Năm 2020, trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, là một trong những lực lượng ở tuyến đầu biên giới, lực lượng Hải quan cùng một lúc phải thực hiện nhiệm vụ kép: tạo thuận lợi thương mại và phòng chống dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, ngay từ đầu năm, ngành Hải quan xác định, năm 2020 là một năm có những thuận lợi, nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức, những tình huống phát sinh trên thế giới và khu vực liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan. Trong điều kiện tình hình dịch bệnh, ngành Hải quan thường xuyên nắm bắt, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa, báo cáo tình hình hàng ngày đến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của Bộ Tài chính và Chính phủ.

Xác định việc đảm bảo hoạt động giao thương, tạo thuận lợi thương mại trong tình hình dịch bệnh bùng phát ở trong nước và các nước trên thế giới là nhiệm vụ quan trọng, ngành Hải quan tập trung rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng hóa thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào thông quan, giải phóng hàng hóa, tránh tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa công chức hải quan với người làm thủ tục. Điển hình như: triển khai thông quan nhanh hàng hóa, đặc biệt là hàng viện trợ trong phòng, chống dịch; giảm các trường hợp phải lấy mẫu để phân tích, giám định, phân loại hàng hóa, rút ngắn thời gian trả mẫu, nâng tỷ lệ thông báo kết quả phân tích, phân loại trước hạn và đúng hạn; đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan…

Theo ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cơ quan Hải quan đã có nhiều giải pháp cải cách hiện đại hóa trong nội tại, đồng thời kiến nghị với các bộ, ngành liên tục cải cách để giảm chi phí, giảm thời gian thông quan cho doanh nghiệp.

“Ngành Hải quan năm qua vẫn tiếp tục duy trì hệ thống kiểm soát mạnh với các lực lượng chủ chốt như: chống buôn lậu, kiểm tra sau thông quan, quản lý rủi ro cùng các nghiệp vụ khác. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp sẽ cân bằng hai yếu tố quan trọng tạo thuận lợi và đảm bảo quản lý, qua đó càng thúc đẩy hoạt động thương mại phát triển”, ông Mai Xuân Thành cho hay.

Bên cạnh đó, ngành Hải quan đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thông qua rà soát một số hoạt động nghiệp vụ; kịp thời tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật hải quan nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19. Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 47/2020/TT-BTC ngày 27/5/2020 quy định về chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng trong giai đoạn dịch Covid-19. Việc ban hành Thông tư đã giải quyết được vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong vấn đề nộp bản gốc Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xem xét cho hưởng ưu đãi đặc biệt khi doanh nghiệp chưa có bản chứng nhận xuất xứ hàng hóa bản gốc, cũng như kéo dài thời gian chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho cơ quan Hải quan để doanh nghiệp hưởng ưu đãi đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh tại một số quốc gia vẫn đang diễn biến phức tạp…).

Trong bối cảnh tình hình nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 1616/QĐ-TCHQ ngày 19/6/2020 về Kế hoạch hành động đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong và sau dịch bệnh Covid-19 triển khai trong toàn ngành để có những giải pháp kịp thời hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. 

Nhận thấy hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại có chiều hướng gia tăng trong điều kiện dịch bệnh, ngành Hải quan xác định nhiệm vụ chống buôn lậu và gian lận thương mại, bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người tiêu dùng, bảo đảm an ninh quốc gia là một trong những nhiệm vụ cấp bách và quan trọng. Vì vậy, cơ quan Hải quan đã phối hợp, đôn đốc các cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc cải thiện chất lượng kiểm soát hàng hoá thông qua việc rà soát, đưa ra các yêu cầu kỹ thuật cũng như xác định trọng điểm, ngăn chặn, bắt giữ những hàng hoá độc hại, hàng giả đi kèm chứng từ giả mạo hoặc hàng buôn lậu qua biên giới, đấu tranh với các đối tượng lại càng ngày tinh vi. 

Thông qua các kế hoạch, chuyên đề đấu tranh, lực lượng Hải quan đã phát hiện, bóc gỡ nhiều vụ án quy mô lớn trên tất cả địa bàn, lĩnh vực. Nổi bật là công tác phòng, chống ma túy; chống gian lận xuất xứ; gian lận thương mại, trốn thuế, xuất khống hàng hóa, hàng cấm, vũ khí… Đồng thời, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa liên quan đến vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19…

“Khi dịch bệnh bùng phát, hàng lậu không thể vận chuyển qua đường mòn, lối mở mà có nguy cơ lợi dụng đi qua cửa khẩu. Khi chúng ta đánh mạnh ở biên giới Quảng Ninh, Lạng Sơn, hàng lậu có xu hướng dịch chuyển về Lào Cai. Khi đánh mạnh ở đường bộ, hàng lậu dịch chuyển qua đường không, đường biển. Khi tập trung đấu tranh ở phía Bắc, phía Nam, hàng lậu có xu hướng di chuyển về miền Trung… Nhưng ngành Hải quan đã kịp thời nhận diện và chủ động các kế hoạch, chuyên đề đấu tranh hiệu quả”, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết.

Xác định nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho toàn lực lượng trước đại dịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, với nhiều luồng thông tin dịch bệnh có thể lây nhiễm qua giao tiếp và có thể tồn tại cả ở hàng hóa xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn trước dịch bệnh cho cán bộ toàn lực lượng, bố trí đủ cán bộ trực và xử lý các hoạt động nghiệp vụ phục vụ hoạt động thông quan xuất khẩu, nhập khẩu. Đến nay, ngành Hải quan chưa có trường hợp cán bộ bị mắc Covid-19.

Bên cạnh việc nỗ lực ứng phó trước tình hình dịch bệnh, ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Ngành đã tham mưu cho Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2020/NĐ-CP ngày 15/6/2020, qua đó cắt giảm 6, đơn giản hóa 13 trên tổng số 29 điều kiện kinh doanh; cắt giảm 22 trên tổng số 52 thành phần hồ sơ của các thủ tục công nhận cửa hàng miễn thuế, kho, bãi, địa điểm quy định tại Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016. Hiện nay, đang tích cực rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và ít nhất 20% chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh trong giai đoạn 2020 - 2025 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ. 

Về ứng dụng công nghệ thông tin, ngành Hải quan hoàn thành tích hợp 72 thủ tục hải quan lên Cổng dịch công quốc gia; đẩy mạnh thu thuế điện tử, hạn chế thanh toán tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ. Đến nay, ngành Hải quan đã ký kết với 43 ngân hàng, trong đó có 31 ngân hàng phối hợp thu 24/7, số thu chiếm trên 98,7% tổng số thu ngân sách của ngành. 

Ngành Hải quan phối hợp với các Bộ, ngành tăng số lượng thủ tục kiểm tra chuyên ngành được thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia theo yêu cầu của Chính phủ. Đến nay, đã có 13 Bộ, ngành triển khai 202 thủ tục, với 43.000 doanh nghiệp tham gia, xử lý hơn 3,4 triệu bộ hồ sơ trên Cơ chế một cửa quốc gia. Việt Nam đã trao đổi giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D với 9 nước ASEAN thông qua Cơ chế một cửa ASEAN.

Cùng với đó, ngành Hải quan tăng cường áp dụng quản lý rủi ro đối với các hoạt động nghiệp vụ hải quan. Năm 2020, thông qua áp dụng quản lý rủi ro, tỷ lệ tờ khai được phân luồng hợp lý, theo đó: luồng Xanh chiếm 53% số tờ khai (thông quan tự động từ 1 đến 3 giây), luồng Vàng 42%, luồng Đỏ 5%.

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, Tổng cục Hải quan đã tham mưu trình Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội ban hành rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thủ tục hải quan theo tinh thần tạo thuận lợi thương mại, bên cạnh đó, đảm bảo yêu cầu quản lý, kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

“Tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại đã thể hiện rõ nét trong nội dung của các văn bản được ban hành như: giảm giấy tờ trong hồ sơ hải quan, giảm bớt các giấy tờ không cần thiết, điện tử hóa việc khai và nộp hồ sơ hải quan, sắp xếp lại các khâu trong quy trình thủ tục hải quan để loại bỏ các khâu trung gian, áp dụng quản lý rủi ro để kiểm tra hồ sơ và hàng hoá, giảm thời gian thông quan”, ông Âu Anh Tuấn nói.

Qua đó, cơ quan Hải quan đã giảm tỉ lệ luồng Vàng, Đỏ, tăng luồng Xanh, và tập trung vào kiểm soát các lô hàng trọng điểm. Bên cạnh đó, tinh thần cải cách còn thể hiện rất rõ việc cơ quan Hải quan đưa ra các quy định để ứng dụng tối đa thành tựu khoa học công nghệ vào quy trình nghiệp vụ. 

Đánh giá về kết quả đạt được năm 2020 của Tổng cục Hải quan, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi thương mại và xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục được Tổng cục Hải quan quan tâm và đẩy mạnh. Nỗ lực đó được khẳng định bằng kết quả 5 năm liền Tổng cục Hải quan được đánh giá đi đầu trong các cơ quan của ngành Tài chính trong cải cách hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin.

Với vai trò Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan đã tích cực tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ trong việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Đến nay, các thủ tục đã triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia khá lớn. Về Cơ chế một cửa ASEAN, Việt Nam là một trong các nước tích cực triển khai.

“Đặc biệt trong năm nay, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính xây dựng Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng một cửa tại cơ quan Hải quan theo chỉ đạo tại Nghị quyết 99/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ. Đề án này là một cải cách quan trọng, đổi mới căn bản công tác kiểm tra chuyên ngành, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp”, bà Vũ Thị Mai nhấn mạnh.

Theo tính toán của USAID, triển khai mô hình này giúp tiết kiệm cho doanh nghiệp trong một năm hơn 881 tỷ đồng (xấp xỉ 37,8 triệu USD); dựa trên dữ liệu trong Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), ước tính giá trị tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới lên đến 9.285 tỷ đồng/năm (xấp xỉ 399 triệu USD). Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, nếu mô hình được triển khai sẽ giúp cắt giảm thủ tục hành chính; giảm thời gian thông quan; cắt giảm nguồn lực và chi phí cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhưng vẫn nâng cao tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, bảo vệ an toàn cho người tiêu dung; phù hợp với thông lệ quốc tế./.


Thứ Năm, 10:01, 31/12/2020