Dự án Dòng chảy phương Bắc 2, dẫn khí đốt từ Nga tới Đức thông qua Biển Baltic đã trở thành mục tiêu đầu tiên khi Mỹ cảnh báo về những biện pháp trừng phạt tiềm năng mà phương Tây có thể áp đặt trong trường hợp Moscow tấn công Ukraine.

Thuộc sở hữu của Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga, Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án cơ sở hạ tầng gây tranh cãi nhất về mặt chính trị của châu Âu. Nga và Đức cho đây là một hoạt động thương mại nhằm bảo vệ nguồn cung khí đốt của châu Âu. Nhưng Ukraine, Mỹ cùng nhiều nước EU cho rằng, dự án sẽ tạo thêm nhiều đòn bẩy cho Điện Kremlin để sử dụng năng lượng làm vũ khí chống lại châu Âu.

Trong bối cảnh Nga đang huy động binh sỹ, khí tài tới biên giới với Ukraine và tình báo Mỹ thì cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công có kế hoạch, Nhà Trắng đã hối thúc Đức cam kết ngăn chặn dự án này. Sau cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Putin, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết: “Nếu ông Putin muốn thấy khí đốt chảy qua đường ống này, ông ấy sẽ không muốn mạo hiểm xâm lược Ukraine”.

Không có dự án đường ống dẫn khí đốt nào bao hàm mối quan hệ phức tạp, vừa đối đầu lại vừa hợp tác giữa Nga với châu Âu như Dòng chảy phương Bắc 2. Khi đi vào hoạt động, đường ống này sẽ vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt tới Đức mỗi năm, tương đương 15% lượng khí đốt nhập khẩu hàng năm của EU.

Mỹ từ lâu đã phản đối dự án có tổng giá trị 11 tỷ USD này. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông qua biện pháp trừng phạt các công ty liên quan đến dự án với lập luận rằng châu Âu không thể yêu cầu Mỹ giúp đối phó Nga trong khi ủng hộ Nga thông qua việc mua khí đốt. Tổng thống Mỹ Biden đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vào tháng 5/2021, cho rằng dự án gần như đã hoàn thành và việc duy trì quan hệ tốt với đồng minh Đức vẫn quan trọng hơn.

Việc Nga dồn quân đến biên giới Ukraine đã làm thay đổi tính toán đó. Trích dẫn báo cáo tình báo cho rằng Điện Kremlin có thể tiến hành một cuộc tấn công ngay trong tháng 1/2021, Nhà Trắng đã kêu gọi các quốc gia châu Âu đe dọa trừng phạt để khiến Tổng thống Putin từ bỏ ý định đó.

Quân đội Nga được cho là đã triển khai hơn 100.000 binh lính và nhiều khí tài quân sự hạng nặng tới gần biên giới Ukraine (Ảnh BBC)

Ngoài những biện pháp nhằm vào hệ thống tài chính của Nga, việc Berlin dừng cấp phép cho Dự án Dòng chảy phương Bắc cũng là một đòn giáng mạnh vào chiến lược xuất khẩu khí đốt của Gazprom – khiến họ sụt giảm doanh thu, đồng thời cho thấy châu Âu có thể cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga. Điều này cũng nêu bật sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương nhằm phản đối hành động quân sự của Nga dù Đức đã lên tiếng bảo vệ Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 suốt nhiều năm qua.

Tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ảnh Euronews)

Sau khi tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên thệ nhậm chức ngày 8/12, các quan chức Mỹ cho biết, họ đã liên lạc với chính quyền mới của nước này.

FT dẫn các nguồn tin thân cận với chính phủ Đức cho biết, dù có lập trường ủng hộ Dòng chảy phương Bắc 2, chính quyền Thủ tướng Olaf Scholz sẽ xem xét đóng cửa dự án nếu Nga tấn công Ukraine, như một phần của biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Tại Brussels, các quan chức EU cho biết, 27 nước thành viên trong khối này đều nhất trí về khả năng áp đặt biện pháp trừng phạt chung, nhưng Đức, Pháp và Italy sẽ xác định những chi tiết quan trọng nhất. Việc EU chưa công bố chi tiết biện pháp trừng phạt mới đồng nghĩa với việc tiến trình đàm phán giữa khối này và Mỹ về gói trừng phạt cuối cùng đối với Nga đang bị chậm lại.

Giới phân tích cho rằng, gói trừng phạt mới có thể nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhiều nước thành viên khác của EU. Ba Lan và 3 nước vùng Baltic là những quốc gia phản đối dự án dữ dội nhất. Warsaw đã tung ra một loạt thách thức pháp lý để ngăn chặn hoạt động xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2.

Sự lo lắng của châu Âu đối với Dòng chảy phương Bắc 2 và Nga – nhà cung cấp năng lượng chính, đã gia tăng vào mùa Thu năm nay do cuộc khủng hoảng khí đốt và giá năng lượng tăng cao. Nhiều nhà phân tích cho rằng, một phần nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do Gazprom quyết định cắt giảm nguồn cung cho châu lục. Tổng thống Putin bác bỏ cáo buộc dùng năng lượng làm vũ khí, nhưng ông cho biết, việc cấp phép cho dự án là cách duy nhất mà Nga có thể gia tăng sản lượng khí đốt cho châu Âu để giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng hiện nay. 

Bản đồ tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (đồ họa: Quang Huy)

Hiện Mỹ và châu Âu đang tăng cường tham vấn về gói trừng phạt mới đối với Nga. Một số nguồn tin cho rằng, gói này khó có thể được nhất trí trước cuộc họp của Hội đồng châu Âu ngày 23/12 tới. Washington muốn có sự ủng hộ hoàn toàn của Berlin trong lập trường về Dòng chảy phương Bắc 2 để có thể gửi thông điệp mạnh mẽ đến Moscow nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công Ukraine.

Tuy vậy, trong trường hợp Nga không thực thi bất cứ hành động quân sự nào đối với Ukraine thì dự án vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua.

Dự án vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua (Ảnh Reuters)

Hồi tháng 11 vừa qua, Đức đã tạm ngừng cấp phép cho dự án với lý do công ty vận hành dự án này chưa tuân thủ luật pháp Đức. Thủ tục pháp lý của Đức yêu cầu các tài sản và nguồn nhân lực chính phải được chuyển từ công ty mẹ sang chi nhánh tại Đức. Công ty con này sẽ sở hữu và vận hành phần đường ống ở sở tại. Để hoàn tất thủ tục cần ít nhất từ 3 đến 5 tuần. Điều đó có nghĩa là dự án có thể bắt đầu cung cấp khí đốt cho châu Âu sớm nhất là vào tháng 2/2021, bà Maria Belova người đứng đầu nhóm chuyên gia của Công ty chuyên về lọc hóa dầu Vygon Consulting nhận định.

Bên cạnh đó, theo quy định của EU, nhà quản lý Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ phải tìm cách cho các công ty khác tiếp cận đường ống và tuân thủ các yêu cầu về thuế quan. Chính phủ Nga đang cân nhắc cho phép nhà sản xuất khí đốt lớn thứ 2 của Nga là Rosneft sử dụng đường ống để xuất khẩu khí đốt sang châu Âu – một bước đi bị tập đoàn Gazprom phản đối, nhưng có thể thúc đẩy sự chấp thuận của EU đối với Dòng chảy phương Bắc 2.

Trong trường hợp xấu nhất, quá trình vận hành dự án có thể bắt đầu vào tháng 6/2022, sau khi EU đã có thời gian tương đối dài để đánh giá và cân nhắc về việc cấp phép cuối cùng cho dự án./.

Thứ Ba, 06:30, 14/12/2021