Giấu vợ con, gia đình, bất kể gió bão mịt mù, vượt sóng dữ đi cứu người,… là chuyện không hiếm gặp của những người làm nghề cứu nạn trên biển.

Gặp chúng tôi trên chiếc tàu cứu nạn SAR 411 - phương tiện mà thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Dũng cùng các đồng nghiệp vượt sóng gió cứu hàng nghìn ngư dân gặp nạn trên biển mỗi năm, anh Dũng kể: “Tàu SAR 411 với biên chế 20 người, anh em sống như một gia đình, ăn uống sinh hoạt trên tàu hết,… Tàu là ngôi nhà thứ hai của cánh thuyền viên cứu nạn chúng tôi”.

Cơ duyên đưa thuyền trưởng Dũng đến với nghề cứu nạn như anh nói xuất phát từ “chữ tâm, tình yêu thương ngư dân như chính người thân của mình”. Sau khi tốt nghiệp ngành lái tàu biển của Đại học Hàng hải Việt Nam, trải qua những năm công tác trên các tàu biển lớn của Nhật Bản, Mỹ,… đi khắp các vùng biển trên thế giới, chứng kiến những trường hợp ngư dân gặp nạn thương tâm trên biển đã thôi thúc Nguyễn Mạnh Dũng quyết định về nước năm 2004 và gắn bó với công việc cứu nạn giữa biển khơi đầy bão tố, hiểm nguy tới bây giờ.

Nguyễn Mạnh Dũng là một trong 2 người đầu tiên đảm nhận chức vụ thuyền trưởng của 2 tàu cứu nạn chuyên dụng là SAR411 và SAR273 mà Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực I (Cục Hàng hải - Bộ GTVT) tiếp nhận từ phía Hà Lan.

“Tôi về làm việc tại Trung tâm tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực I từ năm 2004, khi đó Trung tâm mới tiếp nhận 2 tàu cứu nạn chuyên dụng là SAR411 và SAR273 từ phía Hà Lan. Đảm nhiệm chức vụ thuyền trưởng từ 2006, tôi luôn nói với anh em trẻ mới vào nghề rằng, công việc này chắc chắn vất vả và nguy hiểm. Đi làm trong những điều kiện khó khăn đôi khi cần người thuyền viên bền ý chí, có sức khỏe dẻo dai hơn là cơ bắp”, anh Dũng chia sẻ.

Theo anh Dũng, công việc cứu nạn như những “người lính” trực 24/24h, khi có lệnh, bất kể thời tiết thế nào họ sẽ phải lên đường. Đối mặt với sóng gió khi thời tiết xấu, điều làm những “người lính” này lo lắng nhất là lo không cứu được người gặp nạn.

“Làm công việc này, chúng tôi luôn xác định phải tìm cách ra khu vực các nạn nhân gặp nạn nhanh nhất có thể vì chỉ cần nhanh hơn một vài giây thôi sẽ cứu được nhiều người. Những chuyến đi của chúng tôi có khi kéo dài hàng tháng liền, tìm kiếm trước mới đến cứu nạn, nếu không tìm kiếm thấy nạn nhân thì không biết bao giờ mới hoàn thành nhiệm vụ. Những chuyến đi cứu nạn như thế không biết sẽ kéo dài đến bao giờ”, Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ.

Ông Đào Văn Hiển - Phó Giám đốc Trung tâm Cứu nạn Hàng hải Khu vực I (Cục Hàng hải) cho biết, anh em thuyền viên đi cứu nạn đều yêu nghề và coi ngư dân như người thân của mình thì mới bám trụ được với công việc vô cùng khó khăn vất vả này.

“Chúng tôi luôn coi ngư dân như người nhà của mình, phải lao vào cứu và đưa người ta về nơi an toàn, thậm chí đưa thi thể ngư dân thiệt mạng đang phân hủy về với gia đình. Sau nhiều vụ việc ngư dân gặp nạn được anh em cứu, đến nay đa phần ngư dân biết đến Trung tâm Cứu nạn Hàng hải. Khi đang làm nhiệm vụ ngoài biển, ngư dân thấy tàu cứu nạn là liên lạc bộ đàm và đến cho anh em mớ rau, con cá cải thiện bữa ăn. Điều này vô cùng ý nghĩa, động viên anh em không chỉ về mặt tình cảm mà còn giúp anh em cứu nạn cải thiện kịp thời bữa ăn sau chuỗi ngày dài đi biển thiếu thực phẩm. Nhiều chuyến để kịp đi cứu nạn, anh em không kịp mua thực phẩm, chủ yếu sử dụng đồ khô trên tàu chuẩn bị sẵn”, ông Hiển cho biết.

Điều đáng mừng theo ông Hiển là hiện nay cả nước có hơn 1 triệu lao động trên biển, từ năm 2017 – 2020 những vụ tai nạn hàng hải, tai nạn tàu cá đã giảm đi rất nhiều, tuy nhiên những tai nạn đâm va giữa tàu hàng và tàu cá lại vẫn xuất hiện những vụ rất nghiêm trọng.

Theo những người làm công tác cứu nạn, công việc này vô cùng khó khăn vất vả, luôn đối diện với hiểm nguy. Chính vì vậy, nhiều khi phải giấu diếm người thân vì sợ họ sẽ lo lắng. “Phần lớn khi về nhà chúng tôi ít chia sẻ, thậm chí là giấu không cho người thân biết vì mức độ nguy hiểm, vất vả mà chúng tôi gặp phải, sẽ khiến họ lo lắng. Hầu hết các thông tin mà vợ con, người nhà nhận được đều từ báo chí, có những vụ việc chúng tôi phải đi cả tháng liền, nếu chia sẻ thì vợ con ở nhà lo lắng và chẳng thể yên tâm làm gì được”, anh Dũng kể.

Tuy gặp nhiều khó khăn vất vả là vậy nhưng những “người lính cứu nạn” vẫn có những niềm vui trong công việc. Đó là niềm vui, khi cứu được các nạn nhân, đưa họ đến nơi an toàn. Khi đó bao khó khăn, áp lực dường như được trút bỏ. Chả cần gì cao sang, lý tưởng, điều mà những “người lính cứu nạn” này hướng đến đơn giản là hoàn thành nhiệm vụ, xác định được ngày về đoàn tụ với gia đình, bỏ lại sau lưng những khó khăn chờ họ ngoài biển khơi.

“Nghề này không hề đơn giản, yêu cầu sức khỏe ổn định, không phải cứ khỏe, cơ bắp mà làm được mà cần sức bền, chịu được sức ép của sóng gió, thời tiết. Điều quan trọng phải yêu nghề, chấp nhận gian khổ. Trong suốt 16 năm làm nghề, tôi thấy ngư dân còn chủ quan, xem nhẹ, rất nhiều trường hợp đáng tiếc không kịp vào nơi an toàn”, thuyền trưởng Dũng kể.

Theo ông Đào Văn Hiển - Phó Giám đốc Trung tâm Cứu nạn Hàng hải Khu vực I (Cục Hàng hải), những vụ việc xảy ra, lỗi từ con người chiếm tới 60 - 70%, lỗi nhận định chủ quan dẫn đến quyết định sai lầm của con người là nguyên nhân chính dẫn đến tổn thất. Riêng nghề đi biển, không bao giờ được chủ quan, khi phải đối mặt với sức mạnh của thiên nhiên thì sức người vô cùng nhỏ bé. Tổn thất đều do quyết định sai của con người, nhận định sai về thời tiết, sai về phương tiện.

“Bình thường phương tiện di chuyển vẫn trơn tru, nhưng chủ quan không kiểm tra, bảo dưỡng định kì thì bất ngờ gặp sự cố ở những thời điểm nguy hiểm. Trong thời gian gần đây, ý thức của người dân trong đi biển được nâng cao, thông tin được tiếp cận dễ dàng hơn. Trước kia, những người đi biển tiếp cận thông tin nhất là về thời tiết rất khó khăn, bằng các phương tiện rất thô sơ”, ông Hiển nêu ví dụ.

Máy trưởng tàu SAR 411 - Phạm Văn Việt chia sẻ: “Có những vụ việc khiến chúng tôi hối tiếc, giá đất nước mình có phương tiện hiện đại hơn như máy bay, tàu cứu nạn cỡ lớn, đi nhanh hơn, thiết bị hỗ trợ nhiều hơn,… thì sẽ kịp thời cứu nạn được nhiều trường hợp hơn nữa. Nhiều trường hợp mặc dù chúng tôi nỗ lực hết sức nhưng khi đến nơi các nạn nhân đã không qua khỏi. Chứng kiến người thân của nạn nhân khóc đón thi thể, rất tang thương, vô cùng xót xa”.

Để khắc phục vấn đề này, theo thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Dũng, dù hiện nay phương tiện cứu hộ từng bước được hiện đại hóa những nhân lực cứu nạn vẫn còn mỏng. “Đất nước đang phát triển vẫn còn hạn chế về nhiều mặt, ngư dân vẫn còn dùng nhiều phương tiện thô sơ, chắp vá để đánh bắt cá nên tình trạng hỏng hóc thường xuyên xảy ra. Khi thực hiện nhiệm vụ chúng tôi chịu nhiều nguy hiểm, sức ép vô cùng lớn. Để công tác cứu nạn được hiệu quả hơn nữa, theo tôi cần hiện đại hóa phương tiện cứu nạn, đầu tư máy bay cứu nạn để tiếp cận hiện trường nhanh, phối hợp các phương tiện cứu nạn chuyên dụng  khác như tàu, thuyền đạt hiệu quả hơn…”./.


Tác giả: Văn Ngân/VOV.VN - Trình bày: Quang Huy

Thứ Tư, 11:30, 09/12/2020