Năm 2022 là năm kinh tế thế giới và trong nước đều phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Lạm phát gia tăng trên quy mô toàn cầu, lãi suất và đồng USD liên tục tăng cao, chiến tranh và xung đột chính trị chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nền kinh tế Việt Nam không chỉ chịu nhiều ảnh hưởng sau 2 năm đại dịch COVID-19 mà cộng hưởng với nhiều diễn biến bất lợi trên thị trường… đã tạo tác động mạnh tới niềm tin của nhà đầu tư.

Trước tình hình đó, với những nỗ lực bền bỉ vượt qua thách thức, năm 2022, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - HoSE: TPB) đạt 7.828 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương tăng khoảng 30% so với năm 2021. TPBank đã chủ động trong các kế hoạch kinh doanh, thực hiện kiểm soát chặt chẽ doanh thu - chi phí để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và diễn biến thị trường. Nhờ kiểm soát tốt chất lượng nợ, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng tím ghi nhận giảm tới 36,61% so với cùng kỳ, chỉ còn khoảng 1.800 tỷ đồng vào năm 2022.

Bên cạnh đó, mức lợi nhuận này còn đến từ việc gia tăng dịch vụ bảo lãnh và tài trợ thương mại để tăng thu nhập từ phí. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank trong năm 2022 đạt trên 15.600 tỷ đồng, tăng hơn 15,5% so với năm 2021. Lãi thuần từ dịch vụ đạt khoảng 2.700 tỷ đồng, tăng gần 75% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, sự phục hồi tích cực của các khách hàng được giãn nợ trong thời kỳ dịch bệnh cũng góp phần gia tăng nguồn thu của ngân hàng.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của TPBank ghi nhận tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước, cán mốc gần 329 nghìn tỷ đồng.

Bằng việc điều tiết nhu cầu tăng trưởng huy động theo nhu cầu sử dụng vốn nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất, tổng huy động năm 2022 của TPBank đã đạt những bước tiến lớn khi chạm mốc khoảng 289 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ.

Nguồn vốn cũng được TPBank sử dụng hiệu quả với chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt khoảng 2%. Tỷ lệ dư nợ trên tổng tiền gửi (LDR) của TPBank ở mức khoảng 85%, thấp hơn mức trung bình toàn ngành là 93%. Trong bối cảnh thị trường khó khăn, ngân hàng tím đã có những tính toán, dự báo chính xác, quản trị rủi ro thanh khoản tốt, chủ động chuyển đổi cơ cấu vốn huy động, tăng huy động thị trường 1, giảm bớt phụ thuộc vào thị trường 2. Nhờ vậy mà huy động vốn trên thị trường 1 tăng tốt, thanh khoản luôn đảm bảo.

Cũng theo báo cáo tài chính đã được 28 ngân hàng công bố, tính đến cuối năm 2022, các ngân hàng đã huy động được tổng cộng hơn 8,3 triệu tỷ từ tiền gửi khách hàng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 16/28 ngân hàng ghi nhận có số dư tiền gửi khách hàng tăng trên 10%. TPBank gây ấn tượng hơn cả với tỷ lệ tăng trưởng tiền gửi khách hàng năm qua lên tới xấp xỉ 40%, vượt xa các vị trí tiếp theo là VPBank với 25%, ABBank và MSB với 24%, LienVietPostBank với 20%, HDBank với 17,74%...

Đi sâu phân tích tỷ lệ này của TPBank, bên cạnh 80% tiền gửi có kỳ hạn là lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) mới khi số lượng khách hàng lựa chọn “Bank tím” làm ngân hàng giao dịch chính tăng cao. Trong 11 tháng đầu năm 2022, số lượng tài khoản khách hàng của nhà băng này đã tăng tới 38%.

Những con số bứt phá đầy ấn tượng trên là minh chứng rõ ràng nhất cho những nỗ lực của TPBank, đặc biệt mạnh mẽ trong những năm gần đây. Đại diện ngân hàng tím chia sẻ: "TPBank đã trở thành ngân hàng thân thiết của hàng triệu người Việt Nam với tuyên ngôn "vì chúng tôi hiểu bạn" một cách thực chất thay vì chỉ tiếp cận một cách đơn thuần”.

TPBank đã tiến hành đồng bộ tiếp cận khách hàng đa kênh và đa lực lượng. Gần 30 điểm giao dịch mới đi vào hoạt động trong năm đã nâng tổng số lượng chi nhánh/phòng giao dịch TPBank trên toàn quốc lên hơn 120 điểm.

Cùng với đó, “Bank tím” không ngừng số hóa, liên tục cho ra mắt sản phẩm, dịch vụ công nghệ nổi trội, mang nhịp đập và hơi thở của cuộc sống và đậm chất riêng. Hệ thống LiveBank+ 24/7, nền tảng công nghệ eKYC và hệ sinh thái kết nối không ngừng được nâng cấp đem đến cho khách hàng những trải nghiệm thú vị, màu sắc và thông minh nhất. Rào cản thời gian bị xóa nhòa khi khách hàng có thể giao dịch mọi lúc với hệ thống “ngân hàng không ngủ” của TPBank.

Những năm gần đây, TPBank còn luôn sẵn sàng đồng hành, chia sẻ với người dân và khách hàng xuyên suốt các thời kỳ khó khăn bởi dịch bệnh và diễn biến bất định của thị trường. Không chỉ đóng góp hàng chục tỷ đồng cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh, TPBank liên tục đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ lãi suất lớn và đặc biệt sẵn sàng chia sẻ phần nào lợi nhuận kinh doanh của mình trong năm để bình ổn lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Chỉ tính riêng trong năm qua, hơn 51.000 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp của TPBank đã được hỗ trợ giảm lãi vay với tổng số tiền lên tới hơn 615 tỷ đồng. Bên cạnh đó, gần 355 tỷ đồng là số tiền phí bao gồm phí bảo lãnh, phí thanh toán quốc tế, phí trả nợ trước hạn… mà nhà băng này đã miễn giảm cho gần 1.400 khách hàng trong năm qua.

Việc lựa chọn TPBank để trao gửi niềm tin tài chính của khách hàng là minh chứng rõ nét cho sự vững mạnh và uy tín của ngân hàng, thành quả xứng đáng cho những nỗ lực vì khách hàng đã được tạo dựng trong nhiều năm qua. 

Giới phân tích vẫn thường nhắc đến TPBank như một ví dụ về sự thành công của chuyển đổi số, một cách thực chất và hiệu quả. Thành quả lợi nhuận của 10 năm qua có đóng góp lớn lao của hướng đi riêng biệt, tập trung vào công nghệ, trọng tâm là ngân hàng số. Từ một nhà băng non trẻ, trong hoàn cảnh ngặt nghèo, vừa thiếu vốn, vừa thiếu nền tảng, TPBank đã “thay da đổi thịt” dần lấy lại phong độ và bứt tốc trên đường đua, đưa lợi nhuận và tổng tài sản của TPBank không ngừng tăng trưởng sau các năm. Có thể nói, chuyển đổi số đã “chuyển đổi số … phận” của TPBank, giúp nhà băng từ một ngân hàng phải tái cơ cấu với khoản lỗ lũy kế hàng ngàn tỷ vươn lên trở thành một ngân hàng hoạt động hiệu quả với ROE hai năm gần nhất lần lượt là 22,61% (2021) và 21,5% (2022), thuộc TOP cao trong hệ thống ngân hàng thương mại.

Một loạt giải thưởng liên tiếp cho ngân hàng số của The Asian Banker, IDG Việt Nam và AIBP trong năm 2022 đã khẳng định uy tín và thành công của TPBank trong việc chuyển đổi số toàn diện, phát triển một hệ sinh thái ngân hàng số đồng bộ, thân thiện và thỏa mãn mọi nhu cầu của khách hàng.

Tháng 12/2022, trong bảng xếp hạng 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương do tạp chí The Asian Banker công bố, TPBank đứng thứ 61, vượt 143 bậc so với năm ngoái và vượt lên cả những tên tuổi như Vietcombank (đứng thứ 66), MB (đứng thứ 72), Vietinbank (đứng thứ 129), BIDV (đứng thứ 127), Techcombank (đứng thứ 101),.... Trong các ngân hàng Việt, TPBank gây bất ngờ khi từ vị trí thứ 7 năm 2021 để vươn lên dẫn đầu trong bảng xếp hạng năm 2022 với điểm số cao ở nhiều tiêu chí như tỷ lệ an toàn vốn, khả năng sinh lời, chất lượng tài sản, thanh khoản,… Là ngân hàng tiên phong hiện áp dụng theo chuẩn Basel III, ILAAP, IFRS, các chỉ số về an toàn vốn và thanh khoản được TPBank quản lý rất chặt chẽ. Theo đó, tỷ lệ an toàn vốn theo Basel III (CAR) của TPBank năm 2022 tiếp tục ở mức an toàn cao 12,6%, vượt xa mức tiêu chuẩn là 8%. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp chỉ số này của ngân hàng màu tím vượt 12%.

Cùng Techcombank, ACB, Sacombank…, TPBank cũng tiếp tục nằm trong nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ ở mức dưới 1% vào cuối năm qua. Cùng với đó, tỷ lệ bao nợ xấu của TPBank luôn ở mức trên 135% trong nhiều năm qua và thuộc top các ngân hàng có tỷ lệ cao.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ: “Khi triển khai đồng thời các chuẩn mực này, áp lực về kế hoạch vốn của ngân hàng trong trung và dài hạn là rất lớn, buộc TPBank phải lập kế hoạch chặt chẽ, tối ưu hoá nguồn vốn, xây dựng các kế hoạch kinh doanh hiệu quả nhằm đảm bảo sự phát triển nhanh nhưng vững bền của ngân hàng. Xếp hạng và sự công nhận của The Asian Banker đã phản ánh rất chính xác tương quan thị trường và là sự ghi nhận tốt nhất cho những nỗ lực không ngừng của TPBank trong thời gian qua.

Năm 2022, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (VNR) công bố TPBank là một trong 10 ngân hàng thương mại Việt Nam Uy tín, đồng thời là một trong số 4 ngân hàng tư nhân Uy tín nhất của năm 2022. TPBank đã liên tiếp giữ vững vị trí trong bảng xếp hạng này 4 năm liên tiếp.

TPBank cũng được tổ chức uy tín Moody’s đánh giá xếp hạng tín nhiệm cao tới 2 lần và thuộc top đầu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Xếp hạng tín nhiệm của TPBank được Moody's nâng lên mức Ba3, triển vọng ổn định, thể hiện sự ghi nhận của Moody’s về các chỉ số kinh tế vĩ mô tích cực, cùng việc cải thiện chất lượng tài sản, khả năng kiểm soát tốt rủi ro và năng lực sinh lời của TPBank trong thời gian qua, khẳng định hành trình tiến bước vững vàng của ngân hàng trong năm 2023 và nhiều năm tiếp theo.

Sau khi công bố kết quả kinh doanh khả quan, TPBank tiếp tục thông tin về kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt ngay trong quý I. Đại hội đồng cổ đông TPBank đã thông qua phương án trả cổ tức 25% bằng tiền mặt, với tỷ lệ tán thành đạt 77,69%. Theo kế hoạch, TPBank sẽ thực hiện trả cổ tức 2.500 đồng/cổ phiếu. Với gần 1,582 tỷ cổ phiếu đang lưu hành và không có cổ phiếu quỹ, ước tính TPBank sẽ chi khoảng 3.955 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Nguồn chi trả sẽ lấy từ lợi nhuận chưa phân phối còn đến năm 2021, sau khi trích lập các quỹ theo Báo cáo tài chính đã kiểm toán.

Việc chia cổ tức bằng tiền mặt của TPBank được thông tin đồng thời với các diễn biến tích cực của cổ phiếu TPB trên thị trường khi thị giá tăng hơn 14% và thanh khoản bình quân đạt 176 tỷ đồng/phiên. 

Đánh giá tích cực về TPB, Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt lưu ý đây là lần đầu tiên TPBank trả cổ tức bằng tiền mặt và khuyến nghị mua cổ phiếu TPB với giá mục tiêu là 28.100 đồng/cổ phiếu.

Thứ Tư, 06:30, 01/03/2023