Việt Nam giàu tiềm năng về điện gió, điện mặt trời để có thể phát triển ở các quy mô khác nhau, có cơ hội kết hợp giữa các công nghệ năng lượng, giữa năng lượng tái tạo (NLTT) với nông nghiệp để tạo ra nhiều lợi ích. Ngoài ra, thủy điện là nguồn điều tần có chi phí thấp cũng như pin tích năng và công nghệ sản xuất hydro là chìa khóa cho tương lai năng lượng sạch của Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, ở giai đoạn sau năm 2030, nếu các hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả được đẩy mạnh hơn nữa thì hiệu quả kinh tế đối với quốc gia sẽ cao hơn nhiều. NLTT và khí tự nhiên sẽ là các trụ cột cho việc chuyển dịch năng lượng nhằm giảm phát thải và tăng cường an ninh năng lượng trong dài hạn, thông qua giảm tỷ trọng năng lượng nhập khẩu và đa dạng hoá cung cấp năng lượng và thúc đẩy tăng trưởng xanh.
TS. Đinh Thế Phúc, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, trong mục tiêu và định hướng phát triển của EVN có nhiều nội dung liên quan đến phát triển NLTT, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Có thể kể đến như đầu tư phát triển hệ thống điện phải đảm bảo đồng bộ và hợp lý từ sản xuất - truyền tải - phân phối kinh doanh điện, có khả năng tích hợp quy mô lớn nguồn năng lượng tái tạo; tiếp cận công nghệ tiên tiến để đảm bảo an toàn, tin cậy, bảo vệ môi trường.
“Khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, trọng tâm là NLTT, năng lượng sạch cũng như các chương trình tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả; tăng cường thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài, bao gồm vốn viện trợ phát triển chính thức ưu đãi, viện trợ phát triển chính thức không ưu đãi, vay thương mại nước ngoài”, ông Phúc chỉ rõ.
Năng lượng tái tạo vẫn tiếp tục đà tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn (Ảnh PV)
Có thể thấy, NLTT toàn cầu đã phát triển đến ngưỡng không còn đường lui, tạo ra một làn sóng mới một xu thế mới. Công suất và đầu tư cho NLTT vẫn tiếp tục đà tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn so với đầu tư và nợ công suất mới của nguồn năng lượng hóa thạch và điện hạt nhân. Việt Nam đang trong quá trình chuyển dịch năng lượng tất yếu, quá trình chuyển dịch mà liên kết với yếu tố tăng trưởng xanh nên cần phải đặt cả vấn đề về bền vững và công bằng.
Việc chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch hơn đã tốt hơn về mặt môi trường, nhưng làm sao để đảm bảo được sự bền vững, công bằng và hài hòa lợi ích giữa các bên lại là một hành trình rất gian nan, đòi hỏi sự chung tay của nhiều bên để đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải mà vẫn đảm bảo phát triển kinh tế.
Đưa ra những rào cản và điểm nghẽn trong việc chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, vấn đề nhận thức về chuyển đổi năng lượng vẫn chưa thật đầy đủ, chưa có quan điểm đúng đắn về tăng trưởng xanh.
“Nguồn ngân sách còn hạn chế về các nguồn lực chưa được lồng ghép vào trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, cho nên khi đưa ra các kế hoạch hành động lại không có nguồn lực để thực hiện. Các chương trình dự án đưa ra mà không có tiền thì không thể làm được, việc này là do trong thiết kế cũng như việc chuẩn bị nguồn lực còn đang bị hạn chế”, ông Tuấn cho biết.
Điểm hạn chế khác theo ông Tuấn chính là sự tham gia của khu vực tư nhân còn thấp. 97 % DN Việt Nam là DNNVV nên năng lực có nhiều hạn chế, đặc biệt là mặt công nghệ, trong khi bàn đến tăng trưởng xanh là phải tính đến công nghệ. Công tác giám sát, đánh giá báo cáo cũng chưa được chú ý hoặc có làm cũng mang tính hình thức và lối sống xanh chưa trở thành trào lưu chính trong xã hội.
“Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn mới phải chú ý khắc phục những điểm yếu, những điểm nghẽn của giai đoạn trước không chỉ là tư duy không chỉ là nhận thức mà còn cả vấn đề về vốn, kết nối và các vấn đề về giám sát, đánh giá báo cáo cho đến việc phải bổ sung những khía cạnh xã hội”, ông Tuấn nói.
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), hiện vẫn còn nhiều thách thức đặt ra trong quá trình chuyển dịch năng lượng. Nhu cầu sử dụng đất cho một số loại hình NLTT rất lớn, nếu không có những giải pháp căn cơ sẽ dẫn đến mâu thuẫn về đất đai. Do đó phải đảm bảo được sinh kế thu của cộng đồng bị ảnh hưởng hoặc bị mất đất khi phát triển các loại hình NLTT.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chưa chuẩn bị kịp trước sự bùng nổ của thị trường NLTT trong thời gian gần đây đã dẫn đến khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, thị trường lao động chưa đáp ứng kịp cho nội dung này nên tăng trưởng xanh cũng cần phải có chính sách và sự vào cuộc kịp thời để hỗ trợ cho các DN. Việc phát triển chuỗi cung ứng nội địa còn rất chậm và cũng chưa nhìn thấy đường hướng để có thể mang lại lợi ích tốt nhất cho Việt Nam.
“Vấn đề lưới điện tích trữ cũng còn rất nhiều chuyện cần phải làm để có thể giúp gia tăng được khả năng đóng góp từ nguồn NLTT. Nguồn NLTT không phải mất phí nhiên liệu nhưng cũng cần có những yêu cầu về mặt kỹ thuật của hệ thống lưới điện hay các giải pháp tích trữ”, bà Khanh cho biết.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất theo bà Khanh vẫn là vấn đề về chính sách, bởi vì chính sách đưa ra để có những định hướng, Nghị quyết nhưng chưa có luật về NLTT, hoặc là những quyết định mang tính chất ngắn hạn mà chưa có chính sách kế tiếp, giúp thị trường có sự chuẩn bị và định hướng. Nếu không có một chính sách ổn định và đồng bộ trong dài hạn sẽ là trở ngại rất lớn trong thu hút đầu tư phát triển năng lượng.
“Chuyển dịch từ nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch sẽ đòi hỏi phần đầu tư ban đầu lớn, vì thế cần phải khai thông nguồn tín dụng nguồn tài chính vốn giá rẻ của thế giới. Đây cũng là vấn đề đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống ngân hàng cũng như của thị trường tài chính trong nước, giúp loại bỏ những thách thức này”, bà Khanh chỉ rõ.
Theo TS. Nguyễn Thị Diệu Trinh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ KH&ĐT), suất đầu tư vào các dự án năng lượng vẫn cao, hệ số công suất thấp (từ 20% -30%) dẫn đến chi phí sản xuất điện cao. Điện gió khoảng 2,0 triệu USD/MW, điện mặt trời khoảng 1,1 - 1,3 triệu USD/MW tương đương với chi phí đầu tư thủy điện, nhưng hệ số công suất thủy điện có thể đạt 40% -45%.
“Ở các định chế tài chính và ngân hàng thương mại thường chú ý đến các sản phẩm cho vay thông thường, cho vay thương mại hơn là cho vay dự án năng lượng. Ngoài ra, năng lực của các công ty dịch vụ năng lượng còn yếu, chất lượng tư vấn chưa cao cũng như tiềm lực về vốn để đầu tư vào năng lượng tái tạo còn hạn chế. Đây đều là những thách thức đối với chuyển dịch năng lượng bền vững”, TS. Diệu Trinh nhận định.
Để chuyển đổi, dịch chuyển năng lượng bền vững, bà Ngụy Thị Khanh đề xuất, lợi ích của chuyển dịch năng lượng cần phải được tích hợp vào các chính sách trong giai đoạn từ 2021 – 2030; cần phải có cơ chế điều phối cấp quốc gia để đảm bảo có lộ trình chuyển đổi công bằng, nếu không sự chuyển đổi này chỉ thuần túy là chuyển đổi từ công nghệ này sang công nghệ khác, khiến những vấn đề về công bằng xã hội sẽ bị bỏ lỡ. Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực thi một cách đồng bộ và nhất quán chính sách ưu tiên sử dụng hiệu quả năng lượng, gắn với phát triển NLTT, hạn chế việc đầu tư thêm các nhà máy sản xuất điện nhiên liệu hóa thạch.
“Các chính sách phát triển năng lượng tái tạo cần quan tâm cả quy mô tập trung, phân tán và tích hợp để vừa tránh xung đột về đất đai, vừa đảm bảo sinh kế và cơ hội hợp tác mới của người dân và các nhóm cộng đồng bị ảnh hưởng trong chuyển dịch năng lượng; khai thông thị trường vốn ưu đãi từ quốc tế cho năng lượng sạch”, bà Khanh nói.
Cánh đồng điện gió Bạc Liêu (Ảnh Bạc Liêu)
Để đáp ứng nhiệm vụ chuyển dịch năng lượng quốc gia, TS. Nguyễn Ngọc Hưng, Phòng Kinh tế Năng lượng - Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) kiến nghị cần 5 trụ cột trong chính sách năng lượng quốc gia. Thứ nhất là phải đảm bảo an ninh năng lượng. Thứ hai là phải thúc đẩy thị trường năng lực cạnh tranh tạo tín hiệu giá cho mọi hoạt động sản xuất và tiêu dùng năng lượng. Thứ ba là thúc đẩy năng lượng mới và tái tạo. Thứ tư là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Thứ năm là gắn với bảo vệ môi trường thân thiện môi trường trong phát triển năng lượng.
“Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trong đó đặc biệt là tăng độ tin cậy cung cấp của hệ thống điện khi có tỷ trọng năng lượng tái tạo cao hơn trong hệ thống. Đối với chính sách năng lượng mới và tái tạo cần xây dựng luật về năng lượng mới và cải tạo để tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong phát triển năng lượng tái tạo trong dài hạn. Đồng thời xây dựng các cơ chế hỗ trợ hiệu quả cho năng lượng tái tạo chuyển từ cơ chế giá FIT cố định sang cơ chế giá FIT đấu thầu hoặc giá FIT linh hoạt để có sự minh bạch hơn trong các cơ chế hỗ trợ hiệu quả cho năng lượng tái tạo”, ông Hưng nêu ý kiến./.