Chính sách hỗ trợ người lao động học nghề từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được xem như giải pháp ngăn chặn nguy cơ thất nghiệp sớm, giúp người lao động nâng cao kỹ năng, tay nghề, có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững, song nhiều người vẫn chưa thực sự mặn mà với hỗ trợ này.
Sau 11 năm triển khai thực hiện, chính sách BHTN ngày càng khẳng định vai trò là công cụ quản lý thị trường lao động hữu hiệu, là “tấm đệm” của người lao động và doanh nghiệp trong những lúc khó khăn. Vai trò này được thể hiện rõ nét qua 2 năm dịch Covid-19 hoành hành. Chính sách BHTN được coi như liều thuốc làm “hạ nhiệt” sự căng thẳng xã hội do tình trạng thất nghiệp gây ra, là một trong những công cụ thực hiện chính sách an sinh xã hội của quốc gia.
Không chỉ hỗ trợ trực tiếp người lao động khi mất việc, BHTN có vai trò hỗ trợ đào tạo lại lao động, thích ứng với những biến đổi của thị trường lao động, tạo việc làm bền vững.
Nhằm nỗ lực giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, đồng thời nâng cao năng lực cho người lao động, tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định quy định mức hỗ trợ học nghề cho người lao động.
Theo quy định này, mức tiền hỗ trợ học nghề cho lao động để chuyển đổi việc làm khi thất nghiệp tăng cao hơn so với trước đây.
Cụ thể, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng.
Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng.
Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc từ 14 ngày trở xuống tính là 1/2 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng. Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ học nghề do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả từ Quỹ BHTN.
Chị Nguyễn Ngọc Thảo (Mỹ Đức, Hà Nội) là một trong những lao động được hỗ trợ học nghề từ quỹ BHTN và đã chuyển đổi nghề nghiệp thành công. Chị Thảo cho biết, trước đây chị từng đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, sau khi về nước, cùng vốn tiếng Nhật có sẵn, chị xin vào làm việc tại một công ty về xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công ty đã phải sa thải lượng lớn nhân viên, hoạt động cầm chừng. Mất việc, chị Thảo đi đăng ký nhận trợ cấp BHTN, khi được tư vấn về khóa học nghề, chị thảo quyết định đăng ký học thêm tin học văn phòng. Hiện nay, chị Thảo đã kiếm được việc làm mới với mức thu nhập ổn định.
Anh Nguyễn Minh Tuấn (Ứng Hòa, Hà Nội) từng làm nhân viên phục vụ tại một quán cafe, do ảnh hưởng của dịch bệnh, quán café nơi anh Tuấn làm việc cũng đã đóng cửa vào cuối năm 2020. Khi được tư vấn tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, anh Tuấn quyết định đăng ký lớp học làm bánh ngọt. Hiện tại, anh Tuấn đã tự mở một tiệm bánh nhỏ tại nhà.
“Khi quyết định học nghề, tôi cũng xác định sẽ mất một khoảng thời gian không thể đi làm, không có lương, cuộc sống sẽ có chút vất vả. Nhưng bù lại tiền học phí đã được hỗ trợ từ quỹ BHTN, sau khi học xong, tôi quyết định tự làm bánh và bán tại nhà, vừa có nguồn thu nhập, lại chủ động hơn. Ngoài ra, gia đình tôi cũng có một tiệm tạp hóa tại nhà, như vậy có thể làm một công đôi việc”, anh Tuấn cho biết.
Thực tế cho thấy, tái đào tạo nghề, nâng cao tay nghề của người lao động được xem là giải pháp hữu hiệu giúp ngăn chặn nguy cơ thất nghiệp của người lao động, tạo việc làm bền vững, song bên cạnh đó, vẫn còn nhiều lao động chưa mặn mà với việc đăng ký học nghề sau khi thất nghiệp, ngay cả khi mức phí hỗ trợ học nghề đã tăng.
Chị Nguyễn Thị Lê (Thanh Hóa) làm công nhân tại TP.HCM mới trở về quê từ tháng 9 năm nay sau khi mất việc. Thất nghiệp, chưa có việc làm, chị Lê đã đăng ký hưởng BHTN, nhưng lại không muốn đăng ký học nghề theo chính sách hỗ trợ từ quỹ BHTN. Lý do mà chị Lê đưa ra là khi chuyển đổi nghề sẽ phải mất một thời gian để học, trong thời gian đó không có thu nhập, mức hỗ trợ học nghề thấp nên không đủ để chị trang trải những nhu cầu của cuộc sống trong thời gian đi học.
Trong khi đó, anh Trần Trung Hiếu (Hoài Đức, Hà Nội) lại chưa tìm được ngành học phù hợp với mong muốn của bản thân trong danh mục đào tạo nghề được hỗ trợ từ quỹ BHTN. Bên cạnh đó, anh Hiếu cũng cho rằng, dù mức hỗ trợ đào tạo lại lao động đã tăng nhưng vẫn thấp, người lao động chưa đủ trang trải chi phí trong các khóa học chứ chưa nói đến việc đảm bảo đời sống khi đi học, chưa có việc làm.
Theo đánh giá của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), hiện nay các báo cáo từ địa phương cho thấy người lao động thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được tổ chức học nghề theo đúng quy định của pháp luật và thủ tục đăng ký rất đơn giản. Số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng qua từng năm, đặc biệt từ khi Luật Việc làm có hiệu lực, tuy nhiên tỷ lệ người lao động được hỗ trợ học nghề lại không nhiều. Nguyên nhân do đa số lao động thất nghiệp và hưởng trợ cấp thất nghiệp là lao động phổ thông, lao động tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các đơn vị thâm dụng lao động và thường xuyên có biến động lao động. Những lao động này có đời sống khó khăn, ít có nguồn tiền dự trữ hoặc hỗ trợ khác, nên khi mất việc, người lao động chỉ quan tâm đến việc hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp. Vì vậy, tâm lý chung là dành thời gian kiếm sống, tìm các công việc khác để duy trì cuộc sống rồi mới tính đến việc học nghề.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp khi tuyển dụng chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông, nên người lao động có thể tìm kiếm được việc làm mới ngay sau khi mất việc mà không cần học nghề khác.
Còn theo một số chuyên gia, hiện nay dù đã có cải thiện, song mức hỗ trợ học nghề còn thấp, thời gian học nghề ngắn, nên chưa đáp ứng được một số nghề đòi hỏi từ trình độ trung cấp trở lên. Mặt khác, một số địa phương, người lao động ít có cơ hội lựa chọn nghề vì các danh mục nghề đào tạo chưa phong phú, trang thiết bị học nghề lạc hậu, ít cơ sở dạy nghề, đồng thời, chưa thực hiện được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề, do đó chưa thực sự hấp dẫn được người lao động tham gia học nghề.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bên cạnh một số ngành nghề có thể học trực tuyến, nhiều ngành nghề đào tạo mức độ sơ cấp, cần cầm tay chỉ việc gặp nhiều khó khăn trong tổ chức dạy học trực tiếp. Do đó, năm nay, số lượng người lao động đăng ký học nghề tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội khi mất việc cũng giảm so với năm ngoái, chỉ đạt khoảng 2.000 người từ đầu năm đến nay.
Nói thêm về chính sách hỗ trợ người lao động học lại nghề từ quỹ BHTN, ông Vũ Quang Thành cho biết, hiện nay quỹ BHTN đang hỗ trợ người lao động 1,5 triệu đồng/tháng để học nghề, đây là mức hỗ trợ phù hợp với các ngành nghề sơ cấp, với những ngành cần đào tạo ở trình độ cao hơn, chi phí cũng yêu cầu lớn hơn, người lao động vẫn phải tự bù thêm tiền học.
Để nâng cao hiệu quả của chính sách hỗ trợ học nghề từ quỹ BHTN, ông Vũ Quang Thành cho rằng, trong thời gian tới có thể nghiên cứu thêm những nhóm ngành nghề với mức học phí phù hợp để người lao động có thêm những lựa chọn trong bối cảnh dịch chuyển ngành nghề dưới tác động của cuộc CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế.
Còn theo đánh giá của PGS.TS Giang Thanh Long (ĐH Kinh tế Quốc dân), chính sách bảo hiểm thất nghiệp Việt Nam đã tuân thủ rất chặt chẽ Công ước quốc tế mà Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã công bố trước đây. Ở vị thế là một quốc gia thu nhập trung bình, có thể nói Việt Nam thực hiện rất tốt Công ước ILO. Về việc thực hiện, về tổng thể, người lao động đã được đào tạo nghề thay đổi kỹ năng để có thể tìm kiếm việc làm mới trong thời gian thất nghiệp.
“Tuy nhiên, ở đây đặt ra câu hỏi quan trọng là trong hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động, chúng ta đang đào tạo gì? Các nghiên cứu trong thời gian gần đây chỉ ra rằng chúng ta đang đào tạo những gì chúng ta có, chứ chưa đào tạo những gì thị trường cần. Và vì lý do đó, người lao động vẫn được hỗ trợ đào tạo, nhưng họ vẫn khó tìm việc vì lý do kỹ năng vẫn chưa đáp ứng được phía cầu của lao động. Đây là một điều rất quan trọng cần lưu ý trong việc sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khi hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động”,PGS.TS Giang Thanh Long nói.
Ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, qua khảo sát, một số địa phương cho rằng, khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động bình thường, sẽ có nhiều doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu sản xuất - kinh doanh để đáp ứng yêu cầu trong trạng thái bình thường mới và có nhu cầu đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động phù hợp với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Trước mắt, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp sau khi phục hồi sản xuất - kinh doanh sau khi kiểm soát được dịch bệnh, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ/kỹ năng nghề cho người lao động để thích ứng với điều kiện sản xuất mới, đào tạo phổ cập nghề cho người lao động có kỹ năng thấp, đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Do đó, trong thời gian tới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chủ động phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng và triển khai phương án đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần phối hợp các trung tâm dịch vụ việc làm để tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ đào tạo cũng như tổ chức thực hiện đào tạo mới, đào tạo nâng cao trình độ và đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động.
Đặc biệt, hiện nay có nhóm lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, khi chưa quay trở lại thị trường lao động cần được giới thiệu tham gia đào tạo nghề từ nguồn hỗ trợ của quỹ BHTN, chuyển đổi nghề nghiệp để chuẩn bị việc làm trong tương lai./.