Nhiều lúc nằm vắt tay lên trán, cô La Thị Vân (bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) – giáo viên Trường Mầm non Bảo Nam lại ngẫm nghĩ về cuộc đời của chính mình. Những biến cố liên tiếp xuất hiện, khiến chị dường như bất lực. “Làm răng mà sống qua ngày đoạn tháng nuôi 2 đứa con ăn học?” là câu hỏi mà chị Vân liên tục trăn trở.

Chị Vân kết hôn năm 2007. Cách đây 5 năm, trong một lần đi họp phụ huynh cho con, chồng chị không may gặp cơn đột quỵ và qua đời. Chồng mất đột ngột, khiến bản thân chị khó có thể làm quen với cảnh thiếu chồng, thiếu người cha chăm bẵm cho những đứa con thơ.

Căn nhà 400 triệu đồng, mẹ con chị La Thị Vân mới ở được 4-5 tháng giờ chẳng còn thể ở được nữa

“Chồng mất là cú sốc lớn đối với tôi. Tôi đau khổ, tuyệt vọng và thấy thật khó có thể thích nghi với sự thật phũ phàng này. Tôi tự an ủi, chồng mình chỉ đi làm kiếm tiền nuôi gia đình thôi, rồi mai mốt anh ấy sẽ về”, chị Vân tâm sự.

Thời gian là liều thuốc hữu hiệu nhất giúp chị vơi đi vết thương lòng. Chị lao vào công việc, “lặn lội thân cò” nuôi các con ăn học đầy đủ và cất được căn nhà bên con suối Huồi Giảng. Những tưởng cuộc sống đã yên ổn, chị và các con từ đây đã có mái nhà của riêng mình, nơi tổ ấm mà chị sẽ gắn bó lâu dài. Nào ngờ đâu, con suối ngày thường yên bình là vậy bỗng “nổi loạn”. Nước, cây cối và đất đá từ đâu đổ về cuốn phăng căn nhà của 3 mẹ con.

“Nhà vừa xây xong, mới đến ở được 4-5 tháng. Tôi đứng ra vay ngân hàng và nhờ họ hàng đứng ra vay mượn, tổng cộng hết 400 triệu đồng, đủ làm căn nhà nhỏ, bây giờ coi như trắng tay. Cũng may cả 3 mẹ con an toàn trong lũ dữ”, chị Vân nói.

Cũng cơn lũ dữ đó, gia đình cô Ngũ Thị Bích Ngọc (bản Sơn Hà, xã Tà Cạ, Kỳ Sơn) – giáo viên Trường Mầm non Tà Cạ trở nên trắng tay trong một đêm kinh hoàng. Nửa căn nhà chơi vơi trên đỉnh đồi cùng trang trại với hơn 500 con gà đen bị cuốn sạch trong đêm.

Cơn lũ dữ cuốn phăng căn nhà của gia đình cô giáo Ngũ Thị Bích Ngọc cùng trang trại với hơn 500 con gà đen.

Nhớ lại những gì đã qua, Ngọc cảm thấy rùng mình: “12h đêm hôm đó, trận sạt lở nghiêm trọng diễn ra, đến 6h sáng, căn nhà mà gia đình 4 người chúng tôi đang ở bị sạt gần hết, mọi vật dụng đều trôi xuống dòng suối bên cạnh. Những ngày đầu, cả gia đình bị cô lập, chỉ biết đứng nép ở góc nhà để chờ các anh bộ đội giải cứu đưa vào vùng an toàn”.

Bích Ngọc là giáo viên từ vùng xuôi lên vùng cao dạy học. Sau 4 năm gắn bó ở mảnh đất này, gia tài của cô chính là tổ ấm nhỏ cùng một căn nhà trên núi. Thế nhưng, thiên tai khắc nghiệt, chỉ một đêm cả nhà rơi vào cảnh trắng tay.

“Nhìn những gì cả 2 vợ chồng gây dựng nên bị trôi hết trong nháy mắt mà cảm thấy chua xót. 4 năm, bao nhiêu công sức, tiền bạc đều đầu tư vào đó. Chắc có lẽ, cả đời này, tôi sẽ chẳng bao giờ quên được những hình ảnh về cơn lũ khủng khiếp đó. May thay, cả gia đình vẫn bình an vô sự”, cô giáo Ngọc kể lại.

Sau 4 tháng kể từ ngày lũ dữ càn qua, dù cuộc sống vẫn còn đầy khó khăn, tạm gác lại những âu lo phía trước, các cô giáo vùng cao vẫn một lòng yêu nghề, yêu trẻ, cùng hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn.

Sau lũ dữ, cô La Thị Vân gác lại những âu lo, tiếp tục đến trường dạy các em thơ.

Từ ngày xảy ra cơn lũ quét, chị La Thị Vân và các con chẳng dám quay về căn nhà cũ đó nữa, bởi nếu có sửa lại cũng chẳng thể ở đó được nữa. Nhờ hàng xóm láng giềng, chị và các con đã có chỗ ăn, chỗ ở tạm. Xốc lại tinh thần, chị Vân lại bắt đầu với công việc thường nhật là một giáo viên dạy trẻ.

Hàng ngày, chị vượt 25km đến Trường Mầm non Bảo Nam, xã Bảo Nam dạy học. Đứa con nhỏ thứ 2 cũng theo mẹ đến trường, còn bé lớn học nội trú ở thị trấn Mường Xén.

Sau 2 tuần, thấy mẹ con chị đi lại vất vả, ban giám hiệu nhà trường đã giúp chị tìm được một căn nhà ở tạm gần nơi chị đang theo dạy, nhờ đó, con đường đến trường của mẹ con chị được rút ngắn hơn.

Sau bao thăng trầm, giờ đây, chị chỉ biết lấy công việc làm niềm vui, để phấn đấu, lấy 2 đứa con làm điểm tựa tinh thần để cố gắng. Ước mơ về một căn nhà làm chỗ đi ra, đi vào vẫn luôn ấp ủ trong đầu chị.

Xếp lại những ngổn ngang sau lũ, cô giáo Ngũ Thị Bích Ngọc và gia đình lại bắt tay vào tìm chỗ ở trọ để ổn định cuộc sống. Nhờ sự động viên của mọi người xung quanh, từng ngày trôi qua, vợ chồng cô giáo cũng bắt đầu ổn định lại cuộc sống để bắt kịp với nhịp sống thường ngày. Chồng chị Ngọc cũng bắt đầu lên phương án tìm nơi xây dựng lại trang trại gà đen, còn chị lại tiếp tục đến trường gieo chữ cho các em nhỏ.

Sau những gì đã xảy ra, Ngọc chưa bao giờ có ý định rời bỏ vùng cao, rời bỏ bản làng và những em thơ ở đây. Cô vẫn đi dạy ở Trường Mầm non Tà Cạ, vẫn hàng ngày đem con chữ, lời ca, tiếng hát đến với trẻ em vùng cao.

Với Ngọc, mỗi ngày được lên trường, nhìn thấy trẻ ở đây, cô lại thấy bình yên lại: “Chưa bao giờ tôi muốn rời bỏ bỏ mảnh đất này, những đứa trẻ ở đây đang rất cần mình. Với tôi, mảnh đất này là duyên, là nghiệp rồi”.

Hậu quả từ đợt lũ ống, lũ quét vừa qua đã gây ra thiệt hại rất lớn cho cán bộ, giáo viên cũng như trường học trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Giáo viên bị trôi nhà, mất tài sản lên đến 40 người, toàn huyện có 81 giáo viên chịu ảnh hưởng của cơn lũ ống, lũ quét. Rất nhiều trường học trên địa bàn bị sạt lở nghiêm trọng, đồ dùng học tập của các cháu cũng bị cuốn trôi.

Ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn

Theo ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn, ngay sau lũ ống, lũ quét, ngành giáo dục Kỳ Sơn đã kêu gọi kinh phí hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai. Huyện Kỳ Sơn cũng đã chi ngân sách lớn để khắc phục thiệt hại do lũ gây ra tại một số ngôi trường. Những điểm trường bị hư hỏng nặng thì di dời học sinh về cơ sở chính, các con được ăn ở bán trú tại trường để các cháu được đi học bình thường.

“Phòng Giáo dục và Đào tạo đứng ra kêu gọi công nhân viên toàn ngành hỗ trợ những giáo viên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Những giáo viên chịu thiệt hại nặng nề của lũ quét nhận được nhiều nhất 15-20 triệu đồng, giáo viên nhận ít nhất cũng được 5-6 triệu đồng. Chúng tôi cố gắng động viên chia sẻ để giúp giáo viên ổn định cuộc sống, chủ yếu vẫn là xây dựng khu tái định cư để họ yên tâm lập nghiệp”, ông Thiết cho biết.

Theo ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, hiện nay, địa phương cơ bản khắc phục đến 95% về hạ tầng, ổn định dân sinh, đặc biệt là chỗ ăn, ở tạm thời đối với các hộ chịu thiệt hại thiên tai.

“Huyện đang tập trung xây dựng khu tái định cư mới cho người dân ở xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén. Tỉnh đang cho chủ trương thực hiện lệnh khẩn cấp để xây dựng khu tái định cư, đặc biệt là nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, trong đó có nguồn hỗ trợ của Ban cứu trợ, thông qua MTTQ tỉnh là 25 tỷ, Quỹ Thiện Tâm 10 tỷ. Thời gian này, huyện đang triển khai các quy trình quy định để thực hiện việc triển khai dự án, các vấn đề liên quan đến thiết kế để trình cấp có thẩm quyền để triển khai dự án này sớm nhất để bảo đảm đời sống của nhân dân, giúp bà con an cư lạc nghiệp, sớm ổn định cuộc sống lâu dài”, ông Vi Hòe cho biết./.

Thứ Hai, 07:00, 09/01/2023