Ngày 6/2/2014, tại xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) và UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Lễ Khánh thành Dự án cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc. Đây là sự kiện khánh thành một công trình lớn của ngành điện và có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của huyện đảo Phú Quốc.
Dự án cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc được thực hiện nhằm đảo bảo cung cấp điện ổn định cho huyện đảo Phú Quốc từ hệ thống điện Quốc gia với khả năng truyền tải công suất lên đến 131 MVA. Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao sức cạnh tranh đưa Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế quan trọng, khu du lịch chất lượng cao của cả nước, khu vực và quốc tế, góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường cho huyện đảo.
Dự án cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc bao gồm hạng mục đường dây 2 mạch 110 kV đấu nối đầu cáp ngầm phía bờ Hà Tiên. Hoàn thành vào tháng 2/2013; Đường dây 2 mạch 110 kV Phú Quốc chiều dài 7,6 km và Trạm biến áp Phú Quốc 110/22 kV - 40 MVA, hoàn thành vào tháng 11/2013.
Hạng mục chính là tuyến cáp ngầm 110 kV xuyên biển chiều dài 57,33 km, có kết cấu 1 sợi cáp 3 lõi 630 mm2/lõi. Điểm đầu của tuyến cáp ngầm bắt đầu từ xã Thuận Yên, thị xã Hà Tiên và điểm cuối tại xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc (dài nhất Đông Nam Á).
Theo kế hoạch ban đầu và hợp đồng EPC đã ký với nhà thầu Prysmian Powerlink SRL, trong năm 2013 hoàn thành sản xuất cáp ngầm, quý I/2014 triển khai thi công, hoàn thành toàn bộ dự án và đóng điện vào đầu quý III/2014. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu Prysmian (Italy) và các đơn vị liên quan, dự án đã được triển khai và hoàn thành sớm hơn dự kiến trên 6 tháng.
Các đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế và giám sát thi công là Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 2; Công ty Fugro (Singapore); Công ty Intertek Metoc (UK).
Các hạng mục công trình trên bờ Hà Tiên và Phú Quốc do Công ty CP Thái Bình Dương và Công ty Xây lắp Điện 2 thực hiện; Nhà thầu Prysmian Powerlink SRL (Italy) thực hiện tổng thầu EPC tuyến cáp ngầm 110kV.
Cung cấp các thiết bị chính cho dự án bao gồm: Máy biến áp lực và cuộn kháng 110kV do Công ty TNHH ABB Việt Nam cung cấp. Các vật tư thiết bị khác do Công ty CP Địa ốc-Cáp điện Thịnh Phát, Công ty CP Đầu tư thương mại HK và Công ty CP Thiết bị điện Sài Gòn (SEE).
Trước đó, để đấu nối cho dự án cáp ngầm Phú Quốc và tăng cường khả năng cung cấp điện cho thị xã Hà Tiên, EVNSPC đã đầu tư 2 công trình lưới điện 110kV đồng bộ với dự án này, bao gồm đường dây 2 mạch 110kV Kiên Lương - Hà Tiên có chiều dài 18,2km, tổng mức đầu tư 76,69 tỷ đồng và Trạm biến áp 110/22kV - 40MVA Hà Tiên có công suất 40MVA, tổng mức đầu tư 51,2 tỷ đồng, đã đóng điện vận hành vào tháng 2/2013.
Công trình các lộ ra 22kV Phú Quốc có tổng mức đầu tư 18,2 tỷ đồng và các công trình đầu tư, sửa chữa lưới điện phân phối trên huyện đảo Phú Quốc có tổng mức đầu tư 24,75 tỷ đồng với mục tiêu nâng cao năng lực cung cấp điện và cấp điện mới cho nhân dân ở khu vực các xã Gành Dầu, Bãi Thơm cũng như các phụ tải quan trọng khác trên huyện đảo Phú Quốc như sân bay quốc tế Phú Quốc, cảng biển quốc tế An Thới…
Với việc hoàn thành Dự án cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc vào đầu tháng 2/2014, người dân và các doanh nghiệp trên huyện đảo Phú Quốc sẽ được sử dụng một nguồn điện an toàn, ổn định sớm hơn kế hoạch 6 tháng, sẽ đem lại giá trị thu nhập tăng thêm trên 200 tỷ đồng cho huyện đảo nhờ được giảm giá điện từ mức trung bình là 5.060 đồng/kWh xuống theo giá đất liền.
Từ năm 2014 đến nay, sau khi tuyến cáp ngầm 110kV Hà Tiên – Phú Quốc đi vào hoạt động, phụ tải sử dụng điện Phú Quốc tăng trưởng liên tục với tốc độ bình quân trung bình trên 45%/năm.
Sản lượng điện thương phẩm năm 2014 là 87,3 triệu kWh, đến năm 2018 đã đạt 407,088 triệu kWh. Đến năm 2022 sản lượng điện thương phẩm đạt 586,996 triệu kWh, tăng trung bình 17%/năm, chậm hơn hẳn so với các năm trước nguyên nhân chủ yếu là do dịch Covid-19 và suy giảm kinh tế sau dịch.
Để đáp ứng nhu cầu phụ tải sử dụng điện đang tăng nhanh của đảo Phú Quốc, trong năm 2018, EVNSPC đã tăng công suất TBA 110kV Phú Quốc từ 2x40MVA lên 2x63MVA. Do ảnh hưởng suy giảm kinh tế sau dịch nên nhìn chung tình hình phát triển phụ tải trên địa bàn TP. Phú Quốc năm 2023 tương đối thấp so với các năm trước.
Tổng công suất phụ tải đăng ký sử dụng điện đến năm 2025 tại Phú Quốc đạt 502,9MVA, riêng công suất lắp đặt đến năm 2020 đạt 172MVA (khu vực Dương Đông là 34MVA, Bãi Trường là 57MVA, Bãi Thơm là 16MVA, Gành Dầu 65MVA). Đây hầu hết là các dự án du lịch nghỉ dưỡng lớn tại đảo Phú Quốc, đang được các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ.
Dự báo tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2024-2030 của đảo Phú Quốc sẽ tiếp tục nóng, do hàng loạt dự án đầu tư khách sạn, resort đang gấp rút triển khai thi công, hoàn thiện. Giai đoạn 2023-2030 bình quân mỗi năm sẽ tăng 17%/năm.
Để đảm bảo khả năng cấp điện cho đảo Phú Quốc, EVNSPC đã triển khai hàng loạt dự án quan trọng như đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc; đường dây và TBA 110kV Nam Phú Quốc; đường dây và TBA 110kV Bắc Phú Quốc; Trạm ngắt Phú Quốc, trong đó đặc biệt là đường dây 220kV Kiên Bình – Phú Quốc với tổng mức đầu tư lên đến 2.212 tỷ đồng, để tăng cường cung cấp nguồn điện cho đảo Phú Quốc. Hiện nay khả năng tuyền tải tối đa của tuyến cáp ngầm Hà Tiên - Phú Quốc chỉ là 130MW trong khi Pmax năm 2019 đạt 85 MW. Sau khi đóng điện 2 công trình đường dây 220kV vượt biển Kiên Bình-Phú Quốc và đường dây 110kV Phú Quốc–Nam Phú Quốc (tháng 10/2022), tình trạng quá tải kéo dài trên lưới điện phân phối đảo Phú Quốc cơ bản được giải quyết. Bên cạnh đó, nguy cơ do quá tải cáp ngầm 110kV Hà Tiên - Phú Quốc không còn, độ tin cậy cung cấp điện được nâng cao.
Tác giả: Nguyễn Quỳnh - Trình bày: Kiều Anh