẽ xử lý về hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm về hình sự cho đồng bộ, kịp thời. Đây là đường dẫn và cách làm mới của cấp ủy đảng có cơ sở chỉ đạo xử lý hàng loạt vụ việc tham nhũng trong thời gian qua.

Tham nhũng do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, cả trực tiếp và gián tiếp. Song dù phát sinh từ nguyên nhân nào thì tham nhũng cũng gắn liền với quyền lực và biểu hiện qua hành vi hoạt động quyền lực. Vì vậy, hành vi tham nhũng chỉ có thể xảy ra ở một số người có chức, có quyền lực nhưng đã bị thoái hóa, biến chất, không vượt qua được chủ nghĩa cá nhân, luôn tiềm ẩn trong mỗi con người. Ở nước ta, Đảng lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị nên những người có chức, có quyền là đảng viên chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng nên công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng có tác dụng rất lớn và vô cùng quan trọng trong việc phòng, chống tham nhũng.

Và như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định:Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống", có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu.

Phòng, chống tham nhũng là chống giặc nội xâm, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, "không ngừng," "không nghỉ" ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nhiều lần, và kết quả công tác ở lĩnh vực này trong thời gian qua tiếp tục khẳng định quyết tâm trên, cho thấy “nói đi đôi với làm”.

Covid-19 với sự ảnh hưởng toàn diện, sâu sắc và mang tính lịch sử đã và đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Việt Nam cũng trải qua những giai đoạn “chống dịch như chống giặc” ngay từ đầu năm và cho đến thời điểm này, dù dịch bệnh được kiểm soát rất tốt, song chưa bao giờ chúng ta lơ là trước nguy cơ hiện hữu. Và cũng không vì trong bối cảnh đó mà công tác phòng chống tham nhũng bị sao nhãng. Ngược lại, “lò” chống tham nhũng vẫn “đỏ lửa”.

Hàng nghìn cuộc thanh tra hành chính và thanh tra, kiểm tra chuyên ngành được triển khai; hàng chục nghìn tỷ đồng và hàng trăm hécta đất được kiến nghị thu hồi; hàng trăm vụ với hàng trăm đối tượng bị kiến nghị xử lý kỷ luật và chuyển chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự. Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị xử lý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng, chuyển hồ sơ nhiều vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Cơ quan chức năng khác đã có nhiều cố gắng, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm bảo đảm tiến độ khởi tố, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án; nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.

Qua đó đã có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, thể hiện sự nghiêm minh trong xử lý tội phạm về tham nhũng, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả trong dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Những con số trên là cơ sở để Chính phủ báo cáo Quốc hội rằng “nhìn chung, tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế”.

Ngay những tháng đầu năm 2021, hàng loạt cán bộ, trong đó nhiều người từng giữ vị trí cao đã bị xử lý kỷ luật, khởi tố do có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong thời gian công tác. Kết quả nổi bật trên một lần nữa khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước rằng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào" và rõ ràng không “chùng xuống” như một số ý kiến băn khoăn mà thậm chí còn làm quyết liệt hơn.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 rằng không phải như một số ý kiến cho rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ làm giảm sự đổi mới, sáng tạo, làm "chùn bước" những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và làm "chậm" sự phát triển đất nước. Chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng càng làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ cán bộ, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ; góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Điều đó được chứng minh sinh động qua số liệu khách quan: Tạp chí The Economist tháng 8/2020 xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo Ngân hàng thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, với việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt “mục tiêu kép”, Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương ở mức khá. Tổng cục Thống kê mới công bố số liệu về kinh tế năm 2020 cho thấy GDP Việt Nam tăng 2,91%. Việc Việt Nam đối diện, kiểm soát và đẩy lùi đại dịch Covid 19 được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Điều đáng nói hơn là bên cạnh tác động từ Covid-19, không chỉ riêng trong năm 2020 mà ngay từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ, Việt Nam đã đối diện với những thử thách lớn chưa từng thấy như đợt hạn hán kỷ lục trong gần 100 năm ở Đồng bằng Sông Cửu Long, sự cố môi trường Formosa; sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ở Tây Bắc; bão lũ, ngập lụt ở Miền Trung. Tuy nhiên, bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1200 tỷ USD GDP trong gần 5 năm, trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.

Kinh tế Việt Nam năm 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh và diễn biến khó lường trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Sự đứt gãy thương mại quốc tế gây ra những hệ lụy tới hoạt động sản xuất và xuất, nhập khẩu của nước ta. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời và quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, kết quả phát triển kinh tế 5 tháng đầu năm 2021 đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận với nhiều điểm sáng, hoàn thành mục tiêu kép.

Có thể khẳng định, những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đã góp phần vào thành tựu chung của đất nước. Dù còn những hạn chế, tồn tại trong công tác này, nhưng đáng mừng hơn khi đấu tranh phòng chống tham nhũng đã trở thành phong trào quần chúng, đã trở thành xu thế không ai có thể cưỡng lại được. Như nhận xét của ông Nguyễn Đức Hà- nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng- Ban Tổ chức Trung ương: Chưa khi nào công tác đống tranh phòng, chống tham nhũng đẩy lên giai đoạn cao như thế, quyết liệt như thế, mạnh mẽ và hiệu quả như thế! Đó cũng là cơ sở để xây dựng niềm tin rằng công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ không dừng, không nghỉ, không chùng xuống mà quyết liệt, mạnh mẽ hơn. “Lửa” chống tham nhũng vẫn sẽ “đượm” dù trước hoàn cảnh nào!./.

Thứ Tư, 11:30, 16/06/2021